Xét xử Vũ Huy Hoàng và đồng phạm: Đồng loạt thực hiện sai phạm một cách có hệ thống

Phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm về tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" đã tạm khép lại.

Quá trình xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa, nhiều bị cáo đã nhận thức rõ hơn những sai phạm của mình, mà lúc trước vì hiểu sai hoặc cố tình áp dụng sai quy định, cố tình không thực hiện đúng chỉ đạo, đúng chức trách, nhiệm vụ được giao… thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Điều đáng nói, những sai phạm này được thực hiện đồng loạt từ cấp trên đến cấp dưới một cách cố ý, gây thiệt hại, thất thoát cho Nhà nước với số tiền đặc biệt lớn là hơn 2.700 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Các bị cáo nghe tuyên án tại phiên tòa. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đầu tư bất chấp Nghị quyết của Chính phủ

Theo bản án sơ thẩm, Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được giao cho khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (Thành phố Hồ Chí Minh).

Quá trình quản lý Sabeco, Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất này để thành lập Công ty liên doanh Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện Dự án "Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê". Sau khi góp vốn liên doanh xong, các bị cáo đã tích cực chỉ đạo Sabeco thoái vốn, chuyển quyền quản lý tài sản của Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với số tiền hơn 2.700 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, bị cáo Vũ Huy Hoàng khai việc chỉ đạo Sabeco liên doanh, liên kết góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư, khai thác Dự án tại Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là tiếp tục thực hiện một chủ trương xuyên suốt, liên tục từ năm 2004 chứ không phải là sự kiện mới do bị cáo Vũ Huy Hoàng hay lãnh đạo Bộ Công thương nhiệm kỳ từ năm 2007 đến năm 2016 đưa ra. Bị cáo Hoàng cho rằng việc bị cáo xem xét, góp ý dự thảo để Thứ trưởng ký Công văn trả lời báo cáo của Bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco chỉ mang tính chủ trương: Đồng ý với đề nghị của Bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco về việc lựa chọn nhóm nhà đầu tư mới thay thế nhóm nhà đầu tư cũ để khai thác dự án. Văn bản này không xem xét lựa chọn nhà đầu tư cụ thể, cũng không xem xét phương án thành lập công ty liên doanh, mà chỉ kế thừa tồn tại lịch sử.

Tuy nhiên, trên thực tế giai đoạn này, Chính phủ đã có các Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, Tổng Công ty Nhà nước không đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, nhất là lĩnh vực bất động sản, tài chính… Khi Sabeco triển khai thực hiện dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, đơn vị này không bố trí được số tiền phải nộp để chuyển đổi mục đích sử dụng là hơn 1.236 tỷ đồng, nhưng bị cáo Vũ Huy Hoàng vẫn quyết định cho đầu tư dự án, không chấp hành các Nghị quyết của Chính phủ.

Mặt khác, theo bị cáo Hoàng, Sabeco có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất rượu, bia, nước giải khát và không có năng lực, kinh nghiệm cho mục tiêu của Dự án là đầu tư, kinh doanh bất động sản… cũng không có vốn để thực hiện Dự án, nên phải chỉ đạo chủ trương tìm kiếm đối tác hợp tác liên doanh.

Về điểm này, chủ trương của Chính phủ là không cho phép đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trong Nghị quyết 94/NQ-CP cũng đã nêu rất rõ về các trường hợp “Tập đoàn, Tổng công ty trước đây đã đầu tư vào các lĩnh vực này phải sớm có kế hoạch thoái vốn, tiến tới chấm dứt kinh doanh”, trong khi đó Sabeco chưa thực hiện đầu tư,  bản thân bị cáo Hoàng cũng biết rõ Sabeco không có năng lực và kinh nghiệm để thực hiện dự án bất động sản, song bị cáo Hoàng vẫn cho chủ trương và chỉ đạo Sabeco tìm đối tác để đầu tư ra ngoài ngành, thực hiện trái quy định và chỉ đạo của Chính phủ.

