Công ty CP Vincom (Vincom JSC) đã chính thức gửi đơn khởi kiện dân sự Công ty CP Đầu tư tài chính và bất động sản Vincon lên Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, đồng thời gửi đơn yêu cầu xử lý vi phạm lên Thanh tra Bộ KH&CN vì cho rằng Vincon đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu và tên thương mại của mình, ông Lê Khắc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vincom đã khẳng định như vậy trong cuộc họp báo chiều qua (23/11). Hiện tại, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Thanh tra Bộ KH&CN đều đã tiếp nhận đơn của Công ty CP Vincom. Và theo ông Lê Khắc Hiệp, Vincom có đầy đủ cơ sở pháp lý để tin rằng mình sẽ thắng trong vụ kiện này.
Bài 1: Sự "trùng hợp" cố ý?
Vincom là thương hiệu nổi tiếng Việt Nam về đầu tư tài chính và bất động sản. |
Theo ông Lê Khắc Hiệp, lý do khiến Vincom phải khởi kiện Công ty CP Đầu tư tài chính và bất động sản Vincon, là do tên thương mại/tên doanh nghiệp của Vincon tương tự với tên thương mại/tên doanh nghiệp của Vincom, đã được đăng ký trước và được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực bất động sản. Việc đặt tên nhãn hiệu và tên thương mại Vincon đã gây ra sự nhầm lẫn nhãn hiệu và tên thương mại của Vincom đối với công chúng, từ đó dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới uy tín thương hiệu, hình ảnh của Vincom. "Việc Vincon, mặc dù ra đời sau rất nhiều (khi thương hiệu Vincom đã có danh tiếng lớn tại Việt Nam), nhưng lại sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu Vincon đã gây ra sự hiểu lầm với tên thương mại, nhãn hiệu Vincom là một hành vi cố tình nhằm hưởng lợi trên uy tín và danh tiếng của Vincom. Trên thực tế, Công ty CP Vincom đã phải chịu những thiệt hại khá nghiêm trọng về uy tín thương hiệu từ sự nhầm lẫn nêu trên. Chúng tôi đã từng lên án và cảnh báo Vincon trên công luận về vấn đề "nhái" tên thương hiệu này vào đầu năm 2009, khi công ty này công bố dự án Khu du lịch sinh thái tại Chân Mây - Lăng Cô. Khi đó, đã có một số tờ báo nhầm lẫn giữa Vincon với Vincom và ngay lập tức chúng tôi đã có những phát ngôn phản hồi. Tuy nhiên, thông tin đã không được Vincon tiếp nhận một cách tích cực để đổi tên thương hiệu của mình. Gần đây, sự việc "bắt quả tang Phó Tổng giám đốc Vincon đánh bạc ngay trong phòng họp" cũng khiến dư luận hiểu lầm thành Phó TGĐ của Vincom. Trong dự án xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp, Vincon tuyên bố trả lại dự án vì không vay được vốn ngân hàng, cũng lại bị hiểu lầm đó là Vincom" - ông Lê Khắc Hiệp bức xúc cho biết.
Do những nhầm lẫn gây ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu như vậy, nên được biết suốt từ năm 2009 đến nay, rất nhiều lần phía Vincom đã mềm mỏng đưa ra yêu cầu với bên Vincon để thay đổi tên thương mại/tên doanh nghiệp để tránh nhầm lẫn nhưng đã không nhận được những phản hồi tích cực. "Thay vì giải quyết việc này, phía Vincon lại đưa ra những yêu cầu rất bất hợp lý với chúng tôi như yêu cầu chúng tôi cung cấp hồ sơ pháp lý, cung cấp những cơ sở nào để chúng tôi coi mình là công ty kinh doanh bất động sản hàng đầu của Việt Nam, cơ sở nào để khẳng định có sự nhầm lẫn giữa Vincon và Vincom? Đây là những đòi hỏi vô lý, thể hiện sự thiếu thiện chí của phía Vincon. Bởi vậy, đã đến lúc chúng tôi phải khởi kiện" - vẫn ông Hiệp cho biết.
Trên thực tế, sự nhầm lẫn giữa hai tên gọi "na ná" này đều được các chuyên gia thừa nhận. Ông Phạm Hồng Quất, Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho rằng, hai nhãn hiệu/tên thương mại này "có khả năng gây nhầm lẫn cao, đặc biệt là phần chữ". Đó cũng là quan điểm của ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại (Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH & CN). Theo ông Hồng, về chữ thì rất dễ gây nhầm lẫn.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, luật sư Trần Vũ Hải - Trưởng Văn phòng luật sư Trần Vũ Hải cho biết: Vincom khi ra đời thì tên thương mại của nó cũng đồng thời ra đời và được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Công ty CP Vincom cũng đăng ký nhãn hiệu, logo, lĩnh vực kinh doanh... thì họ đương nhiên có tên thương mại được bảo hộ tính từ ngày đăng ký... Như vậy, Công ty CP Vincom có 2 quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ: Tên thương mại và nhãn hiệu mang tên Vincom cho những mặt hàng của họ đăng ký. Luật pháp đã bảo hộ cho tên thương mại, nhãn hiệu này. Nếu các cơ quan, doanh nghiệp nào đó mà sử dụng trùng, tương tự hoặc gây nhầm lẫn thì được coi là vi phạm.
Cùng chung quan điểm này, luật sư Vũ Quốc Bình cho rằng, Vincon đã vi phạm tên thương mại, gây nhầm lẫn trong dư luận. Bên cạnh đó, những hành vi của Vincon đã tạo ra sự nhầm lẫn và ảnh hưởng rõ ràng tới Vincom.
Nhóm PV