Trước đó, trong ngày 17/4, khi kiểm tra đột xuất cửa hàng trên, lực lượng chức năng phát hiện nhiều mặt hàng được chủ cửa hàng giới thiệu là các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh như: Rượu, cốm, cao, trà sâm; trong đó có 48 hũ thủy tinh chứa cốm sâm không có tên, nhãn mác, 10 hũ cao sâm, 18 bình chứa rượu ngâm củ sâm, dung tích 3,5 lít/hũ, 16 bình thủy tinh chứa rượu ngâm củ sâm (được giới thiệu là củ sâm Ngọc Linh)…
Tất cả các sản phẩm này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng giá trị các sản phẩm hơn 289 triệu đồng (theo đơn giá cửa hàng bán). Đây là lần đầu tiên tỉnh Kon Tum phát hiện một cửa hàng kinh doanh các sản phẩm được giới thiệu là sản phẩm làm từ sâm Ngọc Linh có quy mô lớn.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy chủ cửa hàng trên đã kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không có giấy phép bán lẻ rượu, không có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm...
Theo ông Lê Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum, toàn bộ số sản phẩm trên của cửa hàng đã bị cơ quan chức năng tịch thu và sẽ phải tiêu hủy. Cửa hàng kinh doanh rượu sâm Ngọc Linh Tinh hoa núi rừng Việt phải tạm dừng kinh doanh.
Trong thời gian tới, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh các sản phẩm được giới thiệu là từ sâm Ngọc Linh.
Hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum có hai doanh nghiệp chuyên trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích trên 300ha (chưa kể diện tích cây sâm do dân trồng). Tuy nhiên, số diện tích trên chủ yếu để bảo tồn, nhân giống mở rộng diện tích.
Hiện, các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh được trồng trên địa bàn vẫn chưa được các doanh nghiệp bán ra thị trường.