Nguyên do là, trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng mở rộng bãi rác Nam Sơn, nhiều hộ dân có sổ đỏ hơn 1.000 m2 nhưng chỉ được đền bù 400 m2 đất ở, diện tích dôi dư từ sổ đỏ được áp giá đất trồng cây lâu năm rẻ bằng nửa so với đất ở. Còn nữa, những hộ có sổ đỏ diện tích lớn hơn 400 m2 cũng đã bị thu hồi. Sổ đỏ “vô hiệu”, không thể thực hiện được các quyền của người sử dụng đất, khiến người dân vô cùng “sốc” và bức bối, chưa chấp nhận với phương án bồi thường. Thanh tra thành phố Hà Nội cũng đã vào cuộc, có kết luận chỉ ra những sai phạm quá trình cấp sổ đỏ và kiến nghị điều chỉnh sổ đỏ… Đến nay, sau nhiều năm người dân phải mò mẫm tìm cách cậy nhờ “xin” mất đất để “hạ”, điều chỉnh diện tích trên sổ đỏ nhưng vẫn vướng vào “ma trận” với vô vàn các thủ tục.
“Gọt” chân để vừa giày
Sóc Sơn (Hà Nội) là một huyện bán sơn địa, đất đai rộng lớn. Ngoài dân cư bản địa, từ những năm 1960 nhiều tỉnh thành, quận huyện đã đưa dân lên Sóc Sơn để khai hoang rồi hình thành làng, xã như ngày nay. Vốn là vùng quê yên bình nhưng từ khi có thông tin sổ đỏ bị cấp sai hạn mức phải thu hồi, “tạm dừng” giao dịch như cho tặng, thế chấp, đăng ký biến động… theo quy định của pháp luật đã khiến nhiều người dân đứng, ngồi không yên.
Chiều mùa Đông cuối năm 2021, ông Tạ Hồng Thái ở Tiên Chu, Bắc Sơn, Sóc Sơn (Hà Nội) mang giấy bút ra để soạn đơn gửi UBND xã đề nghị được điều chỉnh lại hạn mức đất ở. Người nóng ran, ông kỳ cạch viết: “Tôi được biết loại đất thổ cư không rõ ràng theo quy định của pháp luật hiện hành. Tôi làm đơn này đề nghị cấp đổi sổ đỏ cho gia đình tôi và được ghi rõ loại đất theo quy định hiện hành. Tôi tự nguyện nhận hạn mức đất ở theo quy định tại xã Bắc Sơn là 400 m2…”.
Ngồi thẫn thờ nhìn ra khu đất rộng hàng nghìn m2, ông Tạ Hồng Thái với nét mặt trĩu nặng tâm tư kể, gia đình ông đang sử dụng mảnh đất có diện tích 2.528 m2 từ trước những năm 1980 đến nay không có tranh chấp với ai. Sau khi làm đủ các thủ tục cần thiết, ngày 25/3/1998, ông vui mừng khi nhận được sổ đỏ do UBND huyện cấp, mang tên mình với ký hiệu: K 142669 ghi: 1.200 m2 đất thổ cư và 1.328 m2 đất liền kề; thời hạn sử dụng lâu dài.
Câu chuyện bị ngắt quãng khi người đàn ông 66 tuổi liên tục phải lấy tay dụi mắt cho khỏi cay rồi tiếp: “Nay tôi muốn sang nhượng chia cho con thửa đất trên nhưng không được do sổ đỏ bị “vô hiệu”, không thể thực hiện các quyền của người sử dụng đất như cho tặng, mua bán, thế chấp...”, ông Thái ngậm ngùi nói.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Quyết Tiến sinh năm 1977 tại thôn Phúc Xuân (Bắc Sơn) cho biết, gia đình có 3.209 m2 đất và đã được cấp sổ đỏ ký hiệu: K 142015 vào năm 1998, gồm 1.786 m2 đất thổ cư và 1.423 m2 đất vườn. Vào tháng 3/2016, anh Tiến làm thủ tục cho toàn bộ thửa đất cho chị N.T.T với việc lập hợp đồng công chứng tại Văn phòng công chứng An Cường. Những tưởng mọi chuyện đã “an bài” nhưng khi chị N.T.T thực hiện các quyền lợi của người sử dụng đất thì bị các cơ quan chức năng “phanh” lại với lý do đất sổ đỏ vượt hạn mức hiện hành (400 m2 - pv).
