Tôi đến nhà riêng của bác ở gần cơ quan. Bác tiếp tôi bên chiếc bàn nhỏ, rồi hỏi đột ngột:
- Cậu đi K được không? Sắp có chuyện lớn. Thời gian không còn nhiều! Sẽ có hoạt động lớn trên toàn bộ chiến trường. Chúng ta có nhiệm vụ vừa làm thông tin trong chiến dịch, vừa giúp bạn xây dựng cơ quan Thông tấn xã. Lực lượng ở B2 (các tỉnh phía Nam) là chính, chỉ một số ít đi từ Hà Nội. Cậu đã có kinh nghiệm làm phóng viên chiến trường nên sẽ có những thuận lợi…
Từ lúc nhận nhiệm vụ đến khi đi chỉ hơn một tuần. Ngoài việc gia đình, tôi cố gắng tìm hiểu tư liệu về Campuchia, điều mà trước đó tôi không quan tâm gì đặc biệt. Điều ngạc nhiên là trong các thư viện, tài liệu cũng chẳng có gì nhiều. Nghiên cứu về một nước láng giềng sát cạnh chúng ta với bao quan hệ phúc tạp mà ít như vậy kể cũng là điều đáng suy nghĩ.
Nhóm công tác đi từ Hà Nội do anh Trần Hữu Năng, khi đó là Trưởng ban Ban tin trong nước dẫn đầu. Anh Năng khi vào Nam cũng là người phụ trách công tác chung của cả đoàn chuyên gia. Ngoài ra, nhóm còn có các anh Nguyễn Bá Ngạc, đã từng ở chiến trường miền Nam nhiều năm và am hiểu về Campuchia; anh Văn Tường, chuyên gia tiếng Pháp của AVI; anh Văn Sắc, phóng viên ảnh lâu năm; anh Vũ Duy Thông và tôi, khi đi đều là người của Ban tin trong nước.
Các anh Trần Hữu Năng, Bá Ngạc và Văn Tường đi trước. Anh Văn Sắc, Vũ Duy Thông và tôi cùng rời Hà Nội một ngày. Buổi sáng ấy, Hà Nội rét lắm. Chuyến bay sớm nên chúng tôi rời nhà khi trời còn tối. Tôi sẽ không bao giờ quên buổi sáng mùa đông ấy khi một mình vác ba lô lên xe.Vợ tôi còn lo cho con nhỏ để rồi cũng đạp xe cả chục cây số vào trường.
Vào đến thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi mới có điều kiện hiểu rõ tình hình. Thời gian rất gấp. Các bước chuẩn bị cho chiến dịch lớn được triển khai trên toàn tuyến cùng với những diễn biến chính trị đi kèm. Chỉ ít ngày sau khi chúng tôi vào đến nơi, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra đời cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, các đoàn thể… Đặc biệt là việc ra đời Thông tấn xã Campuchia SPK do ông Chey Saphon làm Tổng Giám đốc.
Tôi nhớ mãi buổi gặp mặt đầu tiên với Tổng Giám đốc Chey Saphon. Đây là một người trung niên, thấp đậm, nước da bánh mật, rất chân chất, hiền lành. Ông nói sõi tiếng Việt. Trong buổi gặp đầu tiên với chúng tôi - những chuyên gia Việt Nam, ông xem Logo của SPK vừa được thiết kế cùng với bản tuyên bố ra đời của hãng Thông tấn với đông đảo bạn đọc trong nước và bạn bè quốc tế. Ông tâm sự rất thật rằng mình không phải là nhà báo mà là cán bộ chính trị, do tình hình yêu câu cầu nên nhận nhiệm vụ này. Lực lượng của SPK lúc đầu rất mỏng, nên Tổng giám đốc Chey Saphon đề nghị các bạn Việt Nam hết lòng giúp đỡ. Ông vui vẻ tặng cho chúng tôi mỗi người một cái tên Campuchia làm kỷ niệm.
