Cùng bị kết án về tội “Nhận hối lộ”, các bị cáo gồm: Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) bị phạt 16 năm tù; Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) 12 năm tù; Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) 9 năm tù; Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng) và Trần Văn Dự (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) cùng bị phạt 7 năm tù; Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam), Nguyễn Mai Anh (cựu chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ) và Nguyễn Thanh Hải (cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ) cùng lĩnh 6 năm tù; Nguyễn Tiến Thân (cựu chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ) 5 năm tù; Nguyễn Hồng Hà (cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản), Ngô Quang Tuấn (cựu chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giao thông Vận tải), Vũ Hồng Quang (cựu Phó trưởng Phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) cùng bị phạt 4 năm tù; Lê Tuấn Anh (cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự) 42 tháng tù; Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) 3 năm tù; Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản), Vũ Ngọc Minh (cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola), Lý Tiến Hùng (cựu chuyên viên Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo) đều bị phạt 30 tháng tù; Lưu Tuấn Dũng (cựu Phó trưởng Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao) 18 tháng tù.
Nhóm 23 bị cáo bị tuyên phạt về tội “Đưa hối lộ" gồm: Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky) 11 năm tù; Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky) 10 năm tù; Hoàng Diệu Mơ (Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại du lịch dịch vụ Hàng không An Bình), Nguyễn Tiến Mạnh (Phó Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại du lịch Lữ hành Việt) cùng lĩnh 7 năm tù; Hoàng Anh Kiếm (trú tại tổ 6 phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội) 6 năm tù; Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên ATA Việt Nam), Võ Thị Hồng (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Hàng không Minh Ngọc) cùng bị phạt 4 năm tù; Lê Văn Nghĩa (Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch và dịch vụ ăn uống Nhật Minh), Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty MasterLife), Lê Thị Ngọc Anh (cựu cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng) cùng bị phạt 3 năm tù; Nguyễn Thị Hiền (trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội), Nguyễn Thị Dung Hạnh (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn G19 Việt Nam) cùng bị phạt 30 tháng tù; Phạm Bích Hằng (trú tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) 20 tháng tù; Vũ Thùy Dương (Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Lữ hành Việt), Đào Minh Dương (Giám đốc Công ty Cổ phần Vijasun) cùng bị 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Phan Thị Mai (Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Sao Hà Nội), Vũ Minh Thắng (Giám đốc Công ty Đầu tư và Thương mại Thuận An) cùng bị phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Thế Dũng (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn du lịch thương mại Sang Trọng), Trần Hồng Hà (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn cung ứng nguồn nhân lực và thương mại Quốc tế Sao Việt) cùng bị phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Trần Tiến (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và du lịch Phi Trường), Phạm Bá Sơn (nhân viên Công ty Cổ phần Xây dựng Thái Hòa), Tào Đức Hiệp (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn du lịch và dịch vụ Công đoàn Đường sắt) cùng 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Đào Thị Chung Thúy (trú tại phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội) 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Riêng bị cáo Võ Thị Hồng cộng với bản án trước đó là 2 năm 6 tháng tù, tổng hợp hình phạt chung đối với Hồng là 6 năm 6 tháng tù.
Bốn bị cáo: Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia) bị phạt 4 năm tù; Nguyễn Lê Ngọc Anh (cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia), Nguyễn Hoàng Linh (cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) đều bị phạt 30 tháng tù; Đặng Minh Phương (cựu kế toán Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) 18 tháng tù về cùng tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bốn bị cáo: Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội) bị phạt 5 năm tù, Trần Quốc Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần xúc tiến thương mại và du lịch Việt Nam) 3 năm tù, Bùi Huy Hoàng (cựu chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế) 30 tháng tù, Phạm Thị Kim Ngân (cán bộ Phòng Trị sự, Tạp chí Thanh tra) 15 tháng tù về cùng tội “Môi giới hối lộ”.
Bị cáo Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Thái Hòa) bị phạt 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 2 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Trần Minh Tuấn là 18 năm tù.
Hội đồng xét xử nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp có 54 bị cáo bị truy tố, xét xử về 5 tội danh, trong đó nhiều bị cáo bị truy tố, xét xử về tội đặc biệt nghiêm trọng, hành vi rất nguy hiểm cho xã hội. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội có một số bị cáo chưa thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải. Hành vi phạm tội của các bị cáo gây bức xúc trong xã hội, gây bất bình trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan nhà nước.
Đối với bị cáo Phạm Trung Kiên, căn cứ vào hành vi nhận hối lộ 253 lần với số tiền nhận hối lộ hơn 42,6 tỷ đồng, thủ đoạn, cách thức thực hiện tội phạm, thái độ khai báo ban đầu tại Cơ quan điều tra… Hội đồng xét xử nhận thấy mức hình phạt tử hình mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với bị cáo tại phiên tòa là hoàn toàn tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội và đúng pháp luật.
