Trong phần bào chữa của các luật sư bảo vệ cho bị cáo Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Dong A bank), các luật sư cho rằng, đối với hành vi chiếm đoạt 1.160 tỷ đồng để mua hơn 74 triệu cổ phần Dong A bank, số cổ phần này vẫn được ghi nhận trên sổ sách đăng ký cổ phần và thuộc quản lý của Dong A bank khi vụ án khởi tố nên bị cáo đề nghị được trừ ra trong tổng số thiệt hại từ hành vi phạm tội của bị cáo. Ngoài ra, các luật sư của bị cáo Bình đề nghị không buộc bị cáo chịu trách nhiệm hình sự và dân sự đối với số tiền chiếm đoạt hơn 497 tỷ đồng để mua 13,4 triệu USD đưa cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) và việc Vũ mua cổ phần của Dong A bank. Ngoài ra trong phần tự bào chữa, bị cáo Trần Phương Bình mong muốn được bán toàn bộ số cổ phần đứng tên người thân và mình để lấy tiền khắc phục hậu quả vụ án.
Đối đáp lại lập luận của các luật sư và của bị cáo Trần Phương Bình, đại diện Viện Kiểm sát không chấp nhận đề nghị lấy giá trị của 74 triệu cổ phần trừ đi để làm giảm tổng số thiệt hại từ hành vi chiếm đoạt 1.160 tỷ đồng của bị cáo Bình. Theo đại diện Viện Kiểm sát, thực tế Dong A bank đã bị thiệt hại 1.160 tỷ đồng do Trần Phương Bình dùng thủ đoạn rút tiền để mua cổ phần cho bản thân và người thân. Số lượng 74 triệu cổ phần Dong A bank hiện không xác định được giá trị, đồng thời là vật chứng của vụ án, đang được kê biên, do đó không có cơ sở để trừ đi làm giảm hậu quả của vụ án.
Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị, trong quá trình thi hành án nếu xác định được giá trị của số cổ phiếu này thì có thể xem xét để khắc phục hậu quả của vụ án cho bị cáo Bình. Trước đó trong quá trình điều tra, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn gửi Cơ quan điều tra với nội dung từ chối định giá số cổ phần của Dong A bank do cổ phần của Dong A bank chưa đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, không thể thu thập được thông tin trên thị trường về giá cổ phần của Dong A bank.
Về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng hành vi phạm tội đã hoàn thành kể từ khi Vũ nhận được tiền của Dong A bank. Việc Vũ “nhôm” nộp lại 203 tỷ đồng và xin chịu trách nhiệm về số tiền 13,4 triệu USD chỉ được xem là tình tiết khắc phục hậu quả. Bị cáo Trần Phương Bình phải chịu trách nhiệm hình sự về khoản tiền hơn 497 tỷ đồng đã chiếm đoạt của DAB và trách nhiệm bồi thường dân sự đối với 13,4 triệu USD cho Dong A bank.
Tương tự, bị cáo Phan Văn Anh Vũ cho rằng số tiền 200 tỷ đồng là vay của Trần Phương Bình, là quan hệ vay mượn cá nhân không phải chiếm đoạt tiền của Dong A bank. Đại diện Viện Kiểm sát đã bác bỏ ý kiến này và nhận định, việc vay mượn một cách bình thường được thể hiện bằng biên nhận hợp đồng hoặc có thể thỏa thuận bằng miệng. Nhưng căn cứ vào lời khai của Trần Phương Bình và Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở Dong A bank) khẳng định giữa Vũ và Bình không có thỏa thuận vay mượn số tiền 200 tỷ đồng nêu trên. Kiểm sát viên Nguyễn Quỳnh Lan lập luận tại phiên tòa: “Trên thực tế, không có ai cho vay tiền bằng cách làm phiếu nộp tiền khống và nhận tiền mặt. Bị cáo Vũ đang là Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, có trí óc minh mẫn bình thường, bị cáo phải nhận thức được mình ký vào phiếu nộp tiền chứ không phải biên nhận vay tiền, mặt khác còn có bảng kê tiền. Những phiếu này bị cáo Vũ ký có nội dung rõ ràng, bị cáo đã ký thì phải đọc nội dung”.
Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, việc bị cáo Vũ đã ký vào phiếu nộp tiền khống là thể hiện ý chí, ý thức chấp nhận của bị cáo. Do đó đủ cơ sở khẳng định bị cáo Vũ là đồng phạm đối với Trần Phương Bình trong hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Viện Kiểm sát cũng bác bỏ hoàn toàn các nội dung mà Vũ “nhôm” cho rằng bản thân không phạm tội.
Trước đó trong phần tự bào chữa, Vũ “nhôm” cho rằng có sự thông cung, mớm cung giữa bị cáo Trần Phương Bình và bị cáo Nguyễn Đức Vinh để có lời khai bất lợi cho Vũ. Bị cáo Vũ khẳng định trong quá trình điều tra nhiều lần đề nghị được đối chất nhưng đã không được chấp nhận. Luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ phần luận tội của Viện Kiểm sát liên quan đến bị cáo Phan Văn Anh Vũ.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, trong quá trình đối chất giữa Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ, có sự tham gia đầy đủ Điều tra viên, Kiểm sát viên và có sự tham gia của luật sư Trần Viết Hùng là người bảo vệ cho Phan Văn Anh Vũ. Việc bị cáo Vũ cho rằng có vi phạm tố tụng trong khi đối chất là không có căn cứ vì chỉ có ý kiến Vũ trong biên bản là đề nghị Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát không nên “khủng bố tình thần” bị cáo chứ không có căn cứ nào khác thể hiện các Điều tra viên, Kiểm sát viên đã vi phạm tố tụng như bị cáo khai. Đồng thời khi đối chất có sự chứng kiến của luật sư, bị cáo và luật sư hoàn toàn không có ý kiến gì về việc đối chất. Đại diện Viện Kiểm sát cũng bác bỏ việc bị cáo Vũ bị Kiểm sát viên thóa mạ vì hoàn toàn không có căn cứ nào khác ngoài lời trình bày của bị cáo. Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, lưu ý và có nhận định về thái độ ngoan cố, không thành khẩn mà còn cố ý vu khống, xúc phạm đến người tiến hành tố tụng khi quyết định hình phạt đối với bị cáo Vũ.
Được biết, trong 5 ngày tranh luận vừa qua tại phiên tòa, đã có 34 lượt các luật sư trình bày bào chữa cho các bị cáo, bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn dân sự và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đa số các luật sư đồng tình về mặt tội danh, chỉ đề nghị xem xét về vai trò, tính chất, mức độ hậu quả về hành vi phạm tội, nhận thức pháp luật, các tình tiết giảm nhẹ và các vấn đề khác có liên quan.
Chiều 13/12, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận bổ sung của các luật sư. Dự kiến phiên tòa sẽ tuyên án vào ngày 25/12.