Anh Trần Hữu Năng thay mặt anh em nói rằng chúng tôi làm nhiệm vụ quốc tế, giúp SPK nhưng cũng là nhiệm vụ của Thông tấn xã Việt Nam. Chúng tôi sẽ hết lòng với SPK, với các bạn Campuchia để lật đổ chế độ Pol Pot, cứu đất nước thoát khỏi họa diệt chủng và xây dựng một cuộc sống mới… Anh Năng cũng nói rằng: Chúng tôi chưa hiểu gì nhiều về Campuchia, rất mong được sự giúp đỡ để có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Những ngày đầu ở thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi ở ngay trong ngôi nhà hai tầng phía bên trái cơ quan đại diện, bây giờ ngôi nhà kiểu biệt thự ấy đã phá đi, mặt bằng ấy thuộc khu vực của nhà in ITAXA. Các anh Trần Hữu Năng, Bá Ngạc, Văn Tường, Văn Sắc, Vũ Duy Thông và tôi ngủ ngay trên bàn làm việc, ăn cơm ở nhà ăn tập thể. Công việc do anh Trần Hữu Năng trực tiếp phụ trách, sau đó Phó Tổng biên tập Đỗ Phượng từ Hà Nội vào phụ trách chung. Những buổi tối, sau khi công việc xong, mấy anh em ngồi trò chuyện, uống trà rất vui vẻ. Anh Ngạc nhớ lại những ngày Campuchia hồi còn ở R (căn cứ của Trung ương cục miền Nam) thời chống Mỹ, anh Năng kể chuyện khi còn làm trưởng phân xã ở Bắc Kinh, anh Văn Tường nói về làm thông tin đối ngoại bằng tiếng Pháp và những kinh nghiệm nghề nghiệp… Những chuyện vui ấy cũng giúp chúng tôi hiểu thêm nhiều điều cho công việc sắp tới.
Ngoài lực lượng tăng cường từ Hà Nội vào, phần chủ yếu là các anh ở B2, những người đã có mặt trong thời kỳ chống Mỹ ở Thông tấn xã Giải Phóng, rồi lăn lộn với chiến tranh biên giới Tây Nam mấy năm nay. Đó là các anh Phạm Nhật Nam, Vũ Xuân Bân, Lê Cương, Thanh Hải… Để chuẩn bị cho chiến dịch, cơ quan tổ chức các tổ phóng viên, có xe riêng đi theo các cánh quân. Các anh Vũ Duy Thông và Văn Hiền đi theo Quân đoàn 2 hướng Kiên Giang, Takeo, Kôngpông Som. Phạm Nhật Nam và Thanh Hải đi theo Quân đoàn 3 ở hướng Phước Long rồi sang Kôngpông Chàm, Xiêm Riệp. Đăng Chiến, Hoàng Ba đi theo Quân khu 5 hướng Plây Ku. Nguyễn Dĩnh và nhóm phóng viên thông tấn quân sự đi theo Quân khu 7 ở biên giới Long An. Xuân Bân, Văn Sắc đi theo hướng Krochê… Lê Cương và tôi đi theo quân đoàn 4 ở hướng Xvây Riêng, Konđan do tôi làm tổ trưởng, cùng với Thu, lái xe cũng từ Hà Nội vào. Chúng tôi mau chóng nắm tình hình và lên đường về các địa bàn vào khoảng giữa tháng 12. Tất cả các anh em đều được biệt phái sang với các đơn vị quân đội vì chỉ có như vậy mới có điều kiện theo sát các hướng tiến quân trên đất bạn. Qua việc triển khai các mũi, có thể hình dung được quy mô của một chiến dịch lớn trên toàn tuyến, với lực lượng hùng hậu nhất.
