Video ông Lê Anh Tuấn, đại diện chủ đầu tư Dự án xây dựng đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài đến nút giao Voi Phục trao đổi với các hộ dân.
Mới đây, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc BQLDA, đại diện chủ đầu tư đã gặp gỡ 36 hộ dân trú tại Khu tập thể Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và môi trường) và Khu tập thể Viện Kỹ thuật thông tin (Bộ Quốc phòng) ở ngõ 14 và ngách 14/31 phố Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, để lấy ý kiến các hộ dân, tổng hợp trình lãnh đạo các nội dung cần làm rõ và trình bày phương án GPMB dự án.
Tuy nhiên, theo các hộ dân, dự án không chỉ khiến đời sống của hàng chục hộ dân bị đảo lộn, mà di tích Pháo Đài Láng – di tích lịch sử cấp Quốc gia sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, có thể bị mất 1/2 diện tích khi dự án đi qua.
Qua tìm hiểu, di tích Pháo Đài Láng là một trong 4 pháo đài được người Pháp lập ra trong thời kỳ chiếm đóng Hà Nội vào những năm 1940. Theo người dân sinh sống ở khu vực này, Pháo Đài Láng có một vị trí quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, là nơi nổ những phát đạn đầu tiên vào trại lính Pháp ở nội thành, mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp trên toàn quốc. Tại địa điểm này, lần đầu tiên một máy bay địch đã bị quân - dân ta bắn rơi trên bầu trời Hà Nội.
Theo đơn của 36 hộ dân, tuyến đường sẽ cắt qua 1/2 di tích, cắt gần như toàn bộ nhà trưng bày, nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý như: Mô hình Hà Nội xưa; danh sách cán bộ, chiến sỹ Đại đội Pháo binh Thủ đô đã tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến; bằng công nhận Pháo Đài Láng là di tích lịch sử - văn hóa và nhiều kỷ vật, tranh ảnh, tư liệu lịch sử của quân và dân Pháo Đài; quả bom ba càng và năm đạn pháo cao xạ 75 mm, một mã tấu là vũ khí tự vệ mà bộ đội Pháo Đài sử dụng trong những ngày toàn quốc kháng chiến…
Vì vậy, hiện nay, các hộ dân bị thu hồi đất đề nghị các cấp chính quyền và chủ đầu tư cung cấp bản đồ chỉ giới đường đỏ và bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 mới nhất, có hiệu lực pháp luật, để người dân nắm được thông tin pháp lý đối với dự án; đồng thời, xem xét điều chỉnh hướng tuyến của con đường hợp lý đi qua những diện tích đất trống, để có thể triển khai tuyến đường nhanh hơn, hạn chế GPMB, bảo tồn được di tích lịch sử, tiết kiệm ngân sách và không làm ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống các hộ dân.
Trước đó, báo Tin tức đã đưa, dự án này được UBND TP Hà Nội phê duyệt đánh giá tác động môi trường tại Quyết định 6065/QĐ-UBND và giao Ban quản lý dự án (BQLDA) Đầu tư xây dựng quận Đống Đa làm chủ đầu tư, niêm yết công khai và lấy ý kiến các hộ dân thuộc diện giải tỏa, kèm theo các quyết định đầu tư xây dựng, quyết định thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB), quy hoạch sử dụng đất, phương án giải tỏa, sơ đồ cắm mốc chỉ giới và phương án đền bù tái định cư.
Tuy nhiên, theo ông Đào Xuân Linh, đại diện 36 hộ dân, quy trình thực hiện dự án không công khai, minh bạch, gây bất ngờ và ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân, vì các hộ đều đã có “sổ đỏ” và sinh sống tại đây 20 năm qua. Đây là dự án “treo” đã có từ hơn 20 năm nay, nhưng đến thời điểm này, các hộ dân đều không rõ thông tin và bất ngờ được triệu tập nhiều cuộc họp bất thường từ chủ đầu tư để thông báo về chủ trương, kế hoạch thu hồi đất, GPMB… Các hộ dân trong trong diện giải tỏa đều là các gia đình cán bộ trung, cao cấp của quân đội, gia đình chính sách, lão thành cách mạng, đều ủng hộ chủ trương mở đường, tạo điều kiện tốt hơn về giao thông đô thị, nhưng cần được thông tin công khai, minh bạch.
Trước thực tế này, ông Lê Anh Tuấn khẳng định, lãnh đạo quận Đống Đa và dự án đã nhận được đơn kiến nghị, với các nội dung cần làm rõ và sẽ có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội để thành phố trả lời hoặc ủy quyền cho quận phản hồi tới các hộ dân trong thời gian sớm nhất. BQLDA cũng đã gửi tới các hộ dân bộ hồ sơ pháp lý dự án, tập hợp và công khai đầy đủ 16 quyết định, báo cáo, công văn, bản định vị mốc giới và bản đồ quy hoạch do UBND TP Hà Nội, UBND quận Đống Đa, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Nguyên môi trường, Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, BQLDA dự án ban hành, để tiếp thu, tổng hợp ý kiến của các hộ dân.
“Các văn bản đều nêu rõ chủ trương, thời điểm giao triển khai dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch sử dụng đất, nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thành lập hội đồng tái định cư và GPMB, đăng ký nhu cầu sử dụng quỹ nhà tái định cư, ranh giới khu đất thu hồi, chỉ giới đường đỏ tuyến đường có dự án chạy qua. Phần đất cắm mốc chỉ giới GPMB theo quy hoạch dù là đất cơ quan hay của người dân đều do Nhà nước quản lý. Vì vậy, chủ trương thực hiện dự án để phục vụ dự án chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên cơ sở hài hòa lợi ích của các bên”, ông Lê Anh Tuấn cho hay.