Các bị cáo bị đưa ra xét xử thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận, đều trú tại Bình Thuận gồm: Trần Văn Thăng (sinh năm 1975, trú thành phố Phan Thiết, nguyên là Quyền Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2); các nguyên cán bộ Đội Quản lý thị trường số 2 Bùi Viết Mạnh (sinh năm 1986, trú thị xã La Gi), Ngô Minh Phúc (sinh năm 1981, trú huyện Tánh Linh), Nguyễn Hoàng Chương (sinh năm 1983, trú huyện Hàm Thuận Bắc), Phạm Minh Thắng (sinh năm 1962, trú thị xã La Gi).
Liên quan vụ án, các bị cáo thuộc các đơn vị khác tại tỉnh Bình Thuận cũng bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Anh Phong (sinh năm 1972, trú huyện Hàm Thuận Nam), nguyên cán bộ Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hàm Thuận Nam; Phạm Phú Tưởng (sinh năm 1976, trú huyện Hàm Thuận Nam), nguyên Phó Đội trưởng Đội kiểm tra thuế số 1, Chi cục Thuế khu vực Hàm Thuận Nam - Hàm Thuận Bắc; Lê Văn Thanh (sinh năm 1993, trú huyện Hàm Thuận Nam) nguyên cán bộ Công an huyện Hàm Thuận Nam; Phạm Anh Tùng (sinh năm 1984, trú huyện Hàm Thuận Nam) nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam.
Ngoài ra còn có các bị cáo Trần Văn Quý (sinh năm 1982, trú tỉnh Đồng Nai), Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Mai Bình Thuận, huyện Hàm Thuận Nam; Võ Văn Tánh (sinh năm 1969, trú tỉnh Đồng Nai) chủ hộ kinh doanh Đức Thành, huyện Hàm Thuận Nam; Đoàn Vĩnh Cân (sinh năm 1983, trú Thành phố Hồ Chí Minh), chủ cơ sở sản xuất gạch Rạng Đông II, huyện Hàm Thuận Nam.
Trong đó, Trần Văn Thăng, Bùi Viết Mạnh, Ngô Minh Phúc, Nguyễn Hoàng Chương phạm tội “Nhận hối lộ” (theo Điều 354, Bộ luật Hình sự); Nguyễn Anh Phong, Phạm Phú Tưởng, Phạm Minh Thắng, Lê Văn Thanh, Phạm Anh Tùng phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (theo Điều 356, Bộ luật Hình sự); Trần Văn Quý, Võ Văn Tánh, Đoàn Vĩnh Cân phạm tội “Đưa hối lộ” (theo Điều 364, Bộ luật Hình sự).
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và xử lý tình hình khai thác khoáng sản, đất sét gạch ngói trái phép tại xã Tân Lập (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), từ ngày 1- 6/6/2022, Đoàn kiểm tra do Đội Quản lý thị trường số 2 chủ trì đã tiến hành kiểm tra tại Công ty Ngọc Mai Bình Thuận, địa chỉ thôn Lập Phước (xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam).
Các thành viên đoàn kiểm tra đã thống nhất hạ khối lượng đất làm gạch không có nguồn gốc hợp pháp từ khối lượng thực tế là 5.458 m3 xuống 2.250m3, gây thiệt hại cho Nhà nước về khối lượng đất chênh lệch là 3.208 m3, trị giá hơn 1 triệu đồng. Trần Văn Quý là Giám đốc Công ty Ngọc Mai Bình Thuận đã đưa hối lộ với tổng số tiền 75 triệu đồng cho các thành viên Đoàn kiểm tra để được hạ thấp khối lượng đất làm gạch không có nguồn gốc hợp pháp nhằm giảm mức tiền phạt và giảm khối lượng đất làm gạch bị tịch thu.
Ngày 15/6/2022, Đoàn kiểm tra do Đội Quản lý thị trường số 2 chủ trì đã kiểm tra tại hộ kinh doanh Đức Thành (địa chỉ thôn Lập Phước, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam). Các thành viên Đoàn kiểm tra đã thống nhất hạ khối lượng đất làm gạch không có nguồn gốc hợp pháp từ khối lượng thực tế là 5.305m3 xuống 1.275m3; gây thiệt hại cho Nhà nước về khối lượng đất chênh lệch là 4.030m3, trị giá hơn 479 triệu đồng. Võ Văn Tánh là chủ hộ kinh doanh Đức Thành đã đưa hối lộ với tổng số tiền 47 triệu đồng cho các thành viên Đoàn kiểm tra để được hạ thấp khối lượng đất làm gạch không có nguồn gốc hợp pháp, nhằm giảm mức tiền phạt và giảm khối lượng đất làm gạch bị tịch thu.
Ngày 21/6/2022, Đoàn kiểm tra do Đội Quản lý thị trường số 2 chủ trì tiếp tục kiểm tra tại cơ sở sản xuất gạch Rạng Đông II (địa chỉ thôn Lập Phước, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam). Các thành viên Đoàn kiểm tra đã thống nhất hạ khối lượng đất làm gạch không có nguồn gốc hợp pháp từ khối lượng thực tế là 1.470m3 xuống 630m3, gây thiệt hại cho Nhà nước về khối lượng đất chênh lệch là 840m3, trị giá gần 100 triệu đồng. Đoàn Vĩnh Cân là chủ cơ sở sản xuất gạch Rạng Đông II đã đưa hối lộ với tổng số tiền 32 triệu đồng cho các thành viên Đoàn kiểm tra để được hạ thấp khối lượng đất làm gạch không có nguồn gốc hợp pháp nhằm giảm mức tiền phạt và giảm khối lượng đất làm gạch bị tịch thu.
Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại địa phương nên phải xử lý nghiêm để giáo dục và phòng ngừa tội phạm chung.
Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận tuyên phạt các bị cáo với mức án: Trần Văn Thăng 7 năm 6 tháng tù; Bùi Viết Mạnh 7 năm tù; Ngô Minh Phúc 1 năm 3 tháng tù treo; Nguyễn Hoàng Chương 1 năm 4 tháng tù treo; Nguyễn Anh Phong 1 năm 6 tháng 26 ngày; Phạm Phú Tưởng 1 năm 1 tháng 10 ngày; Phạm Minh Thắng 1 năm 6 tháng 26 ngày; Lê Văn Thanh 2 năm tù treo; Phạm Anh Tùng 1 năm tù treo; Trần Văn Quý 1 năm 3 tháng tù treo; Võ Văn Tánh 1 năm tù treo; Đoàn Vĩnh Cân 9 tháng tù treo.