Nhiều băn khoăn lo lắng vì địa bàn lạ, cuộc chiến đấu sẽ ác liệt và khó khăn, đặc biệt là diễn ra trên đất nước bạn. Nhưng chúng tôi chỉ biết động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Lê Cương, phóng viên ảnh đi cùng nhóm với tôi là một thanh niên Hà Nội tài hoa và đẹp trai. Cương cũng rất vui tính và nhanh nhẹn, tháo vát trong mọi việc. Thu lái xe, dáng thấp nhỏ, ít nói nhưng cũng rất “lì” khi phải trải qua những điều kiện khó khăn, những khoảnh khắc nguy hiểm. Mấy anh em mới biết nhau nhưng đã sớm thân thiết, gắn bó. Điều làm tôi băn khoăn là không có điện đài và điện báo viên. Có lẽ do điều kiện gấp, nên cơ quan chưa tổ chức kịp theo phương thức của thời kỳ chống Mỹ hoặc cũng vì điều kiện bí mật của chiến trường lần này. Chỉ biết là việc chuyển thông tin về nhà sẽ rất khó khăn.
Trên xe chúng tôi mang theo đồ dùng, lương thực, thực phẩm để tư túc trong điều kiện chiến trường. Thứ cần nhất ngoài gạo nước là xăng. Thu đã làm một bộ khung sắt phía sau để chứa được bốn can xăng loại 25 lít. Không có xăng thì chẳng có thể xoay sở được gì. Nhưng nhìn 4 can xăng phía sau chiếc xe Jeep nhỏ, tôi có những băn khoăn. Bởi vì, ở chiến trường, chỉ cần một mảnh đạn nhỏ găm vào là lập tức chiếc xe chở chúng tôi sẽ nổ tung. Trên đất Campuchia, nơi đầy những loại mìn của Pol Pot, nếu gặp mìn thì bốn can xăng này sẽ góp phần biến chúng tôi thành than chỉ trong nháy mắt! Nỗi băn khoăn đó nói lên điểm khác biệt của chiến trường lần này: Lực lượng của chúng ta sẽ tác chiến không phải trên mảnh đất của Tổ quốc mình, nơi đâu có dân đấy sẽ là nhà, là sự bình yên giữa những ngừoi thân thuộc. Còn lần này, chúng tôi chỉ học truyền miệng vài câu chào hỏi đơn giản bằng tiếng Campuchia. Đấy cũng là một khó khăn lớn khi tác nghiệp, nhất là với những phóng viên viết tin bài khi gặp dân chúng để nắm tình hình. Nhưng chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác cả.
Chúng tôi lên đường về căn cứ của Quân đoàn 4 ở gần Tây Ninh. Thị xã sau mấy năm chiến tranh biên giới tiêu điều. Pháo từ phía quân Pol Pot vẫn bắn sang. Chúng tôi ghé thăm anh em phân xã, thăm núi Bà Đen là nơi tôi chưa từng biết đến, rồi rồi lên đường về nơi Quân đoàn đóng, cách biên giới với Campuchia không xa. Vùng này Lê Cương thông thạo, nên chúng tôi không gặp khó khăn gì về đường sá. Chỉ cảm nhận được không khí chiến tranh bao trùm trên toàn tuyến, điều mà ngồi ở Hà Nội thì không thể hiểu nổi. Đối với dân chúng vùng biên giới này, từ kháng chiến chống Mỹ cho đến nay, gần như chưa có một ngày yên ổn. Nhiều ngôi nhà, chùa chiền, các công trình công cộng bị tàn phá. Nhiều dân thường bị sát hại rẩt dã man. Điều đau xót là những viên đạn đến từ chính những người từng được coi là đồng chí, bè bạn, đã từng chung vai sát cánh trong cuộc kháng chiến mà nhiều gia đình còn mang khăn tang trên đầu! Lịch sử có những điều tưởng chừng rất phi lý, nhưng nếu nhìn sâu vào các quá trình, người ta cũng có thể nhận ra được logic của các sự kiện. Nghĩ đến mùa xuân 1975, sau khi giải phóng, chẳng ai có thể lường được mọi việc diễn biến như thế này!
