Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và tăng cường quản lý nhà nước về hải quan

Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước...; tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về hải quan; lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, tập trung đầu tư để hiện đại hóa hải quan tại các vùng, địa bàn trọng điểm, đồng thời có tính đến sự phát triển cân đối, hài hòa giữa các vùng, địa bàn đảm bảo sự phát triển, hiện đại hóa chung của Hải quan Việt Nam... là những quan điểm nêu rõ trong Quyết định 448/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển hải quan đến 2020, được nhấn mạnh tại cuộc họp báo của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh chủ trì tại Hà Nội chiều 30/3/2011...

Quyết định 448/QĐ-TTg cũng nêu rõ một số chỉ tiêu và lộ trình thực hiện chiến lược nêu trên, đó là việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử (HQĐT). Theo đó, đến 2015 có 100% các cục hải quan, 100% các chi cục hải quan tại các địa bàn trọng điểm (cảng biển, sân bay, cửa khẩu đường bộ quốc tế, các khu kinh tế trọng điểm), 60% các loại hình hải quan cơ bản, 70% kim ngạch XNK và 60% DN thực hiện thủ tục HQĐT; đến 2020 có 100% các cục hải quan, 100% các chi cục hải quan, 100% các loại hình hải quan cơ bản, 90% kim ngạch XNK và 80% DN thực hiện thủ tục HQĐT...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh (đứng) tại cuộc họp báo. Ảnh: Mai Phương


Thời gian thông quan hàng hóa đến 2015 bằng với mức trung bình của các nước tiên tiến trong khu vực tại thời điểm 2010 và đến 2020 bằng với mức của các nước tiên tiến trong khu vực tại cùng thời điểm; tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa đến 2015 là dưới 10% và đến 2020 dưới 7%; tỷ lệ giấy phép XNK thực hiện trong cơ chế một cửa hải quan quốc gia đến 2015 là 50% và đến 2020 là 90%; tập trung hóa xử lý dữ liệu của hệ thống thông quan hải quan vào năm 2015...

Quyết định cũng nêu rõ nội dung của chiến lược tập trung vào xây dựng thể chế; công tác nghiệp vụ hải quan; tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực; cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cùng công nghệ thông tin và thống kê hải quan...

Theo ông Vũ Ngọc Anh, nét mới trong chiến lược phát triển hải quan đến 2020 đó là việc "Nghiên cứu, triển khai thí điểm việc xã hội hóa một số dịch vụ công do cơ quan hải quan cung cấp hoặc thực hiện để từ đó nhân rộng, ban hành cơ chế, chính sách áp dụng chung nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm bớt gánh nặng ngân sách.

Áp dụng các hình thức thuê ngoài làm và thuê dịch vụ; chuyển đổi một số dịch vụ công do cơ quan hải quan cung cấp thành các dịch vụ có thu phí; phát triển các hình thức liên kết đầu tư hoặc thuê mua theo hình thức công - tư đối với một số loại thiết bị chuyên dụng, một số dịch vụ công hoặc những hệ thống kỹ thuật, công nghệ đòi hỏi mức đầu tư lớn trong bối cảnh nguồn lực tài chính hạn chế...".

Xung quanh chỉ tiêu thực hiện thủ tục HQĐT muốn thành công cần sự đồng hành của doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh khẳng định hoàn toàn khả thi, bởi hiện đã có tới 58% doanh nghiệp, với trên 48% thu thuế được thực hiện trên HQĐT... 20/33 cục hải quan các tỉnh, thành phố thí điểm và thực hiện HQĐT. Trong số này rất nhiều địa phương có số DN chiếm tỷ lệ lớn trên cả nước: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... Về phía ngành Hải quan cũng đã xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật phục vụ cho việc thực hiện thủ tục HQĐT thuận lợi...

Tuy nhiên, ông Ngọc Anh cũng đề cập đến những khó khăn nhất định trong thực hiện HQĐT, đó là hạ tầng mạng xã hội còn hạn chế. Do vậy, dù hạ tầng mạng của ngành Hải quan hoàn toàn ổn định cũng sẽ không tránh khỏi khó khăn.

Hoàng Yến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN