Dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc Kho bạc Nhà nước (KBNN) trên khu đất từ số nhà 43F - 47C phố Ngô Quyền (phường Hàng Bài) và số nhà 36A Trần Hưng Đạo (phường Phan Chu Trinh) thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (ảnh) được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 59/TC-QĐ-TVQT ngày 10/2/1993.
Đến nay, hơn 15 năm đã trôi qua kể từ ngày UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 2260/QĐ-UB ngày 13/7/1995 thu hồi 1.328 m2 đất giao cho chủ đầu tư; và hơn 11 năm kể từ Quyết định số 678/QĐ-UB ngày 5/2/1999 điều chỉnh lại diện tích đất dự án là 1.233,7 m2, mà dự án vẫn chưa thể khởi công.
Vào thời điểm UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án, trên khu đất nói trên có 25 hộ gia đình sử dụng. Trong 2 năm 1997-1998, đã có 10 chủ sử dụng nhà nhận tiền hỗ trợ, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và chuyển đến nơi tái định cư.
Nhưng 15 hộ còn lại đến nay vẫn không thực hiện việc bàn giao mặt bằng với nhiều lý do được đưa ra, trong đó có hai lý do chính là vấn đề quy hoạch khu đất và giá đền bù.
Được biết, tại Quyết định số 96/QĐ-UB ngày 7/11/2000 của UBND TP Hà Nội quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm (tỷ lệ 1/2000), trên bản vẽ quy hoạch đã không thể hiện ô đất thu hồi để xây dựng trụ sở KBNN là đất có chức năng cơ quan (ký hiệu phải là C43-CQ) mà lại nằm trong ô đất có chức năng nhà ở (ký hiệu C43-NO).
Điều này được giải thích “do sai sót của Kiến trúc sư trưởng thành phố (nay là Sở Quy hoạch kiến trúc) trong việc lập hồ sơ trình UBND TP phê duyệt quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm, để khu đất thu hồi xây trụ sở KBNN là đất nhà ở, dẫn đến khiếu nại, thắc mắc của các hộ dân”.
Để giải quyết vấn đề này, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 84/QĐ-UBND ngày 29/5/2006 điều chỉnh quy hoạch cục bộ chức năng sử dụng đất tại ô đất có ký hiệu C43-NO, trong đó ô đất thu hồi để giao cho KBNN được điều chỉnh thành C43.1-CQ, diện tích 1.233,7 m2.
Về giá đền bù, khu đất này thành phố có quyết định thu hồi để xây dựng công trình vì mục tiêu, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, nên việc GPMB phải thực hiện theo các quy định của Chính phủ về chính sách GPMB; không thể thực hiện bồi thường theo giá thỏa thuận.
Hơn nữa, nhà đất trong khu vực bị thu hồi hiện vẫn thuộc sở hữu nhà nước, các hộ dân được sử dụng thông qua hợp đồng thuê nhà của Nhà nước. Vì vậy, đòi hỏi của dân về giá đền bù phải theo giá thị trường là không có căn cứ pháp lý.
Ngày 1/10/2010, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Quyết định số 2320/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 15 hộ hiện chưa di dời, với tổng số tiền bồi thường gần 34,6 tỷ đồng.
Đây là một phương án theo hướng có lợi nhất nếu so với phương án đền bù, hỗ trợ năm 2004 (chỉ có 16,5 tỷ đồng). Cũng theo phương án mới này, các hộ dân được bố trí tái định cư tại nhà N4-CD thuộc khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính và nhà A6B thuộc khu đô thị Nam Trung Yên, những khu tái định cư có vị trí đẹp của thành phố, với chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
Từ cuối tháng 11/2010 đến nay, đại diện chủ đầu tư dự án đã phối hợp với tổ công tác của hai phường Hàng Bài và Phan Chu Trinh tổ chức niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thông báo bằng văn bản, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời xuống từng hộ dân để giao trực tiếp quyết định phê duyệt kèm phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Tiến độ thực hiện công tác GPMB khu đất cũng đã được xây dựng chi tiết theo từng bước, từng giai đoạn với tinh thần tất cả các ngành, các cấp từ hai phường có khu đất thực hiện dự án đến UBND quận Hoàn Kiếm, các sở, ban, ngành của thành phố cùng đại diện chủ đầu tư cùng vào cuộc, thực hiện triệt để, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục và đối thoại trực tiếp với dân để các hộ dân tự giác ủng hộ, nhận thức nghĩa vụ và trách nhiệm tuân thủ quy định, pháp luật của Nhà nước, tự giác thực hiện quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư của chính quyền để bàn giao mặt bằng xây dựng công trình đúng dự kiến, tránh để tình trạng dây dưa, kéo dài quá lâu, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cũng như kỷ cương pháp luật.
Quang Hải