Theo Hội đồng xét xử, qua quá trình xét hỏi tại phiên tòa, nhiều tình tiết trong vụ án chưa thể làm rõ tại phiên xử nên cần thiết trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát điều tra bổ sung.
Trước đó, phiên tòa đã diễn ra gần hết phần xét hỏi, chuẩn bị qua phần tranh luận. Qua theo dõi phiên tòa, phần trình bày của đại diện Bộ Công Thương về thủ tục, điều kiện cho phép xuất khẩu thuốc lá điếu là điểm mấu chốt khiến Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ vụ án. Điều này liên quan trực tiếp đến việc bị cáo Lê Hà (nguyên cán bộ Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực IV, người tiếp nhận tờ khai hải quan xuất khẩu thuốc lá điếu của Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn) – có phạm tội hay không.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử 46 bị cáo trong vụ án kinh tế xảy ra tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn. Ảnh: TTXVN |
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Dũng (Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn) cấu kết với Trần Thị Bích Tuyền (giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Đắc Tài và Lâm Tuấn Phát) lợi dụng chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài và hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp xuất khẩu ký hợp đồng nội địa mua, bán thuốc lá khống của Hứa Châu (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại một thành viên Lâm Kim Ngọc) có thuế giá trị gia tăng là 10%; ký hợp đồng ngoại thương xuất khẩu thuốc lá cho Công ty Dang Toung Mine và Blue CT tại Campuchia, có thuế giá trị gia tăng là 0%. Sau khi xuất khẩu, Lê Dũng có trách nhiệm làm hồ sơ xin Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thuế giá trị gia tăng.
Các bị cáo Lê Dũng, Trần Thị Bích Tuyền, Hứa Châu, Mai Khắc Trường, Lê Tiến Cường, Phạm Tấn Đức, Tô Nguyễn Trung Hiếu, Quách Văn Quý và Nguyễn Quốc Dung đã cấu kết xuất khẩu qua Campuchia 20.000 kg gạo trắng, trị giá 190 triệu đồng tại cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực IV, nhưng khai báo hải quan là 3.000 thùng thuốc lá hiệu Craven “A”, trị giá gần 24 tỷ đồng.
Bằng thủ đoạn gian dối lập các hợp đồng mua, bán và thanh toán khống thuốc lá điếu qua Campuchia nhằm có bộ hồ sơ xuất khẩu xin hoàn thuế giá trị gia tăng, Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho hoàn thuế trong năm kỳ, các bị cáo đã chiếm hưởng số tiền là hơn 80 tỷ đồng. Cáo trạng xác định, tổng cộng Lê Dũng đã gây thiệt hại cho Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn số tiền hơn 52 tỷ đồng; Huỳnh Dũng Tấn và Lê Tiến Cường gây thiệt hại cho Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn hơn 36 tỷ đồng. Tổng số tiền Hứa Châu, Trần Thị Bích Tuyền lừa đảo chiếm đoạt tài sản là gần 133 tỷ đồng.
Bị cáo Lê Hà - cán bộ Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực IV, đã sai phạm trong việc tiếp nhận tờ khai hải quan xuất khẩu thuốc lá điếu, trong khi Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn chưa có giấy phép kinh doanh thuốc lá của Bộ Công Thương. Đinh Văn Trí (cán bộ Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực IV) được phân công kiểm hóa tỷ lệ 5% trên hai tờ khai hải quan xuất khẩu thuốc lá điếu của Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn cùng với Nguyễn Tiến Lộc. Mặc dù không thực hiện kiểm hóa nhưng Trí vẫn ký xác nhận đã kiểm hóa theo yêu cầu của Nguyễn Tiến Lộc.
Còn bị cáo Nguyễn Tiến Lộc (cán bộ Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực IV) thì không kiểm hóa theo quy định trong sáu tờ khai hải quan xuất khẩu thuốc lá điếu của Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn, gây thiệt hại cho Nhà nước tiền hoàn thuế giá trị gia tăng gần 18 tỷ đồng. Các bị can nguyên cán bộ hải quan Cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang đã xác nhận hàng loạt hồ sơ xuất khẩu khống hàng hóa là thuốc lá, thực phẩm cho Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn và nhận tiền.
Phiên tòa bắt đầu xét xử từ ngày 8/6, với 44 bị cáo hầu tòa (cáo trạng truy tố 46 bị cáo nhưng 2 bị cáo hiện đang bỏ trốn).