Theo đó, lực lượng quản lý thị trường đã chia thành 6 Tổ công tác kiểm tra 6 điểm kinh doanh các mặt hàng như: túi ví, mắt kính, quần áo, phụ kiện trang sức mang các nhãn hiệu Gucci, Dior, Chanel, Louis Vuitton, Adidas, Nike, Hermes… với giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Đây là các hộ kinh doanh có tên tuổi trong Trung tâm thương mại Sài Gòn Square.
Qua hơn 1 ngày kiểm đếm, phân loại sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, ngày 2/11, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành các thủ tục tạm giữ gần 2.000 sản phẩm để tiếp tục xử lý.
Theo Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Trung tâm thương mại Sài Gòn Square được ví như “thiên đường mua sắm” cho các tín đồ shopping với đa dạng các lĩnh vực và đầy đủ các mặt hàng đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn và khách thập phương.
Tồn tại hơn 2 thập kỷ (ra đời từ năm 2000), chính vì vậy các hộ kinh doanh ở đây có đủ các chiêu trò để đối phó với các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, hạn chế việc kiểm tra. Đây cũng là nơi làm giàu của nhiều hộ kinh doanh bởi siêu lợi nhuận từ việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng.
Xác định được điều đó là vô cùng khó khăn, tuy nhiên lực lượng quản lý thị trường vẫn tiếp tục đưa Sài Gòn Square nằm trong diện phải kiểm tra kiểm soát theo lộ trình nhằm từng bước thay đổi nhận thức của các hộ buôn bán trong việc kinh doanh các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Điển hình, một số hộ kinh doanh bị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý và tịch thu tiêu hủy hàng hóa trong năm 2020, 2021 đã có ý thức hơn trong việc nhập các nhãn hàng có nguồn gốc và chất lượng để kinh doanh buôn bán.