Vụ tranh chấp quyền sử dụng đất kéo dài nhiều năm tại thôn Yên Định, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái), sau khi có kết luận của cấp có thẩm quyền, bản án xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân địa phương đã rõ ràng và có hiệu lực, song tới nay vẫn chưa được thi hành.
Ngôi nhà do ông Đỗ Đức Tuấn xây dựng trái phép trên diện tích đất của Công ty cổ phần chè Minh Thịnh. |
Theo tài liệu của UBND xã Hưng Thịnh cung cấp: Vào tháng 11 năm 1993, Công ty chè đặc sản Yên Ninh được UBND tỉnh Yên Bái cho xây dựng phương án xây dựng Nhà máy sản xuất chế biến chè Hưng Thịnh tại địa chỉ thôn Yên Định, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên. Trên diện tích đất này có nhà ở của gia đình ông Đỗ Đức Tuấn, vợ là Trương Thị Đông (nằm dưới khe đồi khu vực giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy). Khi đó, UBND huyện Trấn Yên, UBND xã Hưng Thịnh đã tiến hành giải phóng mặt bằng, đồng thời, thực hiện đền bù cho gia đình ông Tuấn, bà Đông một mảnh đất có diện tích 320m2 dưới hình thức đất đổi đất để ông Tuấn, bà Đông xây dựng nhà ở, ổn định tái định cư. Thêm vào đó, ngày 16/09/1996, Công ty chè đặc sản Yên Ninh đã tiến hành bồi thường cây cối, hoa màu, vật kiến trúc trên đất, khu nhà tạm 3 gian cho gia đình ông Tuấn, bà Đông với số tiền 6.700.000 đồng và 3,5m3 đá… Gia đình ông Tuấn, bà Đông đã nhất trí di dời để trả lại mặt bằng cho Công ty chè đặc sản Yên Ninh xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động sản xuất.
Đến năm 1998, sau khi sát nhập với Công ty chè Minh Thịnh và đổi tên thành Công ty chè Yên Ninh, toàn bộ khuôn viên nhà máy chè không có sự lấn chiếm, tranh chấp nào xảy ra. Ngày 21/12/1999, Công ty chè Yên Ninh tiếp nhận lại toàn bộ cơ sở vật chất và đất đai tại Nhà máy chè Hưng Thịnh và được UBND tỉnh Yên Bái giao quyền thuê, xử dụng khu đất có tổng diện tích 12.903,0m2 tại địa chỉ thôn Yên Định, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (trong đó diện tích cho thuê xây dựng khu nhà xưởng sản xuất, chế biến và khu nhà ở tập thể là 6.306m2; diện tích đất trồng chè là 6.598m2) – bản đồ địa chính khu đất số 754 BĐ-ĐC do Sở Địa chính (thời điểm đó) đo vẽ vào tháng 8 năm 1997 do ông Trần Bá Châu – Phó chủ tịch UBND tỉnh ký.
Nhưng cũng chính vào thời điểm chuyển giao này, lợi dụng sự buông lỏng quản lý của một số cán bộ Công ty chè Yên Ninh, gia đình ông Tuấn, bà Đông đã tự ý làm một chiếc lán tạm tại hành lang đường khu vực cổng Nhà máy chè Hưng Thịnh (nằm trong diện tích đất Công ty chè Yên Ninh được UBND tỉnh cho thuê, quản lý và sử dụng), đồng thời ông Tuấn và con trai là Đỗ Văn Xuân đã làm đơn gửi vượt cấp lên UBND tỉnh Yên Bái “yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 400m2” tại khu vực làm quán tạm và “đòi lại” 1.440m2 đất mà ông cho là còn thiếu khi đền bù (lá đơn này về sau đã được UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo yêu cầu gửi đúng cấp có thẩm quyền).
