Chiều 29/11, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, thống kê từ ngày 1/10 – 28/11, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra 548 vụ phạm pháp hình sự về trật tự xã hội, so với cùng kỳ giảm 283 vụ (tương ứng 34,05%), so với thời gian liền kề tăng 272 vụ (tương ứng 98,55%). Riêng trộm cắp tài sản có 233 vụ, trong đó có 156 vụ trộm cắp mô tô – xe máy (chiếm 66,95%). Nhìn chung, số vụ tội phạm trật tự xã hội có giảm so với cùng kỳ nhưng lại gia tăng so với thời gian liền kề.
Để kéo giảm tình hình tội phạm trật tự xã hội dịp cuối năm, ông Lê Mạnh Hà cho biết, Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các lực lượng tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp kéo giảm các loại tội phạm, trong đó có tội phạm trộm cắp tài sản.
Cụ thể, ngành chức năng thực hiện 9 giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác với các cách thức, đối tượng trộm cắp; tham gia tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm; điều chỉnh cách thức bố trí lực lượng, phương thức hoạt động, cơ chế tạo lập thông tin phối hợp giữa các lực lượng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý tội phạm kịp thời; tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; triển khai rà soát, thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn nhằm đánh giá đúng thực trạng, đề ra biện pháp hiệu quả; triển khai các hệ thống về kỹ thuật, camera giám sát nhằm đảm bảo kiểm soát tình hình an ninh trật tự công cộng; phát động các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm; tăng cường kiểm tra, quản lý các cơ sở kinh doanh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ nắm tình hình, địa bàn, các băng nhóm tội phạm trên địa bàn.
Ngoài ra, trước chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh về việc tăng cường quản lý di biến động dân cư, hiện Công an TP Hồ Chí Minh không có phương án lập lại các chốt kiểm soát trên địa bàn mà thay vào đó, ngành công an sẽ thực hiện công tác trên với phương châm “nắm chắc hộ, nắm chắc người”, quản lý chặt chẽ số người tạm trú, thường trú, lưu trú tại địa phương.
"Việc này nhằm phục vụ công tác rà soát, cấp căn cước công dân có gắn chíp, thông báo mã số định danh cá nhân, cập nhật và làm sạch dữ liệu quốc gia về dân cư; đồng thời việc này cũng giúp hỗ trợ TP Hồ Chí Minh trong việc phòng, chống dịch. Cụ thể là giám sát các hộ gia đình có F0 trên địa bàn, nắm được số người trở về địa phương để tiêm ngừa vaccine", Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.
Ngoài ra, Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng cho biết, hiện nay, trên Hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Bộ Công an đã có mã định danh cho toàn bộ công dân Việt Nam, kể cả trẻ em mới sinh. Bộ Công an yêu cầu công an các địa phương thông báo mã số định danh đến các hộ gia đình và từng người dân, thủ tục này không thu phí.