Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu gỗ để làm nhà, làm chuồng trại chăn nuôi, củi đốt của cộng đồng dân bản, đặc biệt là việc buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng của các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng đã dẫn đến một thực trạng đáng báo động: Rừng bị “xẻ thịt”.
“Công trường” khai thác gỗ trái phép giữa đại ngàn
Sau hành trình vượt hơn 20km bằng xe máy trên con đường đất độc đạo với nhiều dốc đứng, quanh co theo lưng chừng núi, đồi, bám những đoạn vực thẳm nối Quốc lộ 279 với các bản Nà Pen 1, Nà Pen 2, Nà Pen 3 và Nà Pen 4, chúng tôi mới tới được khu vực rừng Na Pen.
Khi còn cách rừng già Na Pen chừng 5 km, chúng tôi đã nghe thấy tiếng máy cưa từ hoạt động đốn hạ, cưa xẻ gỗ thành phẩm của các đối tượng khai thác rừng trái phép vọng lại, làm náo động cả một vùng núi đồi. Chúng tôi cũng dễ dàng nhận ra sự xáo động của những tàng cây khi có một thân cây to vừa bị đổ gục, kéo theo nhiều cây khác ngả nghiêng.
Đến gần “khai trường” của các đối tượng khai thác gỗ trái phép, tiếng máy cưa xẻ gỗ đanh chát. Tiếng cây đổ ào ạt. Tiếng nói của các đối tượng vọng xuống từ chính khu rừng già phía trên đồi núi.
Trước lúc luồn rừng để vào khai trường khai thác gỗ trái phép, mục sở thị tình trạng rừng bị “xẻ thịt” và triệt hạ, chúng tôi men theo con đường kênh thủy lợi dẫn nước về phía cuối hạ nguồn, cho xe máy vào bụi rậm và che biển số xe, giả làm những người đi “ăn ong” rừng (đi kiếm mật ong) để vào các điểm khai thác gỗ trái phép.
Tại điểm đầu tiên mà phóng viên thâm nhập, cảnh rừng bị tàn phá hiện ngay trước mắt với những gốc cây đã bị chặt hạ bằng dao dựa, có đường kính khoảng 20cm đến 25cm, những đoạn thân cây dài hơn 1m nằm xung quanh gốc, những tấm ván vỏ nằm la liệt.
Những hộp gỗ thành phẩm đã bị các đối tượng tẩu tán, vận chuyển khỏi hiện trường. Địa điểm khai thác gỗ này chỉ cách con đường kênh mương thủy lợi ở bìa rừng chưa đầy 30m.
Tiếp tục ngược lên cao hơn, chúng tôi bắt gặp cảnh rừng bị tàn phá khi nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ còn nguyên cành lá, đổ rạp xuống dẫn đến một thực tế: Giữa vùng lõi của rừng già Nà Pen, cả một vùng rừng tan hoang, xác xơ với hàng trăm mét vuông.
Từ điểm rừng bị phá này, luồn dưới những con đường mòn nhỏ phủ kín bởi cây rừng, dây gai chúng tôi bắt gặp nhiều gốc cây to khác bị đốn hạ bằng cưa xăng, chặt bằng dao rựa, xung quanh là những tấm ván gỗ nằm la liệt, mùn cưa chất thành những lớp dày ngập chân. Nhiều cây gỗ đã bị đốn hạ sát đất, có cây bị đốn hạ ở vị trí thân cây, cách mặt đất cả mét. Đặc biệt hơn, nhiều gốc cây có chu vi vành thân một người ôm không xuể.
Khi rời khỏi điểm khai thác gỗ đầu tiên, chúng tôi gặp hai vợ chồng người dân tộc Mông sinh sống ở bản Nà Pen 1 đang xếp củi khô lên xe máy để chở về nhà làm củi đốt. Theo hai vợ chồng người Mông, khu rừng này thuộc quản lý của người dân 4 bản Nà Pen 1, Nà Pen 2, Nà Pen 3 và Nà Pen 4.
Tiếng cưa máy đang hoạt động trên rừng là do đang có người đốn hạ cây, xẻ gỗ trực tiếp tại hiện trường để mang về làm nhà. Để làm được một căn nhà truyền thống của người Mông cần khoảng hơn 10 khối gỗ. Để khai thác được số lượng gỗ như vậy phải mất từ 4 đến 10 ngày. Cây gỗ to phải xẻ ra tại hiện trường và sau đó sẽ tiến hành vác thủ công hoặc thồ bằng xe máy về bản.
