Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều đơn vị, địa phương khi xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xả rác ra môi trường gặp khó khăn. Nguyên nhân do mỗi Nghị định xử phạt hành chính về hành vi xả rác ra môi trường lại có những mức xử phạt, khung phạt khác nhau. Cụ thể theo Nghị định 46/2016, hành vi xả rác nơi công cộng sẽ bị phạt 300.000 - 400.000 đồng tuy nhiên nếu áp dụng theo Nghị định 155/2016, hành vi này lại bị phạt nặng hơn tới 5 - 7 triệu đồng; còn nếu áp dụng theo Nghị định 167/2013, thì hành vi xả rác nơi công cộng lại chỉ bị phạt 1 - 2 triệu đồng. Hoặc ví dụ như hành vi đi vệ sinh không đúng nơi quy định cũng không thông nhất trong mức xử phạt, có nghị định quy định mức xử phạt 100.000 - 300.000 đồng, có nghị định lại áp dụng mức xử phạt 1 - 3 triệu đồng...
Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay theo các nghị định và các bộ luật của Việt Nam có khoảng 300.000 hành vi bị coi là vi phạm hành chính. Hàng năm, các cơ quan chức năng trong cả nước xử phạt trên 3 triệu vụ vi phạm. Tuy nhiên, khi áp dụng xử lý lại không có sự thống nhất về mức tiền phạt cho một hành vi gống nhau. Điều này khiến người dân bức xúc, bởi hai người cùng thực hiện một hành vi vi phạm giống nhau nhưng hai đối tượng lại bị xử phạt hai mức tiền khác nhau, nhiều khi số tiền chênh lệch khá lớn. Đồng thời còn khiến người thực thi pháp luật cũng lúng túng, không biết áp dụng theo quy định xử phạt nào cho đúng dụng pháp luật và dễ khiến tiêu cực phát sinh.
PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều quy định về xử phạt vi phạm hành chính thiếu tính khả thi và tính dự báo, dẫn đến phải sửa đổi thường xuyên, khiến hệ thống văn bản bị chắp vá, manh mún.
“Vì vậy, để giảm bớt sự nhập nhằng, mỗi nơi áp dụng một mức xử phạt trong xử lý vi phạm hành chính, trước tiên cần thống kê lại các văn bản quy định xử lý vi phạm hành chính đang chồng chéo, đặc biệt là các hành vi vi phạm có tính chất giống nhau để cắt bớt, thống nhất các mức xử lý vi phạm hành chính”, ông Nguyễn Cảnh Hợp đề nghị.
Theo bà Phan Thị Bích Thuận, cần đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc quy định về hành vi vi phạm. Bởi vi phạm hành chính rất rộng, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và người thực hiện xử lý vi phạm hành chính lại là chính quyền địa phương.
“Hiện nay mỗi địa phương, tùy thuộc vào tính chất vùng, miền, vị trí địa lý, hoàn cảnh kinh tế - xã hội… mà phát sinh hành vi vi phạm hành chính khác nhau. Vì vậy, cần có cơ chế thông thoáng hơn trong việc cho phép chính quyền địa phương được chủ động đưa ra quy định những mức xử phạt vi phạm hành chính, xác định hành vi vi phạm hành chính cụ thể để dễ áp dụng các mức phạt vi phạm hành chính, trước tiên cần quy định trong các lĩnh vực nóng, nhạy cảm như xây dựng, giao thông, môi trường…”, bà Thuận nhấn mạnh.