Nhiều sai phạm ở mỏ khai thác đá trên đèo Tằng Quái - Mường Ẳng

Nhiều sai phạm ở mỏ khai thác đá của Công ty Cổ phần Cao nguyên Hà Giang trên đèo Tằng Quái - Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên.

Nhiều phương tiện xe khách, xe tải hành trình tuyến Hà Nội đi Điện Biên và ngược lại phải nối đuôi nhau trên một đoạn đường đèo; người dân thì đứng ngồi trong tâm trạng thấp thỏm, chờ đợi. Rồi tiếng mìn nổ chát chúa, rền vang cả cung đèo làm rung chuyển, phá tan bầu không khí yên ả, thanh tĩnh của núi, của đèo.

Và đá hộc, đá tảng từ mái núi Vách Thưng Trời (Pu Pha Phạ) lăn xuống chân núi. Đỉnh đèo trên quốc lộ 279 bỗng chốc hỗn loạn, tiềm ẩn vô số bất trắc, hiểm nguy; những gương mặt của hành khách, người đi đường biến sắc, hoảng hốt khi hướng ánh mắt lên vách đá dựng đứng ngay trên đỉnh đầu…

Đó là quang cảnh, thực trạng trên đèo Tằng Quái, ngay dưới chân mỏ đá Mường Ẳng 4 (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên) của Công ty Cổ phần Cao nguyên Hà Giang (gọi tắt là Công ty Hà Giang).

Sai phạm chồng  sai phạm

Điểm mỏ khai thác đá trên đèo Tằng Quái. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Mỏ đá Mường Ẳng 4 (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên) nằm trên con đèo Tằng Quái (dài 11 km) của dãy núi Vách Thưng Trời (Pu Pha Phạ), thuộc km 41+200 trên quốc lộ 279 huyết mạch, xuyên Á.

Năm 2014 mỏ đá này được cấp phép, năm 2015 được cấp phép trở lại; đến năm 2017, sau quá trình thiết kế, mỏ đá Mường Ẳng 4 đi vào giai đoạn kinh doanh. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, dù hoạt động cầm chừng trong giai đoạn kinh doanh, nhưng mỏ đá này đã tồn tại, nảy sinh vô số sai phạm chồng lên sai phạm, tiểm ẩn những hiểm họa khôn lường.

Ông Phạm Văn Triệu, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên cho biết: Ngày 30/8/2017, UBND huyện Mường Ẳng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn gồm Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra việc khai thác và chế biến mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng tại mỏ đá Mường Ẳng 4 của Công ty cổ phần Hà Giang.

Qua quá trình kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm, như: Công ty đã tự ý thay đổi hiện trạng khu vực chế biến mỏ so với thiết kế mỏ đã được các cấp phê duyệt; Diện tích mặt bằng kho, nhà điều hành và lán trại tăng so với Quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh Điện Biên; Đắp bờ bao chắn đá lăn vi phạm thuộc hành lang an toàn giao thông quốc lộ 279; Xây dựng đường vào mỏ chưa xin phép đấu nối với đường quốc lộ 279; Không có hệ thống biển báo, rào chắn khu vực khai thác, chế biến đá theo quy định; Giờ cấm đường quốc lộ 279 để nổ mìn chưa có sự thỏa thuận cho phép của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; không thực hiện việc đăng ký quy cách, hợp quy chất lượng sản phẩm và giá bán sản phẩm với các cơ quan chức năng.

Đồng quan điểm này, ông Tạ Mạnh Cường, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên cho biết: Năm 2016, UBND huyện Mường Ẳng cũng đã thành lập tổ liên ngành kiểm tra thiết kế mỏ của công ty Hà Giang. Thời điểm này cơ bản là công ty đã chấp hành theo thiết kế mà UBND tỉnh Điện Biên đã cấp phép. Nhưng đến năm 2017, hết thời gian thiết kế mỏ và đi vào khai thác kinh doanh thì toàn bộ thiết kế mỏ và nhiều vấn đề khác đều sai phạm.

Ông Nguyễn Duy Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý đường bộ I.2, Cục quản lý đường bộ I (Bộ giao thông và Vận tải) cho biết: Chúng tôi đã phát hiện vi phạm của Công ty Hà Giang cách đây nhiều tháng. Điển hình có 3 sai phạm chính, là: Làm bờ kè chắn đá lăn từ trên mỏ xuống; mở đường đấu nối trái phép vào mỏ và trong quá trình khai thác, công ty này đã tự tiện cấm đường nổ mìn. Ba vấn đề này vi phạm rất nghiêm trọng.

Đứng về phía Chi cục quản lý đường bộ, chúng tôi đã bố trí lực lượng công chức thanh tra, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Hiện nay, Cục quản lý đường bộ I đã ban hành quyết định xử phạt hành chính. Chi cục đã gửi quyết định xử phạt hành chính đến Công ty Hà Giang. Đồng thời chúng tôi cũng đã có hai văn bản đôn đốc Công ty Hà Giang chấp hành xử phạt vi phạm hành chính.