Tranh cãi về nguồn gốc pháp lý của khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng

Quá trình xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều cho rằng Khu đất 6.080 m2 tại 2-4-6 Hai Bà Trưng thuộc diện Cơ sở ô nhiễm phải di dời, thuộc diện áp dụng theo quy định tại Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Lan Châu (Chuyên viên Phòng quản lý đất, Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) khai, quá trình tham mưu, đề xuất cho Công ty cổ phần đầu tư Sabeco Pearl thuê đất Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng chỉ căn cứ vào văn bản chấp thuận đầu tư của UBND Thành phố số 2493/UBND-ĐTMT ngày 11/5/2015 và đề nghị của Sở Kế hoạch Đầu tư số 3512/SKHĐT-PTHT ngày 24/4/2015. Do vậy, bị cáo Châu chỉ căn cứ Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 để tham mưu cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho Sabeco Pearl thuê đất.

Bị cáo Trương Văn Út (nguyên Phó trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, theo các chứng từ, tài liệu đính kèm hồ sơ (khi tiến hành thẩm định) bị cáo nhận thức Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng thuộc diện Cơ sở ô nhiễm phải di dời, thuộc trường hợp được thực hiện (áp dụng) theo quy định tại Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Về quan điểm này, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng phải được áp dụng theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ (sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước), không phải áp dụng theo Quyết định số 86 nói trên (Cơ sở ô nhiễm phải di dời). Theo Viện Kiểm sát, các bị cáo biết rõ nguồn gốc pháp lý của Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là tài sản nhà nước được giao cho Sabeco - là doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng từ năm 1977. Quá trình thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bản Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24/5/2001 và Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, khu đất trên được chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng Khu phức hợp khách sạn 6 sao, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê và đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận cho Sabeco làm chủ đầu tư là bảo đảm tuân thủ theo đúng các quy định của Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp đó, ngày 14/12/2005, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố có Tờ trình về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời cho các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công nghiệp và doanh nghiệp được cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước đang sử dụng đất để sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ: Trong những hồ sơ này, ngoài những doanh nghiệp phải di dời, còn có “Một số doanh nghiệp không thuộc diện sản xuất gây ô nhiễm phải di dời, nhưng việc sử dụng đất theo hiện trạng không phù hợp quy hoạch hoặc quy hoạch đang được xem xét điều chỉnh”. Theo nội dung đề nghị cấp giấy chứng nhận tạm thời thì Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng của Sabeco không thuộc diện phải di dời mà theo quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết được phê duyệt là đất Thương mại – Dịch vụ - Khách sạn và kiến nghị của doanh nghiệp là đề nghị được làm Trung tâm Thương mại – Dịch vụ văn phòng cho thuê với số tầng là 50 tầng và được Phó Chủ tịch UBND thành phố kết luận “Cần xác định cụ thể về tầng cao khi doanh nghiệp lập dự án đầu tư”.

Với những chứng cứ này, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được Bộ Tài chính và UBND Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quy trình sắp xếp lại và xử lý theo quy định của Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc các bị cáo cho rằng  Khu đất này thuộc diện Cơ sở ô nhiễm phải di dời, thuộc diện áp dụng Quyết định số 86… chỉ là sự ngụy biện, nhằm che giấu những sai phạm mà các bị cáo đã thực hiện.

Biết sai nhưng vẫn cố tình làm

Chú thích ảnh

Quá trình tranh tụng tại phiên tòa, điểm nổi bật được các công tố viên nhấn mạnh đến là sai phạm có hệ thống được các bị cáo đồng loạt thực hiện. Các bị cáo đều phải có trách nhiệm thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Nếu phát hiện ra chỉ đạo của cấp trên có nội dung không phù hợp thì phải có trách nhiệm tham mưu, đề xuất lại. Tuy nhiên, trong vụ án này các bị cáo đều tiếp nhận ý chí của cấp trên, đồng loạt thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Các bị cáo đều biết việc tham mưu cho Sabeco Pearl được thuê đất chỉ định là không đúng đối tượng, không đủ điều kiện là trái quy định pháp luật, nhưng vẫn cùng nhau thực hiện là thể hiện sự tiếp nhận ý chí chung ấy.

Trong đó, trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu được Viện Kiểm sát phân hóa rõ rệt. Các bị cáo có vai trò lãnh đạo và quyết định về chủ trương, cũng như quyết định giải quyết công việc có trách nhiệm lớn hơn các bị cáo khác là những người tham mưu, đề xuất giải quyết công việc.