Người đón chúng tôi ở Cục chính trị Quân đoàn là đại tá Ba Cúc, Cục trưởng. Tôi ấn tượng với vẻ ngoài hiền lành và có phần nghệ sĩ của ông. Giọng nói nhỏ nhẹ, ấm áp, nụ cười thân thiện đem lại cảm giác tin cậy, ấm cúng. Ông nói, Cục chính trị rất vui mừng đón nhóm phóng viên chúng tôi, hãy coi Cục chính trị và anh em cán bộ như người nhà, mọi khó khăn của chúng tôi trong quá trình hoạt động sẽ được quan tâm, giải quyết với điều kiện có thể của đơn vị.
Cục trưởng Ba Cúc trải tấm bản đồ lên bàn, giới thiệu cho chúng tôi những nét chính về tình hình và hướng tiến quân cũng như nhiệm vụ tổng quát của quân đoàn. Chúng tôi lắng nghe và hình dung ra được những tình huống sẽ xảy ra. Trên tất cả các hướng, chúng tôi đang đi theo quân đoàn gần thủ đô Phnôm Pênh nhất. Nếu tính theo đường quốc lộ thì chỉ hơn 100 km, từ Xvây Riêng, Prây Veng, qua Konđan. Điểm chốt của mũi tiến quân này có lẽ là bến phà Niek Lương khá rộng. Bên kia biên giới là các sư đoàn chủ lực của Pol Pot. Đây là những đơn vị thiện chiến của đối phương và cũng đã gây ra nhiều nợ máu với nhân dân các tỉnh biên giới. Quân Pol Pot cũng hiểu tầm quan trọng của hướng này nên bố trí lực lượng có chiều sâu. Ngoài pháo và lực lượng bộ binh đông đảo, hỏa lực mạnh, điều đáng ngại nhất là mìn. Các tuyến đường chắc chắn sẽ có nhiều mìn để chặn lực lượng của chúng ta khi các trận đánh lớn sẽ diễn ra ở bên kia biên giới…
Sau buổi làm việc với Cục trưởng Ba Cúc, chúng tôi làm quen với anh em trong Cục chính trị, báo của Quân đoàn, các cán bộ làm tuyên huấn và cả một số văn nghệ sĩ từ trên tăng cường về đi với quân đoàn, trong đó có các nhà văn Nguyễn Chí Trung, Xuân Đức và Trần Đăng Khoa… Không đâu hiểu nhau nhanh bằng ở chiến trường. Chỉ mây ngày, chúng tôi đã là người nhà của Cục chính trị, sống với anh em cán bộ chiến sĩ rất gần gũi. Một phần nữa cũng là Lê Cương, tôi đều đã có những năm tháng ở chiến trường, dễ có sự đồng cảm chia sẻ, nhât là với anh em cùng làm nghề thông tin, báo chí. Thời gian ít ngày trước khi chiến dịch bắt đầu ấy ngắn ngủi, nhưng rất vui và giúp chúng tôi hoà nhập, nhanh chóng tác nghiệp cùng đội hình của quân đoàn 4, còn gọi là Binh đoàn Cửu Long, trên hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch.
Chiến dịch bắt đầu vào 25/12/78. Trong đêm, tiếng đại bác 130 ly mở màn với tiếng nổ đầu nòng dữ dội mà người từng ở chiến trường dễ dàng nhận ra ngay. Các mũi tiến công của quân đoàn dọc theo quốc lộ và các hướng khác đều phát triển thuận lợi. Từ Bến Sỏi-Gò Dầu, Tây Ninh. Chúng tôi cùng anh em trong Cục chính trị hành quân để vượt qua biên giới, đoạn thuộc tỉnh Prây Veng từ sớm. Cùng đi xe Jeep của tổ còn có nhà văn Xuân Đức và nhà văn Lê Huy Khanh. Tôi nhớ nhất cảm giác khi vượt sang đất Campuchia. Con đường dã chiến bụi mù đất đỏ giữa mùa khô. Cỏ mọc um tùm. Một cảm giác là lạ, không yên ổn. Lần đầu tiên tôi đi trên đất nước khác cùng với những người lính tình nguyện Việt Nam (không kể đường Trường Sơn những năm đánh Mỹ). Đằng sau những bụi cây kia có thể những họng súng đang chĩa về phía chúng tôi. Mặt đất dưới chân có thể nổ tung vì có mìn. Nhưng phía trước đang là nhữung buôn làng, mà ở đó, những người dân lành đang bị đày ải. Đằng sau chúng tôi là những làng xóm của Tổ quốc thân yêu không được một ngày yên ổn.
