Vụ án được áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án (ngày 8/4/2020) đến khi kết thúc việc xét xử sơ thẩm (ngày 10/4/2020) chỉ có 3 ngày. Kết quả này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan điều tra, tư pháp để đảm bảo đưa vụ án ra xét xử kịp thời, nghiêm minh và đúng quy định.
Xét xử đúng quy trình, thủ tục luật định
Ngày 10/4/2020, Tòa án nhân dân huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra xét xử theo thủ tục rút gọn bị cáo Đào Xuân Anh về tội “Chống người thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự và tuyên phạt bị cáo 9 tháng tù giam. Đây là vụ án đầu tiên trong cả nước xét xử vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh theo Chỉ thị của Chánh án và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, việc xét xử của Tòa án có Hội thẩm tham gia, do Hội đồng xét xử tiến hành, sau khi nghị án, Hội đồng xét xử quyết định theo hình thức biểu quyết. Tuy nhiên, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn do một thẩm phán tiến hành, sau phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Kiểm sát viên công bố quyết định truy tố, còn các trình tự, thủ tục khác được thực hiện theo thủ tục chung và không tiến hành nghị án. Đây là điểm khác biệt so với Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tiên Yên, Bùi Đức Tuấn là thẩm phán chủ tọa phiên toà này. Thẩm phán Bùi Đức Tuấn cho biết hồ sơ vụ án đã được nghiên cứu rất thận trọng, kỹ lưỡng, từ các yếu tố cấu thành tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, khung hình phạt dự kiến áp dụng đối với bị cáo… Kế hoạch điều khiển phiên tòa được xây dựng rất chi tiết, mọi phương án đều phải được tính đến, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và phải đảm bảo quyền của bị cáo.
Phân tích chi tiết về thủ tục xét xử rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành, Luật sư Trần Thế Anh (Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn XTVN, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, việc áp dụng thủ tục rút gọn khi có đủ 4 điều kiện: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.
Trình tự thủ tục rút gọn cũng bao gồm các bước như thủ tục tố tụng hình sự thông thường (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm), tuy nhiên thủ tục rút gọn quy định các thời hạn ngắn hơn so với thủ tục thông thường trong tố tụng hình sự. Thời hạn điều tra theo thủ tục rút gọn là 20 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án. Thời hạn truy tố là trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đề nghị truy tố và hồ sơ vụ án. Thời hạn quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm là trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án; trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án.
Dù bối cảnh có nhiều khó khăn, nhưng xác định đây là vụ án điểm, khi cả nước đề cao cảnh giác, quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh, thẩm phán Bùi Đức Tuấn cho biết, các cơ quan tố tụng huyện Tiên Yên đã rất cố gắng để trong thời gian sớm nhất kết thúc điều tra, truy tố, đưa vụ án ra xét xử kịp thời; phân công các điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán có năng lực chuyên môn tốt, có bản lĩnh nghề nghiệp, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ và thống nhất quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Cơ quan Điều tra sớm kết thúc điều tra, cơ quan Kiểm sát sớm ban hành quyết định truy tố. Trong giai đoạn xét xử, một mặt khẩn trương nghiên cứu hồ sơ, ra quyết định xét xử, một mặt lên kế hoạch mở phiên tòa đúng quy định của Tòa án nhân dân Tối cao về phiên tòa trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh.
Để đạt được các yêu cầu đó, các điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán phải hết sức nỗ lực, chạy đua với thời gian để kịp hoàn thành tiến độ tố tụng. Toàn bộ thời gian kể từ khi khởi tố vụ án đến khi kết thúc việc xét xử vẻn vẹn chỉ có 5 ngày. Kết quả này không chỉ là sự cố gắng của các cá nhân điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán mà là kết quả của cả tập thể lãnh đạo các cơ quan tố tụng huyện và sự phối hợp, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Thẩm phán Bùi Đức Tuấn chia sẻ, khi được xác định áp dụng thủ tục rút gọn, mặc dù sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng, bị cáo thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng, người phạm tội có nơi cư trú, lai lịch rõ ràng, nhưng do áp dụng theo thủ tục rút gọn, thời hạn tố tụng rất ngắn, nên các cơ quan tố tụng vẫn phải đảm bảo đúng trình tự thủ tục, đảm bảo quyền của bị cáo khi tham gia tố tụng, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Chỉ một ngày sau xét xử vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã gửi thư khen Tòa án nhân dân huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, đánh giá cao việc tổ chức phiên tòa theo thủ tục rút gọn đầu tiên trong cả nước xét xử hành vi vi phạm phát luật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao yêu cầu Tòa án nhân dân các cấp trong cả nước học tập kinh nghiệm của Tòa án nhân dân huyện Tiên Yên; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19.
