Trước đó, ngày 15/10/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La mở phiên tòa xét xử 8 bị cáo về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Tuy nhiên, sau bốn ngày làm việc, Tòa án đã trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra lại để làm rõ các nội dung như: Động cơ, mục đích của các bị cáo, từ đó xem xét khởi tố về hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ; làm rõ nguồn gốc, hành vi đưa, nhận tiền của các bị cáo.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La, vụ án này có 12 bị can được đưa ra xét xử. Trong đó, 8 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" theo khoản 1, khoản 2, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm: Trần Xuân Yến (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La), Lò Văn Huynh (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La), Cầm Thị Bun Sọn (nguyên Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La), Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Nga (nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La), Đặng Hữu Thủy (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Tô Hiệu), Đỗ Khắc Hưng (nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La), Đinh Hải Sơn (nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La).
Bốn bị can bị đề nghị truy tố về tội "Đưa hối lộ" theo khoản 2 và khoản 4, Điều 364, Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm: Hoàng Thị Thành (nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La), Trần Văn Điện (cán bộ Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Chiềng Cơi, thành phố Sơn La), Lò Thị Trường (lao động tự do, thành phố Sơn La), Nguyễn Minh Khoa (nguyên Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La).
Ngoài ra, các bị can Lò Văn Huynh, Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn bị đề nghị truy tố thêm về tội "Nhận hối lộ" theo khoản 2 và khoản 4, Điều 354, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cũng theo cáo trạng, hành vi đưa, nhận hối lộ cũng như sửa bài thi của các bị can đã được làm rõ. Theo đó, Nguyễn Thị Hồng Nga là thành viên Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, đã nhận của Trần Văn Điện số tiền 1,04 tỷ đồng để nâng điểm cho 4 thí sinh. Ngoài ra, Nguyễn Thị Hồng Nga đã cùng các bị can khác rút bài, sửa nâng điểm các môn thi trắc nghiệm cho 40 thí sinh.
Bị can Lò Văn Huynh là Phó Trưởng ban Chấm thi đã nhận 1,3 tỷ đồng của Nguyễn Minh Khoa và Lò Thị Trường để nâng điểm cho 3 thí sinh. Lò Văn Huynh cùng với các bị can khác đã rút bài thi trắc nghiệm để sửa nâng điểm cho 32 thí sinh và tác động nâng điểm môn Ngữ văn cho 12 thí sinh.
Bị can Cầm Thị Bun Sọn là thành viên Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm đã nhận 440 triệu đồng của Hoàng Thị Thành để nâng điểm cho một thí sinh. Bị can này cũng tham gia việc sửa bài cho 43 thí sinh.
Bị can Trần Xuân Yến là Tổ trưởng Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm đã làm trái nhiệm vụ, nhận thông tin 13 thí sinh chuyển cho Nguyễn Thị Hồng Nga để sửa bài, nâng điểm.
Bị can Đặng Hữu Thủy là thành viên Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, đã cùng những người khác sửa bài, nâng điểm cho 44 thí sinh.
Bị can Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Trưởng ban làm phách, phụ trách phách vòng 1 đã cung cấp khóa phách 12 thí sinh cho người khác sửa bài, nâng điểm.
Bị can Đỗ Khắc Hưng là cán bộ Công an tỉnh Sơn La, được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự khu vực chấm thi. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, Đỗ Khắc Hưng đã cho một số người vào phòng xử lý bài thi trắc nghiệm để rút bài, sửa nâng điểm.
Bị can Đinh Hải Sơn là cán bộ Công an tỉnh Sơn La được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự khu vực chấm thi. Bị can này đã nhận thông tin hai thí sinh để nhờ các đối tượng khác nâng điểm; đồng thời mở cửa cầu thang tại địa điểm chấm thi để Nguyễn Thị Hồng Nga lấy chìa khóa vào phòng xử lý bài thi trắc nghiệm.