Khi đến gần Niek Lương, tôi giật mình vì đường vắng. Có cảm giác mặt trận đã chuyển lên phía trước. Tình hình diễn biến quá nhanh. Các điểm trú quân của bộ đội mới sáng hôm qua còn chen chúc, giờ vắng hẳn. Tôi giục Thu phóng thật nhanh. Đường vẫn xấu nên đầu giờ chiều mới tới phà Niek Lương. Nhiều đơn vị đang chen nhau chờ qua phà. Tôi hỏi thăm thì được biết, phía Pol Pot bỏ tuyến phòng ngự từ đêm hôm qua. Nhờ có phà do công binh kéo từ phía Nam lên kịp, nhiều đơn vị đã qua sông từ cuối buổi sáng và tiến thẳng vào Phnôm Pênh rồi. Chúng tôi như ngồi trên chảo lửa. Bên kia sông, súng vẫn nổ nhưng có phần thưa thớt. Tôi tìm người phụ trách phà để xin đi trước sang sông do nhiệm vụ đặc biệt.
Trong khi đó, Cương và Thu đã đi xin được của bộ đội một xoong cơm và một xoong canh. Được lệnh qua phà, đám lính cho nhà báo cả xoong, nồi rồi đi luôn. Chúng tôi nuốt vội vàng mấy miếng cơm rồi cũng đưa được chiếc Jeep xuống phà. Khi phà đang qua sông, chúng tôi cố gắng ăn cho no. Không còn đường nào khác. Cả đơn vị đã chuyển lên phía trước. Chúng tôi không thể đi tìm Cục chính trị theo đội hình mà sẽ phải tự đi vào Phnom Pênh. Sẽ có những rủi ro, nhưng đấy là cách duy nhất để có mặt ở thành phố sớm nhất. Cương và Thu nhất trí ngay. Tôi lo đến thót tim khi chiếc Jeep nhỏ bé mãi mới lên được phà, gầm xe quá thấp mà phà dã chiến lại không có đường lên xuống tử tế. Nhưng rồi mọi việc cũng ổn. Lên đến bờ, chúng tôi cứ theo đường 1 mà chạy, kèm trong đội hình của những chiếc GMC to tướng. Chiếc Jeep lúc ấy thật nhỏ bé và trống trải khi hai bên đường vẫn còn những loạt đạn bắn ra. Tôi bảo Thu:
- Kiểu gì cũng phải bám theo đội hình quân ta. Tụt lại lúc này là chết đấy!
Thu gặt đầu và cố gắng bám theo những chiếc xe lớn. Anh em bộ đội thấy nhà báo trên xe theo sát đôi hình cũng giơ mũ lên vẫy và cổ vũ. Đường vào thành phố hoàn toàn mới. Lính Pol Pot còn ở xung quanh. Chẳng ai chờ nhau mãi được. Những chiếc xe lớn thả hết ga để đi cho nhanh khiến chúng tôi rất vất vả. Khoảng cách với những xe trước cứ xa dần. Tôi ngồi trước, nên chỉ còn cách động viên Thu cứ vững tay lái. Chẳng có vết xe để lăn theo mà tránh mìn và cũng chẳng có thời gian cho điều ấy. Vấn đề là phải đi thật nhanh vì trời đã ngả chiều. Phải vào kịp thành phố trước khi trời tối.
Mặt đường đầy những ổ pháo mới bắn, những đoạn đường bị băm mỗi khi xe qua lại nảy tung lên. Xác lính Pol Pot hoặc thường dân còn trên đường chết từ mấy ngày trước. Có những cái xác đã trương phềnh. Không gian sặc mùi gây gây, tanh nồng, rất nhiều lần tôi đã muốn nôn oẹ khi nhìn thấy những quang cảnh ấy. Nhưng chần chừ lúc này đồng nghĩa với cái chết. Chúng tôi phải chạy nhanh, càng nhanh càng an toàn. Có lúc, tôi chợt cảm thấy như có họng súng đang chĩa vào mình sắp nhả đạn. Tôi nghĩ đến hình ảnh của đứa con trai hai tuổi, gương mặt ngây thơ mỗi chiều chờ bố đón ở nhà trẻ. Con tôi sẽ ra sao nếu một viên đạn đang bay tới và lần này tôi không trở về… Bất giác, tôi đưa tay lên che ngực như một phản xạ tự nhiên, dù biết rằng điều ấy chẳng có ý nghĩa gì vào lúc này!
12 giờ 30 phút ngày 7/1/1979, từ phía Đông, chiếc xe tăng đầu tiên của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã tiến qua cầu Mônivông, vào giải phóng thành phố. Các đơn vị đã chốt giữ những địa bàn quan trọng. Chính quyền Pol Pot đã rút chạy về phía Tây trước khi quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tiến vào. Không kịp liên lạc với Cục Chính trị quân đoàn, chiều ấy, chúng tôi đến Bộ tư lệnh sư đoàn 341 để nghỉ lại. Đây cũng là một trong những đơn vị xung kích tiến vào thành phố sớm nhất. Các anh trong Bộ tư lệnh, đặc biệt là Sư trưởng Vũ Cao, rất nhiệt tình giúp đỡ tổ phóng viên. Khi ấy, chúng tôi được mang danh xưng chung là phóng viên SPK (Saporamean Campuchia) với đặc trưng là chiếc mũ lưỡi trai vải mềm mà không hiểu từ lúc nào, nhân dân và cán bộ, chiến sĩ đều gọi là mũ SPK.
