Dự hội nghị có đại diện các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hải quan và lực lượng chức năng thuộc các tỉnh khu vực phía Nam có đường biên giới giáp với Campuchia.
Theo kế hoạch phối hợp, các lực lượng có liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ trong hoạt động nghiệp vụ theo 3 lớp gồm ngoại biên; khu vực biên giới, cửa khẩu và khu vực nội địa. Trong đó, chú trọng thu thập thông tin, tài liệu theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; điều tra, rà soát xác định tuyến, địa bàn trọng điểm và danh sách đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến, địa bàn trọng điểm; phối hợp đấu tranh, bắt giữ các đối tượng, đường dây, ổ nhóm hoạt động chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo...
Các lực lượng cũng sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động nghiệp vụ và công tác quản lý, tình hình vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng) cho rằng, công tác phối hợp giữa các lực lượng góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm về mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Do đó, đề nghị lực lượng các cấp tăng cường phối hợp trong việc trao đổi, cung cấp thông tin và công tác nghiệp vụ; đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, nhất là tại các tuyến, địa bàn trọng điểm ở khu vực biên giới, cửa khẩu và cả nội địa.
Theo đánh giá của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng), thời gian gần đây, tình trạng mua bán, sản xuất, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt là các đối tượng sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để gây án giết người, cướp tài sản, tham gia vào các đường dây tội phạm về ma túy; tham gia khủng bố, chống chính quyền hoặc giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Nổi cộm như vụ việc rạng sáng ngày 11/6/2023, các đối tượng sử dụng vũ khí tấn công tại tỉnh Đắk Lắk, khiến nhiều người thương vong.
Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng đã chủ động đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả. Chỉ tính riêng lực lượng Biên phòng, từ năm 2022 đến nay đã phát hiện bắt giữ, xử lý 2 vụ với 233 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ và pháo; tang vật thu giữ gồm 13 khẩu súng các loại, 328 viên đạn; gần 800 kg thuốc nổ, 1.856 kíp nổ, 90,97m dây cháy chậm; gần 17.000 kg pháo...