Mấy ngày đêm chúng tôi liên tục hành quân. Các trận đánh phía trước khá quyết liệt. Đội hình bám theo đường quốc lộ. Tất cả đều sẵn sàng chiến đấu. Thu cẩn thận đi theo vệt các bánh xe đi trước. Lê Cương tranh thủ ghi những hình ảnh đầu tiên. Điều yên tâm nhất là đi trong đội hình của quân đoàn, nếu không sẽ rất khó xoay sở trên một vùng đất mới như thế này. Nhưng tôi cũng đã hình dung ra cảnh anh em trong tổ sẽ phải có lúc độc lập tác chiến, nếu như muốn phất huy được hiệu quả hoạt động và chủ động tìm mọi cách hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi cần có tin, bài và ảnh sớm nhất về bộ phận thường trực ở B2. Về điểm này thì người làm báo khác hẳn các nhà văn. Các anh Nguyễn Chí Trung, Xuân Đức, Trần Đăng Khoa... không phải vội vã, tính toán từng ngày như chúng tôi hoặc phải khẩn trương có mặt ở những điểm then chốt để thu thập tư liệu, hình ảnh với nhiệm vụ của cơ quan Thông tấn.
Ngày 3/1, chúng tôi đã qua thị xã Xvây Riêng, một thị xã nhỏ với những ngôi nhà thấp tầng, những vườn dừa và những cây thốt nốt vươn lên trên nền trời xanh. Chúng tôi chứng kiến cảnh vườn không nhà trống theo kiểu “tiêu thổ kháng chiến” của quân Pol Pot. Mặt đường quốc lộ bị băm thành từng đoạn khiến tốc độ cơ động rất khó khăn. Xe không thể đi nhanh vì vừa tăng ga đã phải giảm để qua những đoạn đường bị đào thành rãnh. Nhiều bãi đất đá hoặc những chỗ đào lên, có mìn hoặc nghi binh làm anh em công binh phải làm việc. Tiếng súng của những trận đánh phía phà Niêk Lương vọng lại rất gần. Những loại pháo từ phía đối phương bất chợt có thể rơi xuống đội hình. Từ những lùm cây hai bên đường, những loạt AK thỉnh thoảng vẫn rộ lên. Quân Pol Pot không đối đầu trước thế mạnh của quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước. Chúng chỉ kháng cự cầm chừng rồi rút lui hoặc tản sang hai bên, ẩn náu trong các lùm cây, bìa rừng… rồi bắn lén.
Trưa ngày 3/1, chúng tôi đang hành quân thì tin phía trước báo về: Đã gặp người dân Campuchia. Mọi người hào hứng hẳn lên. Chúng tôi nhắc nhau chuẩn bị sẵn sàng. Chỉ tiếc nhất là không biết tiếng Campuchia mà phiên dịch của Cục chính trị chỉ có mấy người. May có mấy anh cán bộ trong đoàn cũng có biết chút ít tiếng để có thể giao tiếp được.
Tôi sửng sốt khi nhìn thấy những tốp dân Campuchia đầu tiên trên quốc lộ một, khoảng giữa thị xã Prây Veng và bến phà Niek Lương, gần ngã ba Prếch Nhênh. Họ đi thành từng tốp, toàn một màu đen mệt mỏi, bơ phờ như vừa từ địa ngục chui lên. Họ từ các công xã dọc hai bên đường, lánh ra rừng khi có tiếng súng, tranh thủ lúc đám lính Pol Pot tháo chạy, tự giải thoát cho mình bằng cách chạy về hướng Đông. Nhiều người trong số họ đã mệt lả. Có những cụ già không còn sức, người thân phải dìu. Có cháu bé đói lả trên tay mẹ. Nhìn những gương mặt ngơ ngác ấy thật tội nghiệp.
Lúc đầu, họ gặp những người lính Việt Nam cũng còn chút phân vân, e ngại. Chắc họ chưa thể tin ngay rằng, đây là những người giải thoát cho mình. Nhưng trong đội hình hành quân có cả các chiến sĩ Campuchia thuộc Mặt trận Dân tộc cứu nước. Họ cùng đến với bộ đội Việt Nam, trò chuyện và thăm hỏi những bà con đó. Rồi những người lính cấp nước, cấp gạo cho họ, cấp cứu người bị thương, kiệt sức, động viên cho họ qua bớt nỗi sợ hãi, chỉ đường cho họ đi tiếp về phía sau. Khi ấy, chúng tôi mới nhận ra những nét cười trên gương mặt của những người đau khổ ấy. Đã mấy năm họ sống trong các Công xã như những trại tù. Hàng ngàn trại tù như vậy trên đất nước này giam hãm cả một dân tộc. Nay nguy hỉểm đã qua, họ trở về với cuộc sống bình thường với một sự choáng ngợp, bàng hoàng vì chưa tin vào sự thật. Đám đông người dân đi ngược chiều cứ dài mãi ra thành từng đoàn trên quốc lộ. Chúng tôi dừng lại trước một đoàn người. Một anh cán bộ của Cục chính trị biết tiếng đã giúp nói chuyện với một số người.
Trong khi các trận đánh vẫn đang diễn ra ở phía trước thì một khối lượng công việc rất lớn được triển khai, liên quan đến việc đón dân, chữa bệnh, cứu đói, giải thích chính sách của chính quyền cách mạng và đưa bà con về quê cũ. Nhiều câu chuyện rất thương tâm. Gia đình nào cũng có người chết trong mấy năm ở công xã. Nhiều người thẫn thờ đi tìm kiếm người thân. Có những người kiệt sức không kịp cứu chữa… Những câu chuyện kể về những “công xã” trá hình theo một mô hình “Chủ nghĩa xã hội trong sạch” quái gở của Pol Pot khiến người nghe không khỏi ngỡ ngàng về một thứ quái thai của lịch sử. Những chuyện ấy, trong ngày đầu gặp gỡ, chúng tôi không hiểu được hết vì không có người phiên dịch thành thạo. Bây giờ, khi nhớ lại, tôi vẫn còn thấy ghê người vì không gian ấy gắn với một thứ mùi gây gây, nằng nặc rất đáng sợ! Sau này chúng tôi mới hiểu đó là mùi của không khí bị ô nhiễm, từ các nguồn nước bị ô nhiễm do có quá nhiều người chết gây nên! Cái mùi của xác người phân huỷ, thối rửa, tích tụ vào môi trường sống lâu ngày ấy lởn vởn trong không khí, bám vào hơi thở, vào nguồn nước, theo vào tận bữa ăn, giấc ngủ trong suốt những ngày sau này của chúng tôi trên đất Campuchia!
Tại ngã ba Prếch Nhênh, tôi gặp bà cụ tên Sim. Quê bà ở phum Co Rua, không xa thị xã Xvây riêng. Cụ đang cùng anh Sau Sớt, người con trai duy nhất còn sống trở về quê cũ. Bà đã gần 70 tuổi. Chồng và những người con khác của bà đều bị lính Pol Pot giết hại. Tôi không bao giơ quên hình ảnh bà cụ gầy yếu, tóc bạc, tiều tụy trong bộ đồ đen rách nát, hai tay run rẩy ôm lấy mặt, cố ngăn cho nước mắt không chảy. Những cảnh đời như mẹ con bà cụ Sim rất nhiều.
