Xem xét trách nhiệm chống buôn lậu của người đứng đầu

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2020 sẽ diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau và Bộ cũng sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu, gian lận thương mại nghiêm trọng kéo dài mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.

Nhức nhối hàng giả, không xuất xứ

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của lực lượng Quản lý thị trường diễn ra chiều 13/1, tại Hà Nội, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2019, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm, ước tính thu nộp ngân sách gần 670 tỷ đồng. Trong đó, đã thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tịch thu chưa bán trên 170 tỷ đồng (tăng gần 180 tỷ đồng so với năm 2018); giá trị hàng hóa, tang vật vi phạm bị tiêu hủy trên 120 tỷ đồng.

Theo ông Trần Hữu Linh, tình trạng buôn bán, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng ở khắp các vùng miền, đặc biệt khu vực đô thị, với nhiều mặt hàng như: xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng bách hóa tiêu dùng, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu…

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của lực lượng Quản lý thị trường.

“Thời gian gần đây nổi lên tình trạng hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… như nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu Việt Nam sau đó thay đổi nhãn mác, xuất xứ thành “Made in Vietnam” ngay tại khu vực cửa khẩu nhập và xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ để xuất đi các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản. Tình trạng giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, trốn thuế, buôn lậu quy mô lớn xảy ra”, đại diện Tổng cục QLTT cho biết.

Cùng với đó, một số cơ sở, đối tượng kinh doanh, lợi dụng chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đặt mua hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng sản xuất từ nước ngoài, gắn nhãn mác Việt Nam, made in Vietnam đưa về trong nước tiêu thụ...

Ngoài ra, nhiều đối tượng lợi dụng các sàn giao dịch thương mại điện tử để tiêu thụ hàng giả, hàng lậu mà các lực lượng chức năng rất khó phát hiện và xử lý, bởi đối tượng vi phạm khá linh hoạt, còn người tiêu dùng thì chủ quan, nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng lại rất khó kiểm soát. 

Một số vụ việc điển hình như 2 Trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh; kiểm tra, xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội và tại TP Hồ Chí Minh; kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới, thay đổi tem nhãn thành "made in Việt Nam". Tổng cục QLTT cũng chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 3 vụ việc liên quan đến vi phạm về xuất xứ hàng hóa tại các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và Vĩnh Phúc…

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu

Đánh giá hoạt động của lực lượng QLTT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao công tác phối hợp xử lý góp phần ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổng cục QLTT.

Dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2020 sẽ diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Vì vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương xác định tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 9 quốc gia, chỉ đạo của Bộ Công Thương và cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 

Bộ Công Thương sẽ chủ động bám sát diễn biến tình hình thị trường, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết các vấn đề nổi cộm, phức tạp; Tập trung hoàn thành nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được giao trong năm 2020. Bên cạnh đó, thông qua thực tiễn công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế; tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.

Đồng thời, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các lực lượng chức năng: Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Triển khai ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thu Trang/Báo Tin tức
Quản lý thị trường phải tìm phương thức mới để chống gian lận thương mại hiệu quả
Quản lý thị trường phải tìm phương thức mới để chống gian lận thương mại hiệu quả

Chiều 11/11, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN