Theo cáo trạng, từ năm 2014, Dân sinh sống như vợ chồng với Lê Thị Kê (43 tuổi, ngụ tại huyện Eakar, tỉnh Đăk Lắk). Dân và Kê có mua bán hạt điều với nhiều người, trong đó có bà Trương Thị Thanh Lan (48 tuổi, ngụ tại huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước).
Từ ngày 31/3/2017 đến 15/4/2017, Dân sử dụng tên giả là Trần Định Dũng và 2 sim điện thoại không đăng ký chính chủ để giao dịch, mua bán 6 chuyến hạt điều với anh Vi Văn Phóng (44 tuổi, ngụ tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) tại nhà kho của chị Lan, sau đó bán lại cho chị Lan.
Mỗi chuyến mua điều, Dân dùng thủ đoạn chỉ thanh toán 1 phần tiền, phần còn lại cộng vào chuyến hàng sau và ký xác nhận nợ vào phiếu cân điều của anh Phóng bằng tên giả.
Sau khi mua thành công 6 chuyến hạt điều của anh Phóng, ngày 15/4/2017, Dân vứt bỏ 2 sim điện thoại trên và bỏ trốn ra thành phố Hà Nội sinh sống sau khi chiếm đoạt số tiền hơn 1,98 tỉ đồng của anh Phóng.
Biết bị lừa, ngày 18/6/2017, anh Phóng gửi đơn tố cáo Trần Định Dũng và bà Trương Thị Thanh Lan chiếm đoạt tài sản đến Công an tỉnh Bình Phước.
Quá trình điều tra ban đầu, cơ quan điều tra không xác định được nhân thân, lai lịch của đối tượng Dũng. Đến tháng 8/2017, anh Phóng vô tình đọc báo phát hiện người tên Trần Nhật Dân bị Công an thành phố Nam Định bắt về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chính là Dũng, là người anh Phóng đã tố cáo trước đây nên tiếp tục đến cơ quan Công an tỉnh Bình Phước trình báo.
Áp dụng Điểm a, Khoản 4, Điều 174, Bộ luật hình sự, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Trần Nhật Dân mức án 12 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, Dân bị buộc phải trả lại cho bị hại số tiền trên 1,8 tỉ đồng.
Trước đó, ngày 20/12/2017, Trần Nhật Dân cũng đã bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù giam về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.