Bản đồ địa chính khu đất số 754 BĐ.ĐC cho thấy diện tích ông Đỗ Đức Tuấn xây dựng là hoàn toàn lấn chiếm vào diện tích đất của Công ty chè Yên Ninh . |
Nhận được báo cáo, UBND huyện Trấn Yên đã chỉ đạo Trưởng phòng địa chính huyện xuống phối hợp với Công ty chè Yên Ninh trực tiếp đến nhà đề nghị ông Tuấn, bà Đông dừng ngay việc xây dựng quán tạm. Nhưng khi đó, ông Tuấn không những không chấp hành mà còn xảy ra xô xát, cầm dao đuổi chém đồng chí Trưởng phòng địa chính huyện. Sau sự việc đó, Công ty chè Yên Ninh đã rất nhiều lần gửi công văn, làm việc với Sở Địa chính tỉnh Yên Bái, UBND huyện Trấn Yên, UBND xã Hưng Thịnh, thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường… Các cơ quan này đã tiến hành xác minh, thanh tra, kiểm tra và ra các kết luận chính thức về sự việc này. Trong đó có kết luận số 1.609/STNMT-TTr ngày 12/11/2010 của Sở Tài nguyên và Môi trường kết luận việc ông Tuấn đã nhận đất, tiền đền bù đúng với quy định của pháp luật; việc ông Tuấn, bà Đông đòi thêm diện tích 1.440m2 đất là không có cơ sở, không đủ căn cứ pháp lý giải quyết do ông Tuấn, bà Đông không cung cấp được chứng cứ chứng minh được mình là chủ sở hữu của diện tích đất này.
Bà Vũ Thị Nga, Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết: Qua quá trình xác minh và theo giấy tờ thì phần diện tích đất ông Tuấn làm quán tạm (sau đã tiến hành xây dựng nhà trái phép cho vợ chồng con trai là Đỗ Văn Xuân – Phạm Thị Lương ở) nằm trong diện tích mà UBND tỉnh đã cho Công ty chè Yên Ninh thuê nên không thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tuấn… Do vậy đòi hòi của gia đình ông Tuấn, bà Đông về việc cho rằng gia đình ông Tuấn khai phá được mảnh đất diện tích 1.800m2, nhưng ông mới chỉ được đền bù 360m2 còn 1.440m2 chưa được cơ quan Nhà nước giải quyết không đúng sự thật. Ngày 22/03/2011, UBND xã Hưng Thịnh cũng đã có báo cáo số 02/BC-UBND gửi UBND tỉnh Yên Bái, UBND huyện Trấn Yên về việc kết luận việc ông Tuấn yêu cầu đền bù đất là không có cơ sở pháp lý.
Năm 2003, Công ty chè Yên Ninh thực hiện cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty cổ phần chè Minh Thịnh thì đến ngày 26/03/2014, Công ty chè Minh Thịnh đã làm đơn khởi kiện vụ việc tranh châp này ra tòa.
Sau khi mở phiên tòa công khai xét xử vụ việc, Tòa án nhân dân huyện Trấn Yên đã ra bản án số 01/2014/TLST-TCDS kết luận về việc tranh chấp này như sau: “Buộc vợ chồng anh Đỗ Văn Xuân – Phạm Thị Lương phải trả lại cho Công ty cổ phần chè Minh Thịnh 532m2 đất trong đó: 341,3m2 đất trồng chè thuộc thửa đất số 3 và 190,7m2 đất xây dựng nhà máy thuộc thửa đất số 2, tờ bản đồ 754/BĐ-ĐC và phải chịu toàn bộ án phí là 7.362.000 đồng”...
Ông Đinh Đăng Luận, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: Khi nhận được đơn thư khiếu nại về việc tranh chấp đất đai này, trên cơ sở kết luận thanh tra của Sở tài nguyên và môi trường thì UBND huyện đã nhiều lần cử đoàn công tác xuống hòa giải nhưng không thành... Mặc dù đã có kết luận của tòa án nhân dân huyện về vụ việc này nhưng vợ chồng anh Đỗ Văn Xuân – Phạm Thị Lương vẫn không chấp hành. Do vậy, khi nào được giao nhiệm vụ thực hiện cưỡng chế thi hành án đối với trường hợp không chấp hành pháp luật này thì UBND huyện sẽ kiên quyết giải quyết dứt điểm.
Đức Tưởng - Tuấn Anh (Cơ quan TT TTXVN tại Yên Bái)