Qua điều tra vụ án này, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố 17 bị can, thu giữ 12 khẩu súng chế tạo thủ công, có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng thuộc danh mục vũ khí quân dụng; 46 khẩu súng là công cụ hỗ trợ; 302 khẩu súng là đồ chơi nguy hiểm; 51 viên đạn quân dụng; 249 viên đạn là công cụ hỗ trợ; 81 viên đạn thể thao và nhiều linh kiện khác.
Các đối tượng tội phạm có tiền án, tiền sự, cư trú trong và ngoài tỉnh Kiên Giang, đã bán ra ngoài xã hội 18 khẩu súng. Đơn vị chức năng Công an tỉnh đã thu hồi 16 khẩu súng. Công an tỉnh Kiên Giang đã chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong năm 2022 và hơn 2 tháng đầu năm nay, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố 15 vụ, với 30 bị can về tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng” quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015; 1 vụ, 3 bị can về tội “Chế tạo, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ” quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tại buổi họp báo, Đại tá Đào Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: Bên cạnh những hoạt động phạm tội mang tính truyền thống, gần đây nổi lên là hoạt động lợi dụng mạng Internet, dịch vụ bưu chính, dịch vụ vận chuyển hàng hóa, phương tiện giao thông để vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm, nên tình hình tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ diễn biến hết sức phức tạp.
Mục đích chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng của các đối tượng rất đa dạng, phổ biến là dùng để săn bắn, vì lợi nhuận, phòng thân, có trường hợp sử dụng vũ khí để giải quyết mâu thuẫn, gây thương tích hoặc giết người. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm là những vũ khí có tầm sát thương cao và là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ án làm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người dân, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Nhiều vụ việc, vụ án để lại hậu quả rất thương tâm. Công an tỉnh đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để quản lý, thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn ngoài xã hội.
“Sau khi phá các vụ án chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng; chế tạo, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ, trên địa bàn tỉnh, các vụ việc, vụ án đối tượng sử dụng vũ khí tự chế, vũ khí quân dụng, súng mua bán trên mạng xã hội để thực hiện các hành vi gây rối trật tự công cộng đã giảm cơ bản, hạn chế các vụ việc thanh toán lẫn nhau, gây mất an ninh trật tự, đặc biệt là ở hai thành phố Phú Quốc và Rạch Giá”, Đại tá Đào Hải Đăng cho hay.
Công an tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với cơ quan có liên quan đưa các vụ án liên quan đến vũ khí quân dụng, vật liệu nổ ra xét xử công khai và cung cấp thông tin đến các cơ quan báo chí để tuyên truyền đến người dân nhận thức, hiểu rõ về tính chất, mức độ nguy hiểm của vũ khí quân dụng nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung, cùng với việc siết chặt công tác quản lý, xử lý nghiêm hành vi liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ. Đồng thời, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự giác giao nộp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Đại tá Đào Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang kêu gọi các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn tỉnh tuyệt đối không chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm và tích cực phát hiện, tố giác, giúp đỡ, hỗ trợ lực lượng công an đấu tranh với các hành vi vi phạm.
Công an tỉnh Kiên Giang đề nghị các cơ quan chức năng, báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công tác đăng ký, quản lý và sử dụng tài khoản ngân hàng; thuê bao sim số điện thoại di động. Các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ bưu chính, dịch vụ vận chuyển hàng hóa chuyển phát nhanh cần thực hiện đúng các quy định về việc ghi đầy đủ thông tin cá nhân (họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, số điện thoại...) của người gửi, người nhận và phải kiểm tra hàng hóa hoặc trang bị phương tiện, thiết bị soi chiếu hàng hóa tại nơi nhận, các sân bay, bến tàu, xe nhằm kịp thời phát hiện trong hành lý, bưu phẩm của hành khách, khách hàng có vật cấm để thu giữ, xử lý theo quy định của pháp luật.