Điểm thứ hai chúng tôi chọn để vào vùng lõi của đại ngàn là một lối mòn có độ dốc lớn, dễ trơn trượt. Qua đoạn đường khó khăn này, việc đi lại dễ dàng hơn nhưng cảnh tượng hiện ra khiến chúng tôi rất xót xa. Diện tích rừng rộng ước chừng mấy trăm mét vuông lọt thỏm giữa đại ngàn đã bị “cạo” sạch, rào xung quanh bằng cây rừng đã chết.
Để có được một mặt bằng rộng, sạch sẽ như thế này để làm nương rẫy, các đối tượng khai thác trái phép đã chặt nhiều cây gỗ rừng với kích thước lớn bé khác nhau, rồi cưa xẻ, chặt cành, vận chuyển gỗ thành phẩm khỏi hiện trường, thu dọn cành lá, thực bì. Các hoạt động này phải làm trong nhiều ngày, thậm chí là cả tháng.
Khi các phóng viên đang tác nghiệp, bất ngờ tiếng cưa xăng đốn hạ cây rừng từ phía trên núi, cách chúng tôi chưa đầy 20 mét hoạt động trở lại. Không muốn bị phát hiện, chúng tôi lẩn vào rừng, thận trọng cắt rừng để đến gần mục tiêu hơn. Sau hơn chục phút, khi tiếng cưa máy đột ngột dừng, khoảng rừng ngay gần chúng tôi như rung chuyển, một cây gỗ lớn đổ xuống phía trước mặt chúng tôi, tiếng cây đổ, cành gãy ầm ầm.
Chúng tôi tiếp tục hành trình cắt rừng để tiếp cận điểm khai thác gỗ thứ 3 bằng việc trèo qua các thân cây to lớn đã bị đốn hạ trước đó rồi luồn lách dưới bụi rậm. Trên hành trình này, chúng tôi bắt gặp nhiều gốc cây to có chu vi một người ôm bị cưa hạ nằm rải rác ở những vị trí khác nhau trong rừng, nhiều gốc cây vết cắt sắc lẹn, vẫn còn ứa nhựa.
Khi qua một con suối nhỏ, chúng tôi tiếp cận gần hơn với một điểm có rất nhiều người đang dùng cưa xăng hạ cây to và xẻ gỗ ngay tại hiện trường. Tại đây, một nhóm 7 người đang dùng một chiếc cưa xăng để xẻ gỗ rồi khuân vác, sắp xếp gỗ.
Những người đang khai thác gỗ ở đây cho biết, họ là những người ở bản Nà Pen 2 của xã Nà Nhạn, lên rừng khai thác gỗ để về làm nhà. Công việc đốn hạ, xẻ gỗ mới diễn ra và đã đốn hạ được 2 cây gỗ to, cao nhất tại khu vực này. Loại gỗ mà họ khai thác có tên là “Mạy thổ lộ” (gỗ ngứa). Để đủ lượng gỗ làm nhà phải chặt hạ đến 10 cây gỗ, nếu cây gỗ to, cao cần khoảng 6, 7 cây.
Tại địa điểm khai thác gỗ này, nhiều người đã mang cưa xăng, cả nhiều can nhiên liệu và thước đo để chặt hạ cây, cưa xẻ luôn trong rừng. Hiện trường có gần 10 hộp gỗ thành phẩm có chiều dài hơn 4 m, rộng khoảng hơn 20 cm; những tấm ván vỏ nằm la liệt; cả một diện tích rừng xác xơ như vừa bị gió bão quật qua.
Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng “lực bất tòng tâm”?
Không thể đếm được đã có bao nhiêu cây rừng trong rừng già Nà Pen bị đốn hạ, bao nhiêu diện tích rừng đã bị mất trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc các đối tượng ngang nhiên mang cưa xăng, dao rựa lên “xẻ thịt” rừng lấy gỗ và tàn phá đại ngàn để làm nương là điều không thể phủ nhận.
Đáng buồn là trong khi rừng già Nà Pen đang bị tận diệt, tàn phá công khai giữa ban ngày trong suốt nhiều ngày nhưng chính quyền sở tại, lực lượng kiểm lâm và ngành chức năng vẫn không hề hay biết.