Anh Tiến ngao ngán nói: “Để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong việc giao dịch có liên quan đến quyền sử dụng đất nêu trên, tôi đã làm đơn đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép tôi được “hạ” số đất trên xuống còn 400 m2 đất ở để phù hợp với quy định làm sổ đỏ. Số diện tích còn lại là đất vườn trồng cây lâu năm”.
Trong căn nhà cấp 4 tuyềnh toàng nằm lọt trong xóm nhỏ, thôn Lai Sơn (Bắc Sơn), chị Lê Thị Chiến đứng tần ngần giữa mảnh đất xung quanh là cây tạp tiết lộ đã nộp đơn ra xã “xin” rút hạn mức đất ở từ hơn 2.000 m2 xuống 400 m2 để sớm được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng mở rộng bãi rác Nam Sơn giai đoạn 2.
Tắc giải phóng mặt bằng do sổ đỏ vượt hạn mức?
Trong mấy năm qua, thực hiện chủ trương của thành phố, huyện Sóc Sơn đang dồn lực để giải phóng mặt bằng, di dời người dân vùng ảnh hưởng trong bán kính 500 mét tính từ chân tường rào để mở rộng bãi rác Nam Sơn.
Quá trình giải phóng mặt bằng đã bị chậm tiến độ và gặp khó khăn khi áp giá đền bù, bồi thường đất ở cho các hộ dân nằm trong diện giải tỏa. Nhiều hộ dân các xã Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng, có diện tích đất thổ cư rất lớn. Nhiều hộ dân được cấp sổ đỏ lên tới hơn 2.000 m2 đất ở/sổ. Trong khi đó, căn cứ vào các quy định hiện hành, các bộ phận chức năng của huyện Sóc Sơn chỉ có thể xây dựng phương án đền bù là 400 m2 đất ở.
Trao đổi với lãnh đạo với UBND huyện Sóc Sơn được biết, hiện nay địa phương đang thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố tại văn bản số 2819/UBND-GPMB ngày 5/7/2019 của UBND thành phố và văn bản số 508/TB-VP ngày 29/10/2020 của Văn phòng UBND thành phố về kết luận của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Tổ trưởng tổ công tác tại cuộc họp xử lý, khắc phục các tồn tại hạn chế, đảm bảo vận hành bãi rác Nam Sơn thì thửa đất cấp vượt hạn mức 400 m2, UBND huyện đền bù đất ở đối các hộ giải phóng mặt bằng là 400 m2. Còn lại phần dôi dư từ sổ đỏ là áp giá đền bù đất vườn trên cùng thửa đất có nhà ở. Cụ thể, đối với 3 xã kể trên, mỗi m2 đất ở được đền bù từ hơn 866.000 đồng đến hơn 4.000.000 đồng cho từng vị trí; đất vườn liền kề là 500.000 đồng/m2.
Đối với đất ở, huyện Sóc Sơn đã hoàn thành việc kê khai kiểm đếm đất đai, tài sản trên đất của 3 xã. Dù huyện Sóc Sơn và UBND thành phố Hà Nội đã nhiều lần đối thoại, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của người dân liên quan đến áp giá đền bù và các chính sách khác nhưng từ khi có chủ trương năm 2016 đến nay, việc giải phóng mặt bằng mở rộng bãi rác Nam Sơn vẫn còn đang dang dở, khiến cho thành phố luôn lo lắng do bãi quá tải, thiếu chỗ chôn lấp.
Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Bí thư Chi bộ thôn 2 xã Hồng Kỳ, dự án di dân vùng ảnh hưởng bãi rác Nam Sơn bán kính 500 mét tính từ chân tường rào bãi rác là 396 ha, liên quan tới gần 2.000 hộ dân với khoảng 1.242 thửa đất ở. Sổ đỏ do UBND huyện Sóc Sơn cấp nhưng giờ lại không được chấp nhận đền bù hết diện tích sổ đỏ gây thiệt thòi cho người dân, trong khi lỗi không phải do họ gây ra.
Bài 2: Lỗi sai do đâu?