Trong đó, gia đình bị cáo Minh xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo thuộc Tổng Công ty Bình Dương bởi cho rằng họ là những người đã đóng góp nhiều công sức cùng bị cáo Minh xây dựng và phát triển Tổng Công ty.
Trong đơn, bà Lê Thị Bích Ngọc (là vợ của bị cáo Nguyễn Văn Minh) đã trình bày về những cống hiến của chồng mình trong suốt 40 năm sát cánh cùng tập thể cán bộ công nhân viên Tổng Công ty 3/2 (tiền thân của Tổng Công ty Bình Dương). Từ 4 triệu đồng vốn vay mượn ban đầu và 8 người thợ, đến nay, Tổng Công ty đã phát triển với tổng số 13 công ty con, đem lại việc làm, ổn định cuộc sống cho hơn 10.000 lao động.
Suốt 40 năm miệt mài phấn đấu, để xảy ra kết quả ngày hôm nay, khi cả chồng, con gái và con rể phải ra hầu tòa, đối với bà Ngọc là một nỗi “đau đớn và tủi nhục”. Bà mong mỏi Hội đồng xét xử xem xét thấu tình hợp lý, cân nhắc xóa bỏ tội danh tham ô cho chồng bà là bị cáo Nguyễn Văn Minh, xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho con gái bà là bị cáo Nguyễn Thục Anh, xem xét hành vi cho con rể bà là bị cáo Nguyễn Đại Dương.
Trình bày trong đơn, bà Ngọc thừa nhận “Công tội phải phân minh” và bày tỏ tin tưởng vào sự công tâm, nghiêm minh của pháp luật, chồng bà cùng các bị cáo khác trong vụ án sẽ phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của mình. Tuy nhiên, bà Ngọc cũng xin Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo Minh được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, ghi nhận sự cống hiến trong công việc của bị cáo Minh. Bà Ngọc mong Hội đồng xét xử xem xét những lỗi lầm do chủ quan của chồng bà và các bị cáo thuộc Tổng Công ty, xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, đồng thời tạo điều kiện cho bị cáo Minh được điều trị các bệnh nan y.
Trước đó, nói lời sau cùng tại Tòa, bị cáo Nguyễn Thục Anh đã cảm ơn mẹ bị cáo (bà Lê Thị Bích Ngọc) đã theo dõi 3 cha con bị cáo trong suốt phiên tòa. Thục Anh trình bày, hai năm vừa qua là những chuỗi ngày địa ngục với bị cáo và gia đình, khi cha, chồng và bản thân bị khởi tố. Bị cáo vừa phải nuôi con, vừa gánh khoản nợ khổng lồ của gia đình, nhưng bị cáo không cho mình bỏ cuộc. “Chỉ cần có cơ hội làm việc, cống hiến cho xã hội, bị cáo sẽ cố gắng đến cùng”, Thục Anh bày tỏ.
Trong phần tranh luận, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương đã đánh giá, tỉnh Bình Dương phát triển như ngày hôm này là nhờ có tinh thần đoàn kết, vượt khó, năng động, sáng tạo, đổi mới của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tỉnh, trong đó có một phần đóng góp quan trọng của hầu hết các anh, chị đang là bị cáo trong vụ án này. Trên cơ sở đó, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương mong Hội đồng xét xử ghi nhận những tình tiết giảm nhẹ phù hợp với từng bị cáo, nhất là đối với các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ và những bị cáo có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Bình Dương, tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội được trở về với gia đình, người thân sớm hơn trong những ngày cuối đời còn lại của mỗi người.