Trừ một số bị cáo bỏ trốn, hầu hết các bị cáo kháng cáo đều xin được giảm nhẹ hình phạt. Công ty AIC kháng cáo phần dân sự, đề nghị đánh giá lại giá trị thiệt hại mà Công ty AIC phải bồi thường.
Trong vụ án này, Tòa tuyên phạt các bị cáo về các tội: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cả 8 bị cáo bỏ trốn trong vụ án này đều được luật sư bào chữa kháng cáo thay. Trong đó, luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng chưa đủ căn cứ chứng minh bị cáo Nhàn là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo việc thông thầu, việc định giá thiệt hại là quá cao và chưa được tranh luận làm rõ tại phiên tòa sơ thẩm. Từ đó, luật sư đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Luật sư của bị cáo Trần Mạnh Hà (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) kháng cáo toàn bộ bản án và cho rằng Tòa cấp sơ thẩm chưa đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, không đảm bảo quyền lợi của bị cáo Hà.
Luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Sen (nguyên Giám đốc Công ty Thiết bị y tế và môi trường) và bị cáo Đỗ Văn Sơn (nguyên Kế toán trưởng Công ty AIC) kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và cho rằng bản án này chưa đảm bảo các quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của hai bị cáo Sen và Sơn.
Luật sư của các bị cáo: Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cát Vân Sa), Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Việt Tiên) và Nguyễn Thị Tích (Tổng Giám đốc Công ty Mopha) đều xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo; xin miễn hình phạt và gỡ bỏ việc truy nã đối với bị cáo Vinh.
Riêng bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (nguyên Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội), ngoài đơn kháng cáo do luật sư bào chữa làm thay, bị cáo Thuyết cũng gửi đơn kháng cáo từ Mỹ gửi về, xin được giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) kháng cáo với lý do bị cáo không phải là người chủ mưu cầm đầu, bị cáo thực hiện công việc theo ủy quyền của Tổng Giám đốc, việc đánh giá thiệt hại và phần thiệt hại quy trách nhiệm cho bị cáo là quá lớn so với thực tế. Bị cáo Nga cho rằng, nguyên đơn dân sự không yêu cầu bị cáo phải bồi thường, bị đơn dân sự là Công ty AIC đã nhận trách nhiệm bồi tường toàn bộ thiệt hại, Công ty AIC đã lựa chọn thiết bị tối tân nhất cho bệnh viện nên không có thiết bị tương đương.
Bảy bị cáo còn lại có đơn kháng cáo gồm: Phan Huy Anh Vũ (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai), Bồ Ngọc Thu (nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai), Vũ Quang Ngọc (nguyên Phó Giám đốc Công ty Medicosult Việt Nam), Lê Chí Tuân (Trưởng nhóm hồ sơ - Ban Quản lý Dự án 1 Công ty AIC), Nguyễn Tiến Thu (nhân viên Công ty AIC), Lê Thị Hương (nguyên Phó trưởng Ban Kế toán Công ty AIC), Huỳnh Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Tạ Thiên Ân) đều làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Trong vụ án này, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái không kháng cáo, chấp nhận hình phạt 11 năm tù và 9 năm tù về cùng tội “Nhận hối lộ”.
Trước đó, trong các ngày từ 21/12/2022 đến ngày 4/1/2023, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 36 bị cáo trong vụ Công ty AIC dự thầu tại Bệnh viện tỉnh Đồng Nai. Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) bị phạt 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, 14 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Nhàn là 30 năm tù.
Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC Trần Mạnh Hà (cũng bỏ trốn như bị cáo Nhàn) bị phạt 25 năm tù về 2 tội: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.
Các bị cáo còn lại bị phạt từ 30 tháng tù treo đến 19 năm tù.
Bản án sơ thẩm nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm quy định quản lý của Nhà nước về đấu thầu, gây thiệt hại tài sản lớn cho Nhà nước, cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, nhằm cảnh cáo, răn đe và nâng cao chất lượng công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.
Hội đồng xét xử đánh giá, trong vụ án này bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bỏ trốn ra nước ngoài, Cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã quốc tế đặc biệt nhưng không có kết quả. Căn cứ vào các lời khai của các bị cáo, Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an về chữ ký đứng tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án…
Hội đồng xét xử xác định: Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo một số Phó Tổng Giám đốc và nhân viên cấp dưới liên hệ, phối hợp với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thẩm định giá để thực hiện các hành vi thông thầu, gian lận trong đấu thầu, hạn chế hoặc loại trừ cạnh tranh trong đấu thầu giúp Công ty AIC trúng 16 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 148 tỷ đồng.
Đối với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành, Tòa xác định bị cáo Thành đã nhiều lần nhận tổng số tiền 14,5 tỷ đồng từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn để chỉ đạo, tác động cấp dưới tạo điều kiện cho AIC được trúng 16 gói thầu thiết bị y tế theo yêu cầu của Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Hành vi của bị cáo Thành đã bị Viện Kiểm sát truy tố về tội “Nhận hối lộ” là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Về dân sự, Tòa cấp sơ thẩm xác định Công ty AIC xin bồi thường 152 tỷ đồng nhưng tài sản đảm bảo không đủ nên chỉ ghi nhận một phần. Do vậy, Công ty AIC, bị cáo Nhàn, Trần Mạnh Hà và Hoàng Thị Thúy Nga cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Nhóm bị cáo Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ, Bồ Ngọc Thu phải nộp tiền thu lời bất chính, Tòa ghi nhận các bị cáo này đã nộp lại đầy đủ số tiền. Các doanh nghiệp "quân xanh" trong vụ án cũng phải nộp lại tiền bất chính.