Nhờ có Sư trưởng Vũ Cao mà chúng tôi ngay trong tối hôm đó nắm được toàn bộ những diễn biến chính liên quan đến chiến dịch giải phóng Phnôm Pênh, những tư liệu rất cần mà không dễ có được vào lúc đó. Sư trưởng Vũ Cao là người Bắc, có gia đình ở Hà Nội. Ông hiểu và quý mến anh em Thông tấn xã. Con rể của ông là nhà báo Đình An, một người bạn của tôi, khi đó là phóng viên Báo Ảnh Việt Nam thuộc Thông tấn xã Việt Nam. Cuộc gặp với ông khiến tôi nhớ lại cuộc gặp với Chính uỷ sư đoàn 304 Trần Bình trong chiến dịch mùa xuân 1975. Cũng là một sư may mắn, có phần tình cờ mà chúng tôi có được trong những thời điểm quan trọng nhất của nghề nghiệp. Với sự quan tâm đặc biệt, Sư trưởng Vũ Cao thể hiện sự quan tâm của ông:
- Các anh cứ ở lại đây qua đêm. Đi ra ngoài bây giờ rất nguy hiểm vì tàn quân Pol Pot vẫn còn. Tối nay tôi sẽ cho các anh những thông tin cơ bản về tình hình, sáng mai sẽ có lực lượng đưa các anh đến những địa bàn quan trọng nhất của Phnôm Pênh… Tôi biết công việc của các anh lúc này rất quan trọng và cần phải thật nhanh!
Ông rất am hiểu công việc của anh em làm báo nên chúng tôi chẳng có gì đòi hỏi hơn. Tôi chỉ nhờ ông báo lên Cục chính trị quân đoàn cho anh Ba Cúc biết là chúng tôi đã vào Phnôm Pênh, đang ở với sư 341 và sẽ chủ động tác nghiệp sao cho có hiệu quả nhất.
Đêm ấy, tôi nằm không sao ngủ được dù người mệt rã rời sao bao ngày vắt sức và lăn lộn cùng Lê Cương và Thu với bao gian khó, hiểm nguy. Nỗi lo lắng cho công việc ngày mai đè nặng. Phải làm sao có được tài liệu và quay về Sài Gòn nhanh nhất… Một cảm giác đặc biệt đến với tôi. Thế là tôi cùng Lê Cương và Thu vào Phnôm Pênh ngày giải phóng, một sự kiện trong đời làm báo không dễ gì có được. Tôi nghĩ đến vợ con, gia đình và như chính ủy Trần Bình năm nào, mong sao cho vợ tôi biết tôi vẫn an toàn và đang có mặt ở đây… Nhưng mong ước ấy vào lúc đó là không thể. Sau này, vợ tôi kể lại, vào buổi tối hôm ấy, khi nghe Đài, biết tin Phnôm Pênh giải phóng, vợ tôi đang ôm con trai bỗng nhiên oà khóc làm con cũng khóc theo... Khi ấy vợ tôi vừa mừng, vừa lo lắng, không biết số phận của tôi ra sao!
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm. Sư trưởng Vũ Cao cho một nhóm trinh sát đi cùng, đưa chúng tôi đến các nơi trong thành phố. Ấn tượng ban đầu về Phnôm Pênh rất đặc biệt. Những nét cong quyến rũ của Hoàng cung, Đài Độc Lập, đồi Bà Pênh, những ngôi chùa cổ… làm thành phố có vẻ đẹp riêng. Nhưng điều ấy chẳng còn là gì so với cảnh tượng hoang vắng đến rợn người và sự kỳ quái không thể hiểu nổi của chế độ Pol Pot trên mảnh đất này.
Tôi không tin vào mắt mình khi thấy một Phnom Penh hoang tàn và trống vắng, không có sự sống. Các ngôi nhà đều kín cửa và hoang tàn vì không có người ở. Những nẻo đường vắng tanh… Một sự hoang vắng đến bàng hoàng tâm can mỗi người lính. Một thành phố chết theo đúng nghĩa đen của nó. Cỏ mọc đầy các vườn hoa. Không một bóng người, thậm chí cả súc vật cũng không có. Chỉ những bụi hoa khơ-đa mọc chờm ra các bờ tường hoang cứ đỏ lên một màu đỏ nhờ nhờ như máu loãng!
Đi vào các phố, sự hủy diệt càng phô bày hết những chi tiết ghê tởm của nó. Nhà ngân hàng quốc gia bị phá sập. Ở chợ Mới, những sạp hàng bỏ không từ lâu, mốc meo, ẩm thấp. Những trường học cũng vậy. Trường học duy nhất còn được sử dụng trong thành phố là trường Tung Sleng, nhưng là để dùng làm nhà tù. Khi người ta đến đây vẫn còn nguyên những dụng cụ tra tấn của thời trung cổ và những xác người vừa bị giết. Các toà nhà lớn trên đường Mônivông, Nôrôđôm… được biến thành các kho chứa những tư liệu sinh hoạt cần thiết cho con người đã bị coi là đồ vô dụng.
Ở một căn nhà nhỏ gần ngã tư đường Nôrôđôm và đường Mao Trạch Đông, tấm lịch trên tường dừng lại ngày 17/4/1975. Nhiều gia đình khác, những tấm lịch cũng dừng lại ở cái ngày thảm thương đó. Trên sàn nhà, một mâm cơm lật úp, bát đĩa vỡ chìm trong bụi bẩn. Ở gần sân vận động Olympic, trong một cửa hiệu, các chiến sĩ tìm thấy một tập ảnh có lẽ của một phóng viên nước ngoài nào đó, chụp quang cảnh ngày đầu dân thành phố bị lùa đi dưