Điều đáng nói hơn, doanh nghiệp còn tự ý thay đổi phương thức khai thác cát khi chưa được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên phê duyệt. Việc chở cát bằng xe tải trọng lớn khi lưu thông trên các tuyến đường bê tông nông thôn gây bụi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông khiến người dân bức xúc, nhiều lần phải chặn xe, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Phớt lờ yêu cầu của cơ quan chức năng
Mỏ cát thôn Hà Giang được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cấp giấy phép khai thác cho Doanh nghiệp tư nhân Vận tải - Xây dựng Hồng Nguyên (gọi tắt là Doanh nghiệp Hồng Nguyên) khai thác từ ngày 7/8/2017, trên diện tích 2 ha với trữ lượng 81.432 m2; công suất được phép khai thác: 10.000 m3/năm, thời hạn khai thác 8 năm 4 tháng.
Do là mỏ lộ thiên nên doanh nghiệp được phép khai thác theo phương pháp, sơ đồ (cát tại mỏ - xúc lên xe vận tải - đưa đi tiêu thụ). Sau một thời gian khai thác, ngày 3/2/2021, Doanh nghiệp Hồng Nguyên có tờ trình gửi Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên đề nghị cho phép bổ sung công nghệ khai thác cát bằng bơm hút vì lý do từ khi được cấp giấy phép khai thác đến hết năm 2020, khối lượng cát đơn vị chỉ mới khai thác được là 19.742 m3, chưa đạt công suất 10.000 m3/năm, việc khai thác “không đủ công suất” gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp.
Từ phản ánh của người dân, ngày 2/4, phóng viên đã có mặt tại khu vực mỏ cát do Doanh nghiệp Hồng Nguyên khai thác và ghi nhận, mặc dù chưa được tỉnh Phú Yên cấp phép bổ sung hình thức khai thác nhưng doanh nghiệp này đã tự ý đưa 2 máy sàng lọc, 1 sà lan và hệ thống đường ống bơm hút vào bên trong khu vực khai thác cát. Doanh nghiệp còn dựng lên một cột bơm xăng dầu để cung cấp nhiên liệu cho các phương tiện ra, vào mỏ.
Ngày 3/4, đại diện các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên và chính quyền địa phương đã kiểm tra thực tế khu vực mỏ cát. Tại đây, bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo tạm dừng việc cấp phép bổ sung hình thức khai thác mới, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp đưa các thiết bị khai thác cát không đúng quy định ra khỏi khu vực mỏ.
Tuy nhiên, ngày 5/4, phóng viên tiếp tục trở lại mỏ cát, "mục sở thị" hoạt động khai thác của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường. Nhiều máy móc vẫn ngang nhiên hút, múc cát lên các xe tải trọng lớn để vận chuyển đi tiêu thụ.
Theo chân các xe tải mang biển kiểm soát 47H.xxx03; 47C.xxx45; 47C.xxx64 để tìm hiểu đường vận chuyển cát, phóng viên ghi nhận, sau khi "tiếp no" cát từ mỏ, các xe tải này di chuyển trên đường giao thông nông thôn của xã Sơn Giang ra Quốc lộ 29 đi qua xác xã Đức Bình Đông, thị trấn Hai Riêng, xã Ea Bar, Ea Bá và Ea Ly của huyện Sông Hinh. Từ Quốc lộ 29 một số xe đã rẽ sang đường Đông Trường Sơn, số còn lại đưa cát sang địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Không những phớt lờ chỉ đạo của cơ quan chức năng, hoạt động vận chuyển cát của doanh nghiệp còn gây bụi bẩn, mất an toàn giao thông trên địa bàn xã Sơn Giang.
Ông Nguyễn Hòa (thôn Hà Giang, xã Sơn Giang) cho biết, chưa kể xe tải nhỏ, mỗi ngày có khoảng 10 chiếc xe tải trọng lớn với 30 lượt chở cát ra, vào tuyến đường này. Mỗi khi xe chạy qua, nhà cửa rung lên, bụi bay mù mịt. Người dân trong thôn quá bức xúc đã 2 lần chặn xe không cho đi qua đường này. Sau khi chính quyền địa phương xuống đối thoại với dân, doanh nghiệp đã dùng xe chở nước phun trên các tuyến đường để giảm bụi nhưng vẫn không khắc phục được.
Ngoài bụi, nỗi lo mất an toàn giao thông, người dân địa phương còn cho rằng có thể Doanh nghiệp Hồng Nguyên lợi dụng khai thác cát để đãi vàng sa khoáng trên sông Ba.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết, ngày 5/4/2021, huyện đã có Báo cáo số 348/UBND-TNMT gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên về việc khai thác cát của doanh nghiệp Hồng Nguyên. Theo báo cáo, mặc dù chưa được UBND tỉnh cho phép nhưng doanh nghiệp đã chuẩn bị các phương tiện, thiết bị để vận hành hút cát thử nghiệm, biện pháp khai thác này tiềm ẩn nguy cơ hút cát quá độ sâu quy định, khai thác vượt quá phạm vi, gần dòng chảy, đãi vàng sa khoáng rất khó kiểm soát, xử lý.
Hiện, mỏ cát đã cấp phép cho doanh nghiệp rộng (2 ha) còn nhiều vị trí không ngập nước, có thể khai thác theo phương pháp đã được cấp phép. Ủy ban nhân dân huyện Sông Hinh kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên xem xét chưa cho phép doanh nghiệp bổ sung công nghệ khai thác cát bằng biện pháp bơm hút.
Khó kiểm soát việc bán cát ra ngoài tỉnh
Trên địa bàn huyện Sông Hinh hiện chỉ có duy nhất mỏ cát do Doanh nghiệp Hồng Nguyên khai thác, kinh doanh phục vụ các công trình xây dựng trong tỉnh. Thế nhưng, trong một thời gian dài doanh nghiệp này đã vận chuyển cát ra ngoài tỉnh tiêu thụ với khối lượng lớn nhưng chính quyền địa phương từ xã, đến huyện không hề hay biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sông Hinh lý giải, hiện huyện chưa nắm được thông tin doanh nghiệp đưa cát ra tỉnh khác tiêu thụ. Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, cát vật liệu xây dựng thông thường chỉ để phục vụ các công trình xây dựng trong tỉnh. Ủy ban nhân dân huyện Sông Hinh sẽ chỉ đạo làm rõ thông tin doanh nghiệp đưa cát bán ra ngoài tỉnh, nếu như có thông tin chính xác, huyện sẽ có biện pháp xử lý vấn đề này.
“Địa phương gặp nhiều khó khăn trong quản lý xe có trọng tải nặng trên địa bàn, do thẩm quyền của huyện chỉ kiểm tra, quản lý trên phạm vi các tuyến đường liên huyện; đối với tuyến quốc lộ kiểm tra xe trọng tải nặng thuộc phạm vi quản lý của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Phú Yên).
Ông Đặng Ngọc Anh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên cho biết, chính quyền địa phương cấp xã, huyện có trách nhiệm trong việc quản lý mỏ khoáng sản trên địa bàn. Nếu có tình trạng doanh nghiệp chở cát đi tiêu thụ ở tỉnh khác sai với quy định cần phải được kiểm tra, xử lý, vấn đề này cần có sự phối hợp chặt chẽ từ chính quyền địa phương cấp xã, huyện, lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường và Thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện mỗi ngày có hàng chục lượt xe chở cát tải trọng lớn chạy qua các tuyến giao thông nông thôn của xã Sơn Giang (khoảng 3 km), quốc lộ 29 (khoảng 50 km). Việc phát hiện xe chở cát ra ngoài tỉnh không phải quá khó đối với lực lượng chức năng. Cụ thể, tại khu vực ngã ba từ Quốc lộ 29 rẽ vào đường Đông Trường Sơn vào 10 giờ ngày 5/4, khu vực này thường xuyên có xe chở cát tải trọng lớn qua lại. Tại đây, cũng có xe biển kiểm soát 78A.xxx95 của lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, thế nhưng trong khoảng thời gian 30 phút không có một xe chở cát trọng tải nặng nào phải dừng để kiểm tra.
Dư luận tại Phú Yên đặt câu hỏi, có hay không việc cơ quan chức năng và chính quyền địa phương buông lỏng để doanh nghiệp khai thác khoáng sản bán ra ngoài tỉnh, không kiểm tra, kiểm soát xe có trọng tải lớn trên địa bàn huyện Sông Hinh. Vấn đề này cần sớm được vào cuộc kiểm tra, ngăn chặn.