Tăng cường phối hợp
Gần 2 tháng tập trung điều tra chuyên án 218LP, hơn 100 cán bộ chiến sỹ thuộc 13 lực lượng trong và ngoài ngành chia làm 15 tổ công tác phối hợp triển khai các biện pháp điều tra, xác minh trên địa bàn trải rộng qua các tỉnh Kon Tum, Đắc Nông, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An. Qua đó, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 300 kg ma túy.
Không dừng lại ở phạm vi trong nước, Bộ Công an Việt Nam mở rộng điều tra, cung cấp thông tin giúp Cảnh sát Philippines phát hiện, bắt giữ 276 kg ma túy mà các đối tượng xuất sang nước này.
Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết: Đây là thành tích chung của 13 lực lượng trong và ngoài ngành Công an cùng phối hợp, kịp thời ngăn chặn một lượng ma túy đá lớn nhất từ trước đến nay vận chuyển trái phép vào Việt Nam.
Theo Thượng tá Ngô Thanh Bình, sau khi Bộ Công an tập trung đấu tranh, phá nhiều vụ án ma túy lớn ở các điểm nóng phía Bắc, các băng nhóm buôn bán ma túy có xu hướng dịch chuyển vào phía Nam, tìm các con đường vận chuyển ma túy khác. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát nắm được một đường dây ma túy quy mô lớn do các đối tượng người nước ngoài cấu kết với người Việt Nam thực hiện, vận chuyển qua các tuyến biên giới phía Nam. Ma túy xuất phát từ Myanmar, qua Lào về Việt Nam ngụy trang rồi xuất đi nước thứ ba tiêu thụ.
Về đấu tranh phòng, chống trung chuyển ma túy qua địa bàn, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết: Cục xác định muốn đạt được hiệu quả phải tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển.
Theo đó, phải xác lập những chuyên án chung, thu thập và chia sẻ thông tin kịp thời giữa các lực lượng trên các cung đường ma túy đi qua và đặc biệt là các cơ quan thực thi pháp luật ở nước ngoài. Lực lượng Hải quan tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành tuần tra kiểm soát, nắm tình hình, trao đổi, phân tích thông tin và thực hiện các kế hoạch phòng, chống ma túy tại địa bàn cửa khẩu.
Hiện Bộ Công an Việt Nam đã phối hợp với Công an các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Philippines, Trung Quốc… và sẽ tiếp tục phối hợp trong thời gian tới. Việc đấu tranh các chuyên án cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong phòng chống ma túy.
Theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, hoạt động sản xuất, mua bán ma túy ở Đông Nam Á gia tăng, Việt Nam vừa là địa bàn trung chuyển, vừa là nơi tiêu thụ (20% tiêu thụ, 80% trung chuyển), do đó công tác đấu tranh ngăn chặn là nhiệm vụ nặng nề.
Vì vậy, Bộ Công an cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các đơn vị nghiệp vụ và lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển, các cơ quan, đơn vị có liên quan. Bên cạnh đó, Bộ chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác quốc tế, nhất là với các nước láng giềng Lào, Trung Quốc, Campuchia nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ xa ma túy vận chuyển trái phép vào nội địa nước ta.
Không để hình thành điểm nóng
Một năm trở lại đây, việc vận chuyển ma túy về TP Hồ Chí Minh có thay đổi, xuất hiện thêm tình trạng vận chuyển ma túy từ Lào về thành phô. Đây là xu hướng mới mà TP Hồ Chí Minh cần cảnh giác để kịp thời ngăn chặn và xử lý.
Theo nhận định của Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, hoạt động của tội phạm ma túy vẫn ở quy mô lớn và rất lớn, cho thấy TP Hồ Chí Minh vừa là địa bàn tiêu thụ, vừa là địa bàn trung chuyển và sản xuất ma túy mang tính chất công nghiệp. Số lượng người sử dụng ma túy ngoài xã hội vẫn còn nhiều và tỷ lệ sót lọt quản lý rất cao.
Kết quả rà soát thống kê sơ bộ tình hình người sử dụng ma túy trên địa bàn thành phố mà lực lượng Công an thực hiện cho thấy có đến 80% - 90% người dương tính với các chất ma túy được phát hiện không có trong danh sách quản lý.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho rằng: Nhận định TP Hồ Chí Minh có nguy cơ trở thành điểm trung chuyển ma túy của tội phạm quốc tế là hoàn toàn có cơ sở. Bởi vì, thành phố hội đủ các điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, dịch vụ, đa dạng loại hình xuất nhập khẩu... Mặt khác, ma túy từ khu vực tam giác vàng, Lào thâm nhập qua tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam gần đây đã bị các lực lượng chức năng triệt phá quyết liệt nên tội phạm ma túy đã chuyển hướng vào phía Nam thông qua các cửa khẩu đường bộ của các tỉnh giáp ranh với thành phố.
Trước tình hình trên, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã xác định những trọng điểm về tuyến đường, mặt hàng, các tổ chức, cá nhân… để tập trung lực lượng đấu tranh ngăn chặn. Theo đó, Cục xác lập và triển khai quyết liệt các chuyên án, kế hoạch về phòng, chống và kiểm soát ma túy, tiền chất ma túy, các chất hướng thần tại các địa bàn cửa khẩu do Cục quản lý.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Cục Hải quan thành phố tiến hành đánh giá năng lực của cán bộ, công chức thực thi tại cửa khẩu và sắp xếp, bố trí đúng năng lực của họ vào các vị trí giám sát, kiểm soát, soi chiếu hàng hóa xuất nhập khẩu, nhằm sớm phát hiện các lô hàng nghi vấn có vận chuyển ma túy để ngăn chặn kịp thời.
Ngoài ra, Cục thường xuyên tập huấn kỹ năng chuyên môn cho cán bộ, công chức (tại các trường đào tạo hoặc tại cơ sở) để nắm thông tin, tăng cường cảnh giác, nhận biết được những phương thức mới của tội phạm ma túy. Khi xác định được các tuyến đường đi nghi có ma túy sẽ đưa vào tầm ngắm để phát hiện, bắt giữ.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, sự đóng góp của ngành Công an, lực lượng phòng chống ma túy có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự của thành phố. Thành phố sẽ có chương trình làm việc với Bộ Công an trong thời gian tới để xử lý vấn đề người nước ngoài hoạt động tội phạm ma túy ở TP Hồ Chí Minh. Thành phố cam kết tăng cường công tác chiến đấu với tội phạm ma túy. Trước mắt, ngay trong quý II năm 2019, TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị chuyên đề về tệ nạn mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy và các giải pháp phòng, chống mới.