Vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền vay từ Ngân hàng TECHCOMBANK tại Hà Nội: Đối tượng lừa đảo bao giờ mới bị xử lý?

Báo Tin tức nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Hiền Anh, thường trú tại: 34C Lê Văn Huân, phường 13, quận Tân Bình (TP.HCM) là cán bộ Ban Thanh tra Pháp chế trường Đại học dân lập Văn Lang tố cáo bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, nguyên là Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu, quận Đống Đa (Hà Nội) đã có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 7,3 tỷ đồng từ tiền vay ngân hàng có thế chấp. Tuy nhiên đến nay, người lừa đảo vẫn đang ngoài vòng pháp luật.


Theo nội dung đơn tố cáo của bà Hiền Anh: Tháng 5/2011, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh là họ hàng bên chồng của bà Hiền Anh có đến nhà bà Hiền Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh chơi. Biết bà Hiền Anh có nhu cầu vay tiền ngân hàng để giải quyết việc gia đình theo hình thức nhờ người quen dùng tài sản là nhà đất bảo lãnh, bà Ánh đã hăng hái xin giúp. Theo đó, bà Ánh có thể giúp vay 10 tỷ đồng từ Ngân hàng Thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (TECHCOMBANK), chỉ cần dịch vụ cho ngân hàng 300 triệu đồng là giải ngân ngay, mọi thủ tục đều làm sẵn, người bảo lãnh vay vốn chỉ việc ký là xong. Tin lời người họ hàng và sự nhiệt tình của bà Ánh, bà Hiền Anh đồng ý nhờ. Ngay sau đó bà Ánh ra Hà Nội với bản photo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất của người đứng ra bảo lãnh việc vay vốn mà bà Hiền Anh nhờ.


Ngày 31/5/2011, bà Ánh đi cùng anh Thịnh đến nhà bà Hiền Anh (bà Ánh giới thiệu anh Thịnh là cán bộ ngân hàng từ Hà Nội vào thẩm định tài sản bảo lãnh) và bảo bà Hiền Anh nói với vợ chồng người bảo lãnh đến phòng công chứng số 4 (TP.HCM) ký kết hợp đồng bảo lãnh. Sau khi thực hiện các thủ tục tại phòng công chứng, bà Ánh giữ luôn hồ sơ mà ngân hàng giao cho chủ tài sản cầm 1 bộ, với lời giải thích “quan trọng gì, hôm nào giải ngân xong em khắc đưa chị” và cam kết ra Hà Nội sau ba ngày giải ngân cho bà Hiền Anh ngay 10 tỷ đồng. Sau ba ngày không thấy bà Ánh chuyển tiền vào tài khoản của mình, bà Hiền Anh liên tục gọi điện thoại thúc giục. Đến ngày 8/6/2011 bà Ánh mới chuyển cho bà Hiền Anh 2 lần với tổng số tiền 2,7 tỷ đồng trong số 10 tỷ đồng ngân hàng đã giải ngân cho bà Ánh.


Thấy dấu hiệu không bình thường của bà Ánh trong việc chậm chuyển tiền, bà Hiền Anh đã đến ngân hàng để hỏi thì được biết: Ngân hàng đã giải ngân khoản vay 10 tỷ cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Hóa chất Châu Giang (địa chỉ Ba Đình, Hà Nội) vào ngày 2/6/2011. Thì ra, lợi dụng sự cả tin, quan hệ họ hàng và nhu cầu vay vốn của bà Hiền Anh, bà Ánh đã thỏa thuận với Công ty TNHH Hóa chất Châu Giang đứng ra vay tiền của ngân hàng TECHCOMBANK tại Hà Nội bằng sự bảo lãnh tài sản là nhà, đất của người quen bà Hiền Anh (thực tế bà Ánh nói với Công ty Châu Giang là đất của anh em trong gia đình bà Ánh). Sau khi ký kết các hợp đồng tín dụng, ngân hàng đã giải ngân 10 tỷ đồng cho Công ty Hóa chất Châu Giang. Công ty Hóa chất Châu Giang chỉ giữ lại 1 tỷ đồng theo thỏa thuận với bà Ánh, còn 9 tỷ đồng công ty đã giao lại cho bà Ánh để đầu tư vào bất động sản (xác nhận ngày 23/6/2011 của Công ty Hóa chất Châu Giang).


Sau nhiều lần thúc giục, thuyết phục bà Ánh hoàn trả lại số tiền đã vay từ ngân hàng vì thời gian đến hạn phải trả nợ đã quá hạn, ngân hàng đã có thông báo thu hồi nợ, nếu không trả ngân hàng sẽ xử lý tài sản của người bảo lãnh vay nhưng bà Ánh vẫn trốn tránh, bà Hiền Anh đã làm đơn tố cáo tới cơ quan Công an thành phố Hà Nội.


Được biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự từ 29/9/2011. Tuy nhiên đến nay đã qua 7 tháng, quá thời hạn quy định tại điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về thời hạn điều tra không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, nhưng đối tượng lừa đảo vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, trong khi ngân hàng liên tục thông báo thu hồi nợ tới bà Hiền Anh.


Câu hỏi đặt ra là bao giờ đối tượng lừa đảo mới bị xử lý và tại sao lại có sự chậm trễ này?

 

Quang Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN