Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Hành vi xâm nhập hệ thống camera của người khác có thể bị khởi tố tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. Nếu sau khi khởi tố vụ án, cơ quan công an xác định có tình tiết "có tổ chức" thì hành vi này có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồn đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm.
“Sau khi lấy được hình ảnh từ camera của người khác, hacker còn tung những hình ảnh riêng tư này lên mạng xã hội, nhiều người đã dùng những lời lẽ miệt thị, khó nghe để bình phẩm. Đây là việc làm có chủ đích và cố ý làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người xuất hiện trong camera. Như vậy, hacker (người xâm nhập trái phép) có thể bị khởi tố thêm tội làm nhục người khác, với khung hình phạt từ 3 tháng đến 2 năm tù”, luật sư Đặng Văn Cường nói.
Theo nhiều chuyên gia an ninh mạng, thiết bị nào càng đòi hỏi nhiều bước đăng nhập thì càng an toàn cho người dùng. Tuyệt đối không nên dùng các sản phẩm camera không rõ nguồn gốc, tính bảo mật yếu nhằm tránh mang hoạ vào thân. Cẩn thận hơn, người dùng nên thường xuyên thay đổi mật khẩu khó đoán để loại bỏ các thiết bị đang theo dõi ngầm.
Camera an ninh không nên lắp ở những nơi nhạy cảm như phòng ngủ của vợ chồng, nhà vệ sinh, phòng thay đồ. Mật khẩu wifi cũng không nên công khai hay quá dễ nhớ. Nhiều trường hợp thì cần dùng tường lửa hoặc giao thức mạnh để bảo vệ. Đặc biệt, khi lắp camera an ninh, người sử dụng cần yêu cầu đơn vị cung cấp bàn giao toàn bộ quyền quản trị và hướng dẫn sử dụng. Khi đó, người dùng sẽ kiểm soát được ai đang xem, lưu hình ảnh từ camera của mình.