Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho biết, trong quá trình điều tra, bị cáo đã bị kê biên một số tài sản, trong đó có 3 sổ tiết kiệm của con gái bị cáo. Trương Mỹ Lan khai các sổ tiết kiệm này chỉ là “số tiền nhỏ” để những người con của bị cáo chi tiêu nhưng bị cáo không nhớ rõ tổng số tiền là bao nhiêu.
Ngoài ra, Trương Mỹ Lan khai bị cáo cũng bị thu giữ nhiều đồ dùng cá nhân như túi xách, điện thoại, giày dép… khi bị bắt, trong đó có hai chiếc túi xách hàng hiệu làm bằng da cá sấu bạch tạng, một chiếc được mua tại Italy và chiếc còn lại là quà của một người quen tặng. Theo Trương Mỹ Lan, những chiếc túi này “giá trị không đáng bao nhiêu” nhưng sau này bị cáo muốn “để lại cho con cháu làm kỷ niệm” nên xin Hội đồng Xét xử xem xét trả lại những chiếc túi này.
Bên cạnh đó, Trương Mỹ Lan khai lúc bị bắt trên người bị cáo có đeo một bộ trang sức kim cương do mẹ của bị cáo tặng để làm kỷ niệm, hàng chục carat nhưng không thấy nêu trong hồ sơ vụ án. Bị cáo xin Hội đồng xét xử kiểm tra lại. Đồng thời, bị cáo cho biết bản thân còn bị thu giữ một số máy tính để bàn. Theo bị cáo, những máy tính này chỉ dùng để lưu trữ hình ảnh gia tộc trong suốt 50 năm qua, không liên quan tới vụ án, xin Hội đồng xét xử xem xét trả lại cho mình.
Đối với những tài sản còn lại trong vụ án đang bị kê biên, ngăn chặn, phong tỏa, Trương Mỹ Lan cho biết những gì liên quan tới bị cáo và Chu Lập Cơ, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường thời đại (Việt Nam) - Times Square, chồng của bị cáo thì bị cáo Lan không có ý kiến. Đối với những tài khoản liên quan tới người thân trong gia đình bị thu giữ trong quá trình điều tra, Trương Mỹ Lan cũng xin Hội đồng xét xử xem xét trả lại.
Ngô Thanh Nhã (cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát, em dâu Lan) cho biết, trong quá trình điều tra, bị cáo bị thu giữ một sổ tiết kiệm trị giá 10 tỷ đồng của chồng và một sổ tiết kiệm 3 tỷ đồng là tiền tích góp từ tiền lương của bị cáo. Ngô Thanh Nhã nói số tiền trên được vợ chồng bị cáo tích lũy trong nhiều năm và xin tòa trả lại để chồng của bị cáo chi tiêu và chữa bệnh. Về việc khắc phục thiệt hại, Nhã nói chỉ biết đã khắc phục được 3 tỷ đồng, còn thông tin gia đình bị cáo nộp thêm 10 tỷ đồng thì chưa rõ, sẽ hỏi lại từ phía luật sư.
Bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cựu Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor, cháu gái Trương Mỹ Lan) cho biết khi bị bắt Vân không nhớ chính xác bản thân bị thu giữ những tài sản gì. Về sau bị cáo mới được biết bị thu giữ hai chiếc điện thoại và một máy tính xách tay. Trương Huệ Vân trình bày, nếu cơ quan điều tra chứng minh được những đồ vật đó không liên quan đến vụ án thì xin hoàn trả lại, bởi trong máy tính có nhiều hình ảnh kỷ niệm về các con và gia đình bị cáo.
Những bị cáo còn lại trong vụ án cũng khai quá trình điều tra bị kê biên nhiều tài sản và nhiều đồ dùng cá nhân như điện thoại, máy tính để bàn… Các bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét trả lại cho mình những đồ vật, tài liệu, tài sản không liên quan tới vụ án.
Theo cáo trạng, trong quá trình điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn, Bộ Công an đã rà soát, truy thu, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch các tài sản, tài khoản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm với tổng số tiền thu giữ là hơn 408 tỷ đồng.
Cụ thể, cơ quan điều tra thu giữ 224 tỷ đồng của Trương Mỹ Lan; phong tỏa 79 tài khoản của các bị cáo khác trị giá hơn 92 tỷ đồng và 1,6 triệu USD; ngăn chặn giao dịch 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán TVSI của các bị cáo, người liên quan, các pháp nhân liên quan với tổng số tiền 824 tỷ đồng và gần 262.000 USD.
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn kê biên, ngăn chặn giao dịch đối với số cổ phần, phần vốn góp liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan, các đồng phạm và các cá nhân được bị cáo Lan nhờ đứng tên có tổng giá trị quy đổi khoảng 12.313 tỷ đồng tại nhiều tập đoàn, công ty.
Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan còn bị kê biên các tài sản nhà đất và tài sản khác gắn liền với đất của bị cáo tại các thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, gồm thửa đất tại địa chỉ 181 Bến Chương Dương, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; lô đất CN1 Khu công nghiệp Nội Bài, thành phố Hà Nội; 76 quyền sử dụng đất tại xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; 16 quyền sử dụng đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh...
Cùng ngày, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phát thông báo quan trọng đề cập đến việc kiểm tra thông tin cá nhân, số lượng trái phiếu nắm giữ của người bị hại là trái chủ mua trái phiếu cùng đương sự trong vụ án. Theo đó, trong phạm vi giai đoạn 2 của vụ án, liên quan đến hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét giải quyết đối với các bị hại đã mua 6 mã trái phiếu QT2018.12.01; ADC 2018.09; ADC 2018.09.01; ADC 2019.01; SET.H2025; SNW-2018.10 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông; Công ty Cổ phần đầu tư Sunny World; Công ty Cổ phần đầu tư Quang Thuận và Công ty Cổ phần dịch vụ và thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Setra) phát hành.
Các bị hại liên quan đến 6 mã trái phiếu nêu trên nếu thông tin cá nhân và số lượng trái phiếu không trùng khớp hoặc có sai sót, nhưng chưa gửi đơn yêu cầu điều chỉnh đến Tòa án thì tiếp tục làm đơn yêu cầu điều chỉnh (kèm theo tài liệu chứng minh) gửi đến Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Quận 1. Các cá nhân, tổ chức mua trái phiếu nhưng không nằm trong 6 mã trái phiếu nêu trên không thuộc phạm vi xét xử đối với vụ án này.