Hiệu quả răn đe, giáo dục cao trong cộng đồng
Khoảng 16 giờ ngày 4/4/2020 tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID - 19 số 7 thuộc địa bàn thôn Đông Ngũ Kinh, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, Đào Xuân Anh đã có hành vi không chấp hành yêu cầu đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và khai báo y tế, đồng thời chửi bới, lăng mạ cán bộ chốt kiểm dịch, cầm mũ cối tấn công cán bộ đang làm nhiệm vụ, làm một cán bộ bị thương tích nhẹ.
Để tăng tính răn đe, giáo dục, phiên tòa được tổ chức công khai, công tác truyền hình, truyền thanh trực tuyến diễn biến phiên tòa được chú trọng, để đông đảo nhân dân địa phương cùng theo dõi. Thẩm phán Bùi Đức Tuấn cho biết ngoài việc được truyền hình trực tuyến với 11 điểm cầu ở các xã, 1 điểm tại trụ sở UBND huyện Tiên Yên, phiên tòa còn được truyền thanh tới tất cả các thôn trong huyện. Tại trụ sở UBND xã Đông Ngũ nơi mở phiên tòa, nhân dân đến tham dự được UBND xã bố trí một phòng họp và truyền hình ảnh trực tiếp từ phiên tòa để nhân dân theo dõi; đặt loa phát thanh ngoài trụ sở để mọi người cùng nghe.
Theo Chủ tọa phiên tòa, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã dùng vũ lực tấn công những người đang thực hiện nhiệm vụ ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh tại địa phương, xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của cơ quan Nhà nước trong hiện nhiệm vụ công, đặc biệt đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay. Hành vi đó còn gây mất trật tự trị an tại địa phương, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Trong quá trình điều tra, tố tụng, bị cáo khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, sau khi phạm tội đã đến cơ quan Công an đầu thú và được người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xin giảm nhẹ hình phạt nên được xem xét, giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, bị cáo bị kết án khi chưa được xóa án tích (do trước đó đã bị xử lý hình sự về tội danh khác), nhưng không lấy đó làm bài học tu dưỡng bản thân, mà với thái độ coi thường pháp luật, bị cáo lại tiếp tục phạm tội, thuộc tình tiết tăng nặng tái phạm.
Trên cơ sở đánh giá các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội mà bị cáo đã gây ra cho xã hội, Thẩm phán chủ tọa đã quyết định xử phạt bị cáo 09 tháng tù. Đây là bản án nghiêm khắc cho bị cáo và là lời cảnh tỉnh cho tất cả những ai đã và đang có ý định phạm tội, đặc biệt là trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh hiện nay.
Sau khi vụ án được khởi tố, xét xử, tình hình chấp hành quy định về phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khai báo y tế khi đi ra nơi công cộng được người dân thực hiện rất nghiêm túc, đúng quy định.
Từ sự chỉ đạo sát sao, kịp thời, sau vụ án điểm xét xử hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 tại huyện Tiên Yên, nhiều vụ khác cũng được các cơ quan chức năng nhanh chóng tiến hành các biện pháp xử lý. Chiều 10/4, Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đinh Vĩnh Sơn (sinh năm 1993, tỉnh Lâm Đồng) về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” vì hành vi đăng tải có nội dung sai sự thật về tình hình dịch COVID-19 tại Lâm Đồng. Ngoài ra, Công an Thành phố Hà Nội đã khởi tố hình sự 8 vụ với 12 bị can liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19...
Việc xét xử kịp thời vụ án “Chống người thi hành công vụ” tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, đã khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật. Tất cả những hành vi vi phạm pháp luật, cố tình chống đối lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, đi ngược lại những nỗ lực chung của cả cộng đồng trong phòng, chống dịch COVID-19, đều phải được xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật, nhằm cảnh tỉnh, răn đe, góp phần ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.