Chúng tôi gặp anh Phôn, quê ở phum Chơtia, huyện Xvây Riêng ở ngã ba Côngpông Tơrabếch. Anh cùng nhiều người đang đứng nghe bài nói chuyện của Chủ tịch Hêng Xomrin và đọc những tài liệu về Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước. Trong khi đó, các chiến sĩ cách mạng đang phát thuốc, cho những người bị ốm đau. Không thể nghĩ rằng người đàn ông gầy yếu đó mới 27 tuổi. Anh Phôn nói với chúng tôi niềm vui mừng được Bộ đội tình nguyện Việt Nam và các chiến sĩ cách mạng Campuchia giải phóng. Anh cùng bà con cho biết, khi rút khỏi Xvây Riêng, lính Pol Pot giết rất nhiều người, buộc bà con đi theo chúng. Chúng không cho phép mọi người mang theo đồ đạc, quần áo, bắt trên đường chịu nắng mấy ngày liền. Nhưng ở nhiều nơi bà con chống lại chúng và tìm đường trở về quê cũ.
Anh Phon cũng cho chúng tôi biết, lính Pol Pot đã đẩy hàng trăm người xuống sông Mê Kông, gần bến phà Niek Lương khi tháo chạy. Chúng tôi còn gặp chị Choi người ở phum Cơđây. Chị đang bế đứa con chưa đầy tuổi, gày yếu, đói lả trên tay. Giống như bà cụ Sim, 8 người trong gia đình chị đã bị giết, chỉ còn lại hai mẹ con chị. Nhưng trên gương mặt khổ đau của chị cũng đã ánh lên niềm hy vọng về một cuộc sống mới đang đến với chị cũng và mọi người dân Campuchia.
Thị xã Xvây Riêng trước đây vốn sầm uất, xinh đẹp, trở nên tan hoang. Những con đường cỏ dại mọc um tùm, những ngôi nhà vô chủ. Dòng sông Pơram không một bóng thuyền. Nhưng cuộc sống ở đây cũng đã ấm hơi người. Người dân từ các phum ven thị xã đã trở về. Chúng tôi đã gặp đội nữ vũ trang tuyên truyền ở tỉnh Xvây Riêng đang trên đường đi công tác ngay trên đường phố ở thị xã. Những cô gái trong bộ trang phục gọn gàng, rắn rỏi, trẻ trung đem lại sức sống nơi đây. Chị đội trưởng Comsa Muôn có niềm vui của một người trở về. Xvây Riêng là thị xã quê hương nơi Comsa Muôn lớn lên và sính sống cho đến ngày lính Pol Pot kéo về. Bên khu chợ thị xã bị bỏ hoang, Comsa Muôn nói rằng cô không nhận ra dấu vết gì của cuộc sống trước kia nữa, co tin rằng sẽ đến ngày Xvây Riêng lại đông vui, sầm uất hơn xưa.
Trong các ngày mùng 4 và 5/1, các trận đánh diễn ra dọc bờ sông Mê Kông. Điều ấy dễ hiểu vì con sông lớn này là một phòng tuyến vô cùng thuận lợi với quân Pol Pot. Phà Niek Luơng không có cầu. Toàn bộ tuyến sông rộng chảy qua địa bàn mấy tỉnh trong phạm vi của Quân đoàn 4 cũng như vậy. Các phà của phía Campuchia hoặc đã bị đánh đắm hoặc rút về bờ bên kia. Đây là tuyến phòng thủ cuối cùng trước khi có thể vào Phnôm Pênh. Các lực lượng tinh nhuệ của Pol Pot cũng tập trung tại đây.
Trong tình hình đó, anh em trong tổ rất sốt ruột. Chúng tôi đã có những tư liệu tốt về đợt đầu của cánh quân phía đông này, cả về hoạt động quân sự cũng như tình hình vùng mới giải phóng; gặp được nhiều dân, thu được nhiều hình ảnh. Trong khi tình hình chưa rõ ràng, tôi và Lê Cương bàn nhau quay lại Sài Gòn cấp tốc để mang tài liệu về rồi quay lại. Chúng tôi hiểu khi thông tin về chiến dịch được tung ra, sẽ cần rất nhiều tài liệu kịp thời ở vùng mới giải phóng và hoạt động trên chiến trường. Từ đây về Sài Gòn chỉ cần hơn nửa ngày đường. Sau khi xin ý kiến của lãnh đạo Cục chính trị, sáng ngày 6/1, chúng tôi khẩn trương quay về Sài Gòn. Các anh Xuân Đức, Huy Khanh ở lại đi cùng với anh em trong Cục chính trị. Chúng tôi chuẩn bị rất khẩn trương. Quay về Sài Gòn, đi qua vùng còn tàn quân Pol Pot không phải là không nguy hiểm. Nhưng Lê Cương và tôi đều đã ở chiến trường, đều hiểu rằng thông tin đưa về sớm chừng nào hay chừng đó.
Chúng tôi đi một mạch qua Tây Ninh, rồi về Sài Gòn, chỉ nghỉ ăn trưa với mấy gói mì tôm để lấy sức. Tôi rất thương Thu từ khi bắt đầu chiến dịch đến giờ, Thu rất mệt, thường xuyên di chuyển, ăn ngủ vạ vật, nguy hiểm rình rập, lao động với sự căng thẳng và cường độ rất cao. Dọc đường, chúng tôi còn tranh thủ ghi chép, lấy thêm hình ảnh về hai tỉnh Xvây Riêng và Prây Veng giải phóng. Nhờ trời, chiếc xe Jeep tuy cũ nhưng còn tốt, chưa có trục trặc gì lớn mặc dù hệ thống nhíp đã cứng nên khá sóc. Đường bị chặt nham nhở nên mỗi khi có rãnh xẻ ngang, thấy ớn lạnh xương sống vì lại một lần tung lên, hạ xuống, ê ẩm xương cốt.
Chúng tôi về đến trụ ở cơ quan thành phố Hồ Chí Minh vào lúc cuối chiều. Anh Trần Hữu Năng rất vui khi thấy chúng tôi về. Chúng tôi khẩn trương báo cáo tình hình. Đây là nhóm phóng viên đầu tiên mang được tài liệu về cơ quan. Tôi khẩn trương ngồi viết ngay bài ghi chép dọc đường giải phóng ở miền Đông, còn Lê Cương lo tráng phim, chọn ảnh, làm tư liệu, chú thích cho kịp. Sau đó tất cả những tài liệu ấy chuyển cho anh Trần Hữu Năng để xử lý. Chiến dịch này khác thời chống Mỹ. Thông tin chúng tôi có được phải chuyển qua Bộ Tư lệnh mặt trận. Bộ phân tuyên huấn giúp việc sẽ xem xét việc xử lý và hình thức phát tin, ảnh cho phù hợp. Điều ấy dễ hiểu vì chiến dịch này chúng ta sang giúp bạn.Những vấn đề về thông tin tuyên truyền cũng phải có sự phối hợp với các hoạt động khác trong tình hình dư luận quốc tế rất nhạy cảm.
Tôi rất nhớ dáng vẻ ưu tư và giọng nói rất từ tốn của anh Trần Hữu Năng:
- Các tài liệu cứ để đấy tụi mình xử lý. Thế này là rất kịp thời và quý rồi. Các cậu nghỉ ngơi rồi mai quay lại mặt trận ngay đi! Thời gian không có nhiều đâu!
Tôi hiểu anh rất thương chúng tôi. Anh nói mới có ít ngày mà chúng tôi trông hốc hác quá. Nhưng trách nhiệm trên vai anh rất nặng nề. Tôi báo cáo với anh Trần Hữu Năng là chúng tôi ngay sáng mai sẽ quay lại ngay quân đoàn. Chỉ mong Thu lái xe có một đêm ngủ giường đàng hoàng cho lại sức vì những ngày tới còn rất vất vả, ác liệt.