Chiều 7/1, làm việc với phóng viên, ông Quàng Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết, ông không hề hay biết về thực trạng rừng già Nà Pen đã và đang bị tàn phá do bị khai thác gỗ trái phép và chặt hạ cây rừng để lấy đất làm nương.
Chỉ đến khi nhận được phản ánh của phóng viên, tận mắt xem lại hình ảnh, clip cảnh rừng bị tàn phá, các đối tượng ngang nhiên khai thác gỗ rừng do phóng viên ghi lại được tại thực địa, ông Quàng Văn Sơn mới giật mình.
Nhìn những người đang khai thác gỗ trái phép tại hiện trường xuất hiện qua clip phóng viên quay tại hiện trường, ông Quàng Văn Sơn, chủ tịch UBND xã Nà Nhạn còn nói "nhìn cũng thấy quen quen".
"Qua các hình ảnh, tôi cũng cảm thấy rất bức xúc. Chúng tôi sẽ quyết tìm ra những người trực tiếp vi phạm để đề nghị cơ quan chức năng xử lý, giải quyết nghiêm minh trước pháp luật. Chúng tôi cũng sẽ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các trưởng bản, các tổ bảo vệ rừng mà chúng tôi đã tổ chức cho ký cam kết từ trước tới nay nhưng họ vẫn không thực hiện nghiêm...Chúng tôi sẽ triển khai lực lượng để đi kiểm tra. Kết quả như thế nào, chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể sau" - ông Quàng Văn Sơn nói.
Theo chính quyền xã Nà Nhạn, khu vực rừng Nà Pen là rừng già rộng hơn 1.300 ha. Trong năm 2018, Quỹ Bảo vệ phát triển rừng đã thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (khu vực nội tỉnh) cho người dân quản lý, trông coi trên 1.200 ha rừng.
Ngay đầu năm 2018, chính quyền địa phương đã tổ chức cho các thôn, bản ký cam kết không vi phạm về đất rừng và gỗ rừng. Việc xảy ra việc phá rừng ở Nà Pen là do ý thức của người dân còn kém. Địa bàn xa xôi, khó đi lại, công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không kịp thời, sâu sát.
Ngày 8/1, làm việc với phóng viên TTXVN tại Trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên, ông Nguyễn Cương Quyết, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên phân trần: Do diện tích rừng này ở xa trung tâm xã, công tác quản lý rừng gặp nhiều khó khăn.
Thêm nữa, địa bàn chỉ có 1 kiểm lâm viên cắm xã, quản lý diện tích rừng rộng lớn nên đã để xảy ra tình trạng này. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên đã phối hợp với UBND xã Nà Nhạn tiến hành họp dân ở các bản để xác định vị trí khai thác và tiến hành tố giác tội phạm, tuy nhiên vẫn chưa phát hiện được.
"Công tác quản lý bảo vệ rừng ở khu vực này tương đối khó khăn, phức tạp. Khó khăn nhất là tập quán canh tác trên đất dốc để làm lúa nương, khi đất bạc màu là người dân lại tìm cách phá rừng. Cá nhân tôi khẳng định là người dân Nà Pen 1, Nà Pen 2, Nà Pen 3, Nà Pen 4 chỉ khai thác gỗ để làm nhà tại chỗ, sửa chữa nhà hoặc tách hộ. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo cấp cơ sở cố gắng để tìm ra được vị trí phá rừng và sau đấy vận xuất số gỗ này về, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", ông Nguyễn Cương Quyết cho biết.
Rừng Nà Pen được xác định là một trong những "điểm nóng" về tình trạng khai thác gỗ trái phép trên địa bàn huyện Điện Biên trong nhiều năm qua. Vào tháng 5/2011, phóng viên TTXVN đã phản ánh tình trạng người dân địa phương lợi dụng việc quy hoạch khai hoang ruộng nước để ngang nhiên vào đốn hạ nhiều ha rừng tự nhiên có tuổi đời vài chục, thậm chí cả trăm năm tuổi ở đây.
Nếu chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên không có giải pháp bảo vệ rừng Nà Pen một cách kịp thời, căn cơ, hiệu quả, đại ngàn rừng già ở Nà Pen bị xóa sổ là điều khó tránh khỏi.