Các bị cáo: Phạm Dũng (sinh năm 1961, cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cienco-1), Cấn Hồng Lai (sinh năm 1955, cựu Tổng Giám đốc Cienco-1), Nguyễn Ngọc Tuyển (cựu kiểm toán viên Công ty Kiểm toán A&C - nay là Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán và định giá ASCO) và 4 đồng phạm bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.
Hội đồng xét xử gồm ba người: một thẩm phán, hai hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Đào Bá Sơn (Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội) làm chủ tọa. Bốn kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm. Tham gia phiên tòa còn có 14 luật sư bào chữa cho các bị cáo và một luật sư bảo vệ quyền, lợi ích cho Cienco-1.
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa đề nghị triệu tập Giám đốc Công ty định giá và một số cá nhân. Một số luật sư của các bị cáo vắng mặt. Theo đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Cấn Hồng Lai bị truy tố ở khung hình phạt cao. Việc vắng mặt của nhiều luật sư của bị cáo sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo Lai. Do vậy, nhiều luật sư bào chữa và đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử cho hoãn phiên tòa.
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo. Thời gian mở lại phiên tòa sẽ được Hội đồng xét xử thông báo sau.
Theo cáo trạng, Cienco-1 ban đầu thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Năm 2013, có chủ trương cổ phần hóa, Bộ Giao thông Vận tải ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa do Phạm Dũng là Trưởng ban, Cấn Hồng Lai là Phó trưởng Ban thường trực.
Tháng 6/2014, Cienco-1 được cổ phần hóa thành công với đăng ký kinh doanh mới thể hiện vốn điều lệ doanh nghiệp này là 700 tỷ đồng, trong đó có 35% của Nhà nước. Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải thoái toàn bộ 35% vốn. Quá trình cổ phần hóa, các bị cáo trong vụ án và một số người, đơn vị liên quan có sai phạm gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng.
Sai phạm thứ nhất thể hiện qua việc, nhóm Cần Hồng Lai đã xóa khoản nợ phải thu 184 tỷ đồng sai quy định. Kết quả điều tra xác định, từ năm 2010 đến năm 2012, Cienco-1 đã trích lập dự phòng với những khoản thu khó đòi của 50 công ty với số tiền 306 tỷ đồng.
Năm 2013, để xử lý các vấn đề khi cổ phần hóa, nhóm Cấn Hồng Lai xác định, 50 công ty trên nợ Cienco-1 với tổng số 364 tỷ đồng có 184 tỷ đồng là nợ “khó đòi” nên quyết định xóa nợ, dù đây là tài sản công. Sau khi cổ phần, nhóm điều hành mới của Cienco-1 đã đòi được 65 tỷ đồng trong số này nhưng không bàn giao cho Nhà nước.
Cienco-1 trước khi cổ phần hóa phải bàn giao “các khoản nợ phải thu đã xử lý xóa nợ” cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam. Tuy vậy, nhóm Cấn Hồng Lai và cấp dưới khi bàn giao đã “bỏ quên” 184 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bị cáo Cấn Hồng Lai thừa nhận sai phạm nhưng cho rằng, vẫn thực hiện với động cơ “Làm đẹp sổ sách kế toán, thuận tiện việc chào bán cổ phần phục vụ cổ phần hóa”.
Sai phạm thứ hai thể hiện qua việc, Cienco-1 khi cổ phần hóa còn “bỏ quên” giá trị quyền sử dụng 4 khu đất vào giá trị doanh nghiệp. Số tài sản này gồm 422 m2 tại số 135 Nguyễn Văn Đậu, Thành phố Hồ Chí Minh; 916 m2 tại thành phố Tân An, tỉnh Long An; 16.706 m2 tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang và 852 m2 tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Theo quy định của Chính phủ, khi doanh nghiệp cổ phần hóa, UBND cấp tỉnh sẽ có ý kiến chính thức để làm căn cứ xác định giá trị đất. Tuy nhiên, nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo Cienco-1 và các bị cáo thuộc Công ty A&C đã xác định 4 khu đất trên là “tài sản cố định vô hình” với tổng giá trị 12,6 tỷ đồng.
Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự tại 4 tỉnh, thành phố trên xác định, năm 2013, tổng giá trị 4 khu đất của Cienco-1 là hơn 67,4 tỷ đồng. Do vậy, hành vi của Cấn Hồng Lai và các bị cáo khác gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 54,7 tỷ đồng.