Cây gỗ bị đốn hạ ngổn ngang. |
Từ tin báo của người dân, phóng viên đã về địa bàn thôn 9, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song để ghi nhận tình trạng phá rừng. Tại đây, cả một vạt rừng nguyên sinh ở tiểu khu 1676 đã bị triệt hạ ngổn ngang, nhiều thân cây gỗ có đường kính lớn khoảng 60cm bị cưa ngang gần gốc. Các cây gỗ bị cưa hạ chủ yếu là de, trâm, chò xót… Lá cây vẫn còn xanh, mùn cưa còn mới, ở nhiều gốc cây nhựa ứa ra, đỏ quạch như máu.
Theo người dân sinh sống gần khu vực này, diện tích rừng bị phá khoảng 2 ha, chủ yếu bị cưa hạ vào tối ngày 19/8. Mục đích của các đối tượng phá rừng là lấy gỗ, trụ tiêu, sau đó dọn dẹp chiếm đất để trồng cây công nghiệp hoặc bán đất.
Ông Trần Đức Việt, Trưởng thôn 9, xã Trường Xuân cho biết: Nhà tôi ở sát bìa rừng nên khi thấy nhiều cây rừng bị tàn phá, tôi rất xót xa, tiếc nuối trước cảnh tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt. Khi phát hiện rừng bị phá, tôi đã gọi điện thoại cho kiểm lâm địa bàn. Tuy nhiên, người này lại nói đang bận công việc khác, bảo tôi báo thẳng lên Hạt Kiểm lâm huyện.
Được biết, năm 2010, UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định cho Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt (địa chỉ xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song) thuê diện tích đất rừng ở tiểu khu 1676 để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Thế nhưng đơn vị này quản lý, bảo vệ không nổi nên đã trả lại cho tỉnh và tỉnh giao cho địa phương quản lý.
Sau khi khoanh vẽ lại, từ cuối năm 2015, UBND xã Trường Xuân đã làm hợp đồng giao khoán 60 ha rừng cho 3 hộ dân thôn 9 quản lý, bảo vệ trong thời hạn 1 năm. Đến cuối năm 2016 là hết thời hạn giao khoán cho các hộ dân. Tuy nhiên, đến nay xã Trường Xuân vẫn chưa thanh lý hợp đồng hoặc tiếp tục giao khoán cho các hộ dân quản lý, bảo vệ. Nguyện vọng của bà con là tiếp tục được nhận giao khoán chăm sóc, quản lý và bảo vệ số diện tích rừng còn lại tại tiểu khu 1676.
Trong 2 ngày 21 và 22/8, phóng viên đã làm việc với UBND xã Trường Xuân (đơn vị chủ rừng) và Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song để tìm hiểu về vụ phá rừng trên, tuy nhiên những người đứng đầu 2 đơn vị này nói là không biết, không có việc phá rừng trên địa bàn. Sau khi được cung cấp những hình ảnh tại hiện trường thì họ mới cho cấp dưới xác minh, báo cáo vụ việc.
Khi được hỏi về trách nhiệm của địa phương và đơn vị chuyên trách bảo vệ rừng khi để tình trạng phá rừng, chiếm đất ở khu vực này diễn ra phức tạp trong nhiều năm, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân và Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song nêu ra “đủ thứ khó”, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Rừng bị triệt hạ không thương tiếc. |
Ông Phạm Quốc Thụy - Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho hay, do Ban Lâm nghiệp xã ít người, phần lớn lại kiêm nhiệm nên việc quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng lại lại thường tổ chức phá rừng vào ban đêm và những ngày cuối tuần, là thời gian mà cán bộ Ban Lâm nghiệp xã nghỉ ngơi nên càng khó phát hiện.
Về việc tại sao không thực hiện thanh lý hợp đồng và tiếp tục gia hạn hợp đồng quản lý, bảo vệ diện tích rừng ở đây, ông Thụy lý giải là do xã không có kinh phí để tổ chức đo đạc, thống kê lại diện tích, trữ lượng rừng ở tiểu khu này để giao khoán lâu dài cho các hộ dân. UBND xã đã đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành được.
Còn ông Nguyễn Đình Dân - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song lúc đầu quả quyết thời gian gần đây trên địa bàn xã Trường Xuân không xảy ra tình trạng phá rừng nào. Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra thông tin, hình ảnh rừng nguyên sinh tại tiểu khu 1676 bị tàn phá nghiêm trọng, với diện tích khoảng 2 ha thì ông Dân lại tỏ ra lúng túng. Sau khi gọi điện cho cấp dưới để hỏi sự việc thì mới biết là có vụ việc phá rừng xảy ra và cán bộ Hạt đang lập biên bản hiện trường. Cụ thể, trong ngày 19/8, diện tích rừng bị phá ở tiểu khu này là 1,67 ha. Trước đó, ngày 16/8, tại đây cũng xảy ra một vụ phá rừng với diện tích khoảng 0,4 ha.
Về vấn đề hỗ trợ UBND xã Trường Xuân trong việc đo đạc, thống kê lại diện tích rừng còn lại tại tiểu khu này, ông Dân cho hay, UBND xã Trường Xuân chỉ mới đề nghị bằng miệng chứ chưa có văn bản chính thức. Đối với một số thôn, bon khác trong xã, Hạt đã có văn bản hướng dẫn cụ thể việc giao khoán rừng cho các hộ dân. Còn rừng tại tiểu khu 1676, UBND xã Trường Xuân phải trình đơn của các hộ dân xin quản lý, bảo vệ rừng cùng với phương án giao khoán để Hạt Kiểm lâm có kế hoạch hỗ trợ.
“Chúng tôi mong muốn rừng được giao khoán về cho các hộ dân để được quản lý, bảo vệ tốt hơn, bởi những hộ dân sinh sống và canh tác ở gần khu vực có rừng nên họ sẽ tham gia quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn. Còn chính quyền địa phương không thể thực hiện tốt được việc quản lý, bảo vệ rừng”, ông Dân nói.
Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông đã có chỉ đạo và những hành động quyết liệt để lập lại công tác quản lý bảo vệ rừng, thế những rừng nguyên sinh ở xã Trường Xuân vẫn bị tàn phá ngang nhiên trước sự bất lực của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.