Tuy nhiên, xét thấy trong quá trình truy tố, xét xử, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Tại giai đoạn xét xử, bị cáo đã tác động về gia đình nộp số tiền 30 tỷ đồng để khắc phục hậu quả và trước đó đã tự nguyện trả lại người đưa hối lộ số tiền trên 12 tỷ đồng. Đến nay, tổng số tiền bị cáo khắc phục là hơn 42 tỷ đồng. Bị cáo có bố đẻ và bố vợ đều là thương binh, gia đình có công với cách mạng, có nhiều thành tích trong quá trình công tác trước đây. Trên cơ sở chính sách nhân đạo của pháp luật, Hội đồng xét xử xét thấy không cần phải áp dụng loại trừ vĩnh viễn bị cáo ra khỏi xã hội mà chuyển sang loại hình phạt khác thấp hơn mức đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa cũng đủ tác dụng giáo dục bị cáo, đồng thời khuyến khích những người có hành vi tham nhũng thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng, nộp tiền khắc phục hậu quả để hưởng chính sách nhân đạo của pháp luật.
Các bị cáo như Nguyễn Thị Hương Lan, Tô Anh Dũng, Đỗ Hoàng Tùng, Vũ Anh Tuấn là những người nhận hối lộ nhiều lần, với số tiền rất lớn hoặc đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước và hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức nên cần có mức hình phạt nghiêm, cao hơn mức đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa mới đủ tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm nguy hiểm này, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Bản án sơ thẩm nêu, suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Hưng một mực kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội. Luật sư của bị cáo Hưng đề nghị tòa trả tự do cho thân chủ hoặc hồ sơ để điều tra lại.
Tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Văn Hưng không thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo đưa ra các lý do như: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thu thập chứng cứ một chiều; lời khai của Hằng, Tuấn là không khách quan; không cho bị cáo giải trình, làm việc trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam; bị cáo có nhận một chiếc cặp do Tuấn gửi đến nhưng trong chiếc cặp chỉ có 4 chai rượu vang.
Về nội dung này, Hội đồng xét xử nhận thấy: Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã thu tập tài liệu, chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật, trước khi bị khởi tố, bị cáo đã có nhiều buổi làm việc với điều tra viên, được ghi biên bản ghi lời khai giải trình về các nội dung đang bị điều tra. Bị cáo đã nhiều lần được yêu cầu viết bản tự khai tường trình về sự việc để thực hiện quyền tự bào chữa của mình, cung cấp các thông tin cho Cơ quan điều tra nhưng đều từ chối.
Việc bị cáo Hưng cho rằng lời khai của Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thị Thanh Hằng là chứng cứ một chiều, không khách quan là không có cơ sở. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đều xác nhận không có mâu thuẫn gì với các bị cáo Tuấn và Hằng, thậm chí khai bị cáo Nguyễn Anh Tuấn còn có ân tình, đã giúp đỡ bị cáo nhiều việc trong cuộc sống. Ngoài lời khai của Nguyễn Thị Thanh Hằng, Nguyễn Anh Tuấn, còn có lời khai của Lê Hồng Sơn, Trình Văn Huy, Phạm Thanh Bình, Phạm Thị Như Quỳnh, dữ liệu điện tử, các tài liệu chứng cứ khác chứng minh hành vi phạm tội của Hưng.
Như vậy, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở xác định từ ngày 16/9/2022, Hoàng Văn Hưng đã bị điều chuyển công tác từ vị trí Trưởng Phòng Điều tra sang Trưởng Phòng Chính trị Hậu cần, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an. Mặc dù không còn nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền trong việc điều tra, xử lý vụ án “Chuyến bay giải cứu”, nhưng lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Trưởng Phòng thuộc Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, Hưng đã nắm được một số thông tin liên quan đến vụ án để cung cấp cho Hằng và Tuấn để tạo niềm tin. Hưng tiếp tục liên hệ nhiều lần với Nguyễn Anh Tuấn để trao đổi về việc “lo” cho Hằng, Sơn không bị xử lý hình sự. Thông qua Nguyễn Anh Tuấn, Hưng gặp Hằng nhiều lần tại nhà của Tuấn để hướng dẫn Hằng, thông qua Hằng hướng dẫn Sơn cách thức khai báo khi làm việc với Điều tra viên; đưa ra những lý do không đúng thực tế và thông tin sai sự thật về vai trò của Hưng đối với việc điều tra, xử lý vụ án là Hưng vẫn “kiểm soát được tình hình", vẫn chỉ đạo điều tra và trực tiếp báo cáo đề xuất chủ trương xử lý vụ án… nhằm lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 800.000 USD của Hằng.
Hội đồng xét xử cho rằng, bị cáo Hưng không thành khẩn, quanh co, gian dối nên không có đủ cơ sở xác định về tính chính xác của các lời khai của bị cáo này. Việc truy tố, xét xử Hưng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có cơ sở, đúng pháp luật và không oan.