Trước đó, từ ngày 3/5, Cục Quản lý đường bộ I (Bộ Giao thông và Vận tải) cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ số 444/QÐ-XPVPHC và đình chỉ thi công, buộc Công ty Hà Giang phải dừng ngay việc san lấp trái phép; khôi phục hiện trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Tuy nhiên đến nay, dù đã hơn 4 tháng, các biện pháp xử phạt vẫn chưa được thực hiện.    

Sai phạm sẽ  được xử lý nghiêm

Máy móc nghiền đá vẫn hoạt động sản xuất khi Công ty vi phạm nghiêm trọng về an toàn. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Trong hệ thống các cung đèo của tỉnh Điện Biên như: Tây Trang, Pha Đin, Tằng Quái, Tà Cơn, Cò Chạy, Keo Lôm, Ma Thì Hồ, Hoa… thì đèo Tằng Quái chiếm vị trí khá quan trọng. Đèo dài 11 km, nằm trên trục đường huyết mạch, xuyên Á quốc lộ 279 và được thiên nhiên ưu ái, ban tặng cho vẻ đẹp huyền cổ khi quanh co, uốn lượn trong mây trời, núi non, sương giăng hòa quyện dày đặc hai mái đèo. Dọc con đèo Tằng Quái đẹp và thơ mộng vào loại bậc nhất Tây Bắc này còn có nhiều hang động nguyên sơ, chứa đựng tiềm năng du lịch du lịch vô cùng lớn.


Tuy nhiên, việc hiện diện mỏ đá của Công ty Hà Giang với hàng loạt sai phạm như đã nêu, ai dám chắc cảnh quan môi trường theo quy định khoảng cách với đường quốc lộ không bị phá vỡ; tính mạng người đi đường có được đảm bảo lúc qua đây khi trên mái núi tồn tại một “cái bẫy” treo lở lửng ngay ở trên đầu với sự cố đá lở, rơi, lăn? Mức độ ảnh hưởng đến kết cấu địa chất nơi đây như thế nào trước việc nổ mìn của Công ty Hà Giang khi tạo nên sự rung chuyển liên tục? Nguy cơ mất an toàn giao thông đối với các loại phương tiện qua lại trên đèo và hoạt động tự tiện ngăn chặn đường để nổ mìn ảnh hưởng đến kinh doanh của các nhà xe đến đâu? Tất cả đều là những câu hỏi chưa có câu trả lời.

Trước những sai phạm của Công ty Hà Giang, huyện Mường Ẳng cũng đã có những biện pháp xử lý, tuy nhiên kết quả đến đâu vẫn còn phải chờ thời gian và thái độ “cứng rắn”, mạnh tay của các cơ quan chức năng, ban ngành liên quan.

Ông Tạ Mạnh Cường, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên cho biết: Chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện làm văn bản gửi Sở Công thương, UBND tỉnh Điện Biên để thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra và xử lý Công ty cao nguyên đá Hà Giang, để công ty phải khai thác, thiết kế mỏ theo đúng Quyết định UBND tỉnh phê duyệt và làm các bước theo quy định hiện hành của Nhà nước thì mới được khai thác đá trên địa bàn Mường Ẳng.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Ẳng Phạm Văn Triệu cũng cho biết: Trong thời gian này, nếu Công ty cao nguyên đá Hà Giang hoạt động không đảm bảo yêu cầu thì chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Điện Biên thu hồi quyết định cấp phép và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Duy Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý đường bộ I.2, Cục quản lý đường bộ I (Bộ Giao thông và Vận tải) cho biết: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hiện nay không có văn bản luật, dưới luật nào cho phép Công ty Hà Giang được chặn đường quốc lộ 279 dừng xe để nổ mìn.

Chúng tôi sẽ có công văn kiến nghị UBND tỉnh Điện Biên để có biện pháp xử lý. Đồng thời tiếp tục đôn đốc Công ty Hà Giang chấp hành xử phạt vi phạm hành chính, nếu công ty cố tình không chấp hành quyết định, chúng tôi sẽ báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, UBND tỉnh thu hồi giấy phép cấp khai thác mỏ đối với công ty...

Hải An - Tuấn Anh (TTXVN)
Nổ mìn khai thác đá tứ tung, người dân Ngọc Lập 'sống trong sợ hãi'
Nổ mìn khai thác đá tứ tung, người dân Ngọc Lập 'sống trong sợ hãi'

Thời gian gần đây, việc Công ty cổ phần Khoáng sản Phú Thọ và Công ty trách nhiệm hữu hạn Tự Lập nổ mìn khai thác đá đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Bên cạnh đó, việc nổ mìn khai thác đá cũng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bức xúc trong nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN