Trong đó, nhấn mạnh bị cáo Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng) đã ký nhiều văn bản nhằm tạo điều kiện cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ thâu tóm nhiều dự án bất động sản và nhà, đất công sản tại những vị trí thuận lợi, có giá trị sinh lợi cao tại thành phố Đà Nẵng không qua đấu giá quyền sử dụng đất, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.
Cụ thể, trong vụ án này, tại 6/7 dự án bất động sản, bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng mối quan hệ thân quen với lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng và các sở, ngành liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai, để chủ động nắm bắt thông tin quy hoạch về các dự án đất của UBND thành phố Đà Nẵng, đặc biệt tại các vị trí ven biển, sau đó liên hệ, đề nghị để được các bị cáo: Trần Văn Minh (khi đó là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng) và Văn Hữu Chiến (khi đó là Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng) chỉ đạo các bị cáo là cán bộ cấp dưới, gồm: Nguyễn Điểu (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng), Trần Văn Toán (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng), Lê Cảnh Dương (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng), Nguyễn Văn Cán (nguyên Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng), Đào Tấn Bằng (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng), Nguyễn Đình Thống (nguyên Giám đốc Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng), Nguyễn Viết Vĩnh (nguyên Trưởng Phòng Quản lý đô thị thuộc Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng) tham mưu, đề xuất, thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nhanh chóng hoàn thành hồ sơ để giúp bị cáo Phan Văn Anh Vũ được nhận quyền sử dụng đất các dự án này không qua đấu giá quyền sử dụng đất, áp đơn giá giao quyền sử dụng đất không sát với giá thị trường tại thời điểm đó, cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở, trái với quy định của pháp luật và Nhà nước. Viện Kiểm sát xác định, hành vi của các bị cáo Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 19.625 tỷ đồng.
Tại 15/22 nhà, đất công sản, bị cáo Phan Văn Anh Vũ và các công ty do Vũ đứng ra thành lập, góp vốn và điều hành, không phải là đối tượng được mua nhà công sản theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ, nhưng bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã bàn bạc, thỏa thuận với Giám đốc một số công ty (là các đơn vị thuộc diện đối tượng được mua chỉ định nhà đất theo quy định), gồm các bị cáo: Huỳnh Tấn Lộc (nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ phẩm Đà Nẵng), Trần Phi (nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng), Phan Ngọc Thạch (nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Đà Nẵng) và Lê Anh Tuấn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Cung ứng Tàu biển Đà Nẵng) để đứng tên xin mua nhà công sản, xin giảm hệ số sinh lợi.
Sau đó, các bị cáo này đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng thay đổi tên người nhận quyền sử dụng đất đối với cơ sở nhà, đất được mua sang cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ hoặc công ty, người thân của bị cáo Phan Văn Anh Vũ với lý do các đơn vị, cá nhân này là người nộp tiền mua nhà và sau đó ăn chia lợi ích với nhau.
Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đã đồng ý về chủ trương và chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện, gồm: Nguyễn Ngọc Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá nhà công sản), Phan Xuân Ít (nguyên Trưởng Phòng Quản lý đô thị, thành viên Hội đồng bán đấu giá nhà công sản), Nguyễn Thanh Sang (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất từ năm 2006 đến 2008), Nguyễn Thị Thu Hà (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính, Phó Chủ tịch thường trực, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất thành phố Đà Nẵng từ tháng 8/2008 đến 2010), Nguyễn Công Lang (nguyên Giám đốc Công ty Quản lý nhà thành phố Đà Nẵng). Những bị cáo này đã giúp sức tích cực trong tham mưu, đề xuất, thực hiện các chủ trương, chỉ đạo trái pháp luật của Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến.
Viện Kiểm sát xác định, các bị cáo đã cùng nhau cố ý thực hiện việc mua, bán nhà, đất công sản trái pháp luật, đã làm trái các quy định tại Nghị định số 61/CP của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở; Nghị quyết số 48/2007/NQ-CP của Chính phủ về việc điều chỉnh một số nội dung chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê theo Nghị định số 61/CP và giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước chưa được cải tạo, xây dựng lại; Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; Nghị định số 52/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; Luật Đất đai năm 2003; Nghị định số 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Nghị định số 198/2004/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước tại 22 nhà, đất công sản tổng số tiền hơn 2.422 tỷ đồng.
Cáo trạng kết luận, số tiền Nhà nước bị thiệt hại tại 22 nhà đất công sản là trên 2.422 tỷ đồng; tại 7 dự án là trên 19.625 tỷ đồng. Tổng số tiền Nhà nước bị thiệt hại là hơn 22.000 tỷ đồng.
Sáng 3/1, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo.