Tám bị cáo này gồm: Nguyễn Thế Anh (sinh năm 1973, cựu Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang), Nguyễn Văn An (sinh năm 1989, trú tại phường Hòa Thanh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh), Lê Văn Minh (sinh năm 1965, cựu Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển), Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1972, cựu Thượng tá, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh), Phạm Hồ Hải (sinh năm 1969, Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải, Trà Vinh), Lê Văn Phương (sinh năm 1964, cựu Thượng tá, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Trà Vinh), Nguyễn Thanh Lâm (sinh năm 1972, cựu Trung tá, Hải đội trưởng Hải độ 2 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng), Phạm Văn Trên (sinh năm 1969, cựu Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh).
Trước đó, ngày 15/7/2022, 8 bị cáo này đã bị Tòa án quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt các mức án, trong đó bị cáo Nguyễn Thế Anh bị phạt tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”, 2 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”, tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Thế Anh là tù chung thân. 7 bị cáo còn lại đều bị kết án về tội “Nhận hối lộ” gồm: Nguyễn Văn An và Lê Văn Minh cùng bị phạt 15 năm tù, Nguyễn Văn Hùng 16 năm tù, Nguyễn Thanh Lâm 11 năm tù, Phạm Văn Trên 10 năm tù, Lê Văn Phương và Phạm Hồ Hải cùng bị phạt 3 năm 6 tháng tù.
Kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt
Trong số 8 bị cáo kháng cáo, có 2 bị cáo: Nguyễn Thế Anh và Nguyễn Văn An kháng cáo kêu oan, cho rằng các bị cáo không phạm tội “Nhận hối lộ”, “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Hai bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và đề nghị Tòa án quân sự Trung ương đánh giá lại vụ án, xem xét lại các lời khai và các tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa sơ thẩm.
Sáu bị cáo còn lại gồm: Lê Văn Phương, Phạm Hồ Hải, Phạm Văn Trên, Nguyễn Văn Hùng, Lê Văn Minh và Nguyễn Thanh Lâm kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo. Đa phần các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương là đúng, có cơ sở; bày tỏ sự ăn năn hối hận, nhận thức được hành vi sai phạm và hứa sau khi cải tạo xong, tái hòa nhập cộng đồng sẽ trở thành những công dân tốt, tích cực cống hiến cho xã hội. Ngoài ra, các bị cáo cũng đã đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ như: có nhiều cống hiến trong công tác, gia đình có công với cách mạng, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, vai trò thứ yếu trong vụ án… để đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ mức hình phạt cho các bị cáo.
Công khai đối chất, làm rõ lời khai của các bị cáo
Liên quan tới kháng cáo kêu oan của 2 bị cáo Nguyễn Thế Anh và Nguyễn Văn An (em họ bị cáo Thế Anh), tại phiên tòa sơ thẩm, Thế Anh và An không thừa nhận hành vi phạm tội; đồng thời cho rằng, quá trình điều tra bị cáo bị mớm cung, bị cung cấp thông tin để khai theo.
Để làm rõ hành vi của các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã tiến hành đối chất với những người làm chứng có mặt tại phiên tòa và công bố các bút lục, những lời khai của các bị cáo có liên quan trong quá trình điều tra.
Khai tại tòa, bị cáo Thế Anh cho rằng, bị cáo không quen biết Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Phan Lê Hoàng Anh), không nhận tiền hối lộ của Hữu. Bị cáo Thế Anh khai, quá trình điều tra, bị cáo bị mớm cung, bị cung cấp thông tin không đúng để bị cáo khai theo.
Có mặt tại phiên tòa với tư cách là người làm chứng, Phan Thanh Hữu khai quen biết với Thế Anh từ năm 2011 và đã trực tiếp gặp Thế Anh 2 lần ở Khách sạn REX Sài Gòn (đối diện Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh) để nhờ giúp đỡ Hữu buôn lậu xăng. Hữu khẳng định có 17 lần đưa tiền hối lộ cho Thế Anh.
Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát cũng đã công bố danh sách nhiều cuộc gọi điện thoại giữa Thế Anh và Hữu, thể hiện sự quen biết và trao đổi công việc nhiều lần giữa 2 người. Tuy nhiên, Thế Anh vẫn cho rằng bị cáo không nhận hối lộ của Hữu và những cáo buộc của Viện Kiểm sát là không có cơ sở.
Trả lời câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn An cũng không thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố và khai bị cáo bị ép cung nên phải khai báo theo yêu cầu.
Trước những lời khai này, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố đã yêu cầu các bị cáo đưa ra bằng chứng để xem xét, làm rõ ngay tại phiên tòa. Do các bị cáo không chứng minh được việc bị ép cung như thế nào, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị các bị cáo cung cấp manh mối, chỉ dẫn chứng cứ có thể tìm được… để Viện Kiểm sát xem xét, mở rộng điều tra sau phiên tòa này. Tuy nhiên, các bị cáo đã không đưa ra được những manh mối, chỉ dẫn rõ ràng, có giá trị.
Chuyển hóa nhận thức của các bị cáo
Trong phần xét hỏi, tại phiên tòa sở thẩm, bị cáo Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) khai bị cáo quen biết Phan Thanh Hữu từ lâu do học cùng trường Hải quân nhưng chỉ nghĩ Hữu có công việc buôn bán trên biển, bản thân bị cáo không bàn bạc, không tính toán cũng như không biết việc buôn lậu xăng của Hữu.
Trước lời khai này của bị cáo Lê Văn Minh, công tố viên đã nghiêm khắc yêu cầu bị cáo Minh phải khai báo thành khẩn bởi quá trình điều tra, bị cáo Minh thừa nhận đã cung cấp các tọa độ cho tàu của Hữu di chuyển mà không bị kiểm tra, xử lý. Công tố viên nhấn mạnh: “Nếu bị cáo Minh không thành khẩn, Viện Kiểm sát sẽ rút các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo”.
Ngay sau đó, bị cáo Minh thừa nhận: “Có vài lần nhắn tin tọa độ cho Hữu nhưng không nhớ tọa độ nào”, đồng thời nhận thức được “hành vi của bị cáo là giúp Hữu buôn lậu”. Bị cáo Minh cũng khai có nhận tiền từ Hữu nhưng cho rằng việc này không “mang tính chất ăn chia”.
Đối với bị cáo Phạm Hồ Hải (Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải, Trà Vinh), quá trình điều tra, bị cáo Hải không thừa nhận đã phạm tội nhận hối lộ, tuy nhiên bị cáo thừa nhận đã được bị cáo Hùng chuyển cho 330 triệu đồng. Ngoài ra, Hải cũng thừa nhận tháng 1/2021 đã được Hữu chuyển khoản vào tài khoản của bị cáo 50 triệu đồng làm quà biếu Tết. Đại diện Viện Kiểm sát xác định lời khai chối tội của bị cáo Hải là không có cơ sở để chấp nhận, bởi lẽ bị cáo Hải là Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải - Trà Vinh, có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật và quy định của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ… nhưng bị cáo đã không thực hiện đẩy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bỏ qua không kiểm tra, giám sát các tàu chở xăng nhập lậu của Phan Thanh Hữu, dẫn đến các tàu chở xăng lậu của Phan Thanh Hữu hoạt động trong thời gian dài qua vùng biển Duyên Hải – Trà Vinh không bị bắt giữ, xử lý…
Lĩnh án 3 năm 6 tháng tù do Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt về tội “Nhận hối lộ”, trong đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Phạm Hồ Hải đã cay đắng thừa nhận: “Với những gì mà tôi vi phạm vì nhận thức, tôi vô cùng hối hận, ăn năn, chắc chắn sau này về lại xã hội, tôi sẽ răn mình, tu dưỡng và giáo dục thế hệ con cháu mình sống và làm việc đúng pháp luật”.
Phân hóa vai trò của từng bị cáo
Trong phần tranh luận tại phiên tòa, công tố viên khẳng định Viện kiểm sát có trách nhiệm xem xét đầy đủ các tài liệu, chứng cứ mà người tham gia tố tụng trong đó có người bào chữa cung cấp. Do đó, các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ của bị cáo mà các luật sư nêu ra, nếu đã cung cấp cho Hội đồng xét xử mà Viện Kiểm sát chưa được tiếp xúc thì đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, nếu có căn cứ thì áp dụng cho các bị cáo.
Cụ thể, đối với bị cáo Phan Thị Xuân (là vợ bị cáo Lê Xuân Thanh - cựu Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển), quá trình điều tra, ban đầu bị cáo Xuân khai báo thành khẩn về việc Phan Thanh Hữu đến nhà mình gặp chồng là Lê Xuân Thanh và khai rõ về việc hằng tháng nhận tiền hối lộ của Phan Thanh Hữu. Nhưng sau khi bị khởi tố bị can, Xuân thay đổi lời khai, cho rằng số tiền nhận của Hữu là tiền Hữu cho vay để làm ăn… nhằm chối tội, che giấu hành vi phạm tội của mình và của chồng là Lê Xuân Thanh. Đến giai đoạn điều tra bổ sung, Xuân đã khai báo lại như ban đầu với nội dung phù hợp với các tài liệu điều tra.
Cân nhắc vai trò của Phan Thị Xuân trong vụ án, đại diện Viện Kiểm sát đánh giá bị cáo Xuân trước khi phạm tội là người có nhân thân tốt, nhưng vì tình cảm vợ chồng, bị cám dỗ bởi số tiền đưa hối lộ nên đã đồng phạm với chồng phạm tội nhận hối lộ với vai trò là người thực hành giúp sức. Trên cơ sở đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Xuân. Tòa cấp sơ thẩm đã quyết định giảm nhẹ mức án đối với bị cáo Xuân và tuyên phạt bị cáo Xuân 2 năm 6 tháng tù treo.
Trong phần bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thế Anh tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư phân tích một loạt nội dung và cho rằng cần phải làm thay đổi quan điểm buộc tội, không phải cứ nhận tiền là nhận hối lộ. Cụ thể, theo luật sư, trong vụ án này, các cơ quan tố tụng cần làm rõ sau khi nhận tiền của Hữu thì Thế Anh có làm gì giúp Hữu hay không thì mới xác định được hành vi của bị cáo Thế Anh có phải là nhận hối lộ hay không?
Trước đó, trong phần xét hỏi, nhân chứng Phan Thanh Hữu đã khai: Tháng 8/2020, Hữu biết Thế Anh đã chuyển về làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, không “dính dáng” đến việc buôn lậu xăng của Hữu, nên Hữu không muốn chi tiền cho Thế Anh nữa. Thấy vậy, Thế Anh đã gọi điện lại cho Hữu và hỏi: “Ông muốn gì?”. Vì thế, Hữu buộc phải tiếp tục đưa tiền cho Thế Anh thông qua Nguyễn Văn An, mỗi tháng 10.000 USD. Hữu nhận thức số tiền 10.000 USD đưa cho Thế Anh này là tiền hối lộ.
Với những tình tiết này, các cơ quan tố tụng xác định hành vi nhận hối lộ của bị cáo Nguyễn Thế Anh là đặc biệt nghiêm trọng, với phương thức tinh vi là không tự mình trực tiếp nhận tiền của Phan Thanh Hữu mà sử dụng em họ mình là bị cáo Nguyễn Văn An như là người giúp việc cho bị cáo trong việc nhận tiền hối lộ từ Hữu. Do vậy, bị cáo Nguyễn Thế Anh là người giữ vai trò chính trong vụ án Nhận hối lộ này với tình tiết tăng nặng “Phạm tội hai lần trở lên”.
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm là để giữ gìn uy tín của Quân đội
Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố đã khẳng định: Uy tín, hình ảnh của Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng bằng xương máu, mồ hôi, nước mắt của rất nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ; đã được nhân dân ghi nhận và tôn vinh là “Bộ đội cụ Hồ”. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội vẫn nối tiếp để phát huy truyền thống tốt đẹp ấy. Việc tuân thủ pháp luật nói chung, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật Quân đội… cũng là một biện pháp để giữ gìn uy tín, hình ảnh của Quân đội. Các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng trong Quân đội cũng là một bộ phận của Quân đội nhân dân cho nên cũng thấm nhuần quan điểm, tư tưởng ấy.
Mặt khác, việc phải điều tra, truy tố, xét xử đối với những người từng là đồng chí, đồng đội của mình, dưới góc độ nhân văn là một áp lực rất lớn đối với mỗi người tiến hành tố tụng trong Quân đội. Mỗi trường hợp phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử đều được xem xét rất thận trọng, chặt chẽ, vừa đảm bảo đúng pháp luật, vừa đảm bảo uy tín, hình ảnh của Quân đội. Do đó, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định: Việc nhận định, quy chụp, cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội không khách quan, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can không đảm bảo tính căn cứ… là những nhận xét phiến diện, với hàm ý thiếu xây dựng. Trong vụ án này, việc khởi tố điều tra, thu thập chứng cứ là hoàn toàn khách quan, bởi lẽ không có người tiến hành tố tụng nào có thể mớm cung, ép buộc những người thân yêu, ruột thịt khai báo ra hành vi phạm tội của nhau và không có người tiến hành tố tụng nào muốn làm xấu đi tình trạng của đồng chí, đồng đội mình, nhất là trong vụ án này có các bị cáo nguyên là sĩ quan cao cấp của Quân đội.
Thêm vào đó, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến cả trong và ngoài Quân đội, xảy ra ở nhiều tỉnh, thành với số lượng người phạm tội, người liên quan rất lớn, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động, ảnh hưởng nặng nề đến toàn xã hội. Các cơ quan tiến hành tố tụng cả trong và ngoài Quân đội đã nỗ lực phối hợp giải quyết, trao đổi thông tin, bàn giao hồ sơ với số lượng tài liệu chứng cứ nhiều; hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm phải được tiến hành đầy đủ, toàn diện mới đi đến kết luận như bản Cáo trạng của vụ án, đảm bảo việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.