Khai tại tòa, bị cáo Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng bị cáo ký Quyết định số 3186/QĐ-UBND ngày 30/6/2015 cho Sabeco Pearl thuê đất 2-4-6 Hai Bà Trưng mà không nhận thức được việc ký văn bản này là trái quy định của pháp luật (trái Quy định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ), do tin tưởng vào tham mưu của cấp dưới. Khi làm việc với Cơ quan điều tra, bị cáo mới biết làm như vậy là sai.

Việc cố ý làm trái quy định về quản lý đất đai của các bị cáo còn thể hiện ở chỗ, ngay cả khi các bị cáo cố tình nại ra là nhận thức khu đất trên phải xử lý theo Quyết định số 86/2010 của Thủ tướng Chính phủ thì cũng bộc lộ rõ là chưa đủ điều kiện để áp dụng Quyết định trên cho Sabeco Pearl thuê đất, vì chỉ có văn bản số 15015 ngày 6/11/2007 của Bộ Tài chính thống nhất cho Sabeco được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, chứ không có văn bản nào của Bộ Tài chính đồng ý cho Sabeco Pearl được phép được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, đồng thời Sabeco Pearl không phải là doanh nghiệp nhà nước cũng không thuộc đối tượng để Bộ Tài chính cho ý kiến. Do vậy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho Sabeco Pearl thuê Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là trái quy định tại khoản 3, Điều 8 - Quyết định số 86/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “UBND cấp tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất đối với các doanh nghiệp phải di dời theo quy định của pháp luật về đất đai; riêng đối với doanh nghiệp phải di dời thuộc Trung ương quản lý phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính”. Đây là điều kiện cần và đủ để có thể cho Sabeco Pearl được thuê đất, nếu áp dụng theo Quyết định 86. Nhưng Sabeco Pearl cũng không đáp ứng đủ những điều kiện này, nên không thuộc đối tượng được thuê đất.

Do vậy, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, có đầy đủ chứng cứ xác định các bị cáo thuộc UBND thành phố nói chung, các bị cáo Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt, Trương Văn Út, Nguyễn Lan Châu tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Sabeco Pearl không phải là đối tượng và không đủ các điều kiện để được cho thuê đất chỉ định không thông qua đấu giá. Nhưng các bị cáo đã cố tình thực hiện hành vi vi phạm cấu thành tội phạm Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, như cáo trạng của Viện Kiểm sát đã truy tố.

Mặt khác, quá trình thực hiện, bị cáo Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (Tổ công tác liên ngành) chủ trì, cùng Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND Quận 1 nghiên cứu, đề xuất UBND Thành phố xem xét, quyết định đối với đề nghị của Sabeco.

Mặc dù chưa lấy ý kiến liên ngành theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Hữu Tín, các bị cáo Lâm Nguyên Khôi (nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh) và Lê Quang Minh (nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh) đã thực hiện hành vi tham mưu, đề xuất để UBND Thành phố chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư, được thực hiện nghĩa vụ tài chính. Đây là cơ sở để các sở, ngành tham mưu, đề xuất lãnh đạo UBND Thành phố cho Sabeco Pearl thuê đất trái pháp luật, không đúng đối tượng, không thông qua đấu giá Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (thời điểm cho thuê có giá trị quyền sử dụng đất là hơn 1.075 tỷ đồng).

Phán quyết đã tuyên, mỗi bị cáo trong vụ án đã bị tuyên phạt các mức án tù tương xứng với hành vi phạm tội của mình. Các bị cáo hầu hết là người giữ vị trí chủ chốt, quan trọng tại Bộ Công Thương và UBND Thành phố Hồ Chí Minh, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao trách nhiệm quản lý tài sản công. Tuy nhiên, vì những động cơ khác nhau, các bị cáo đã thực hiện những hành vi trái pháp luật, làm mất niềm tin của nhân dân đối với cơ quan quản lý Nhà nước. Đây là bài học cảnh tỉnh cho những hành vi coi thường pháp luật, hành động bất chấp sự đúng đắn, liêm chính và trách nhiệm trong quản lý tài sản Nhà nước, của nhân dân.

Kim Anh (TTXVN)
Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bị phạt 11 năm tù
Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bị phạt 11 năm tù

Chiều 29/4/2021, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án tại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và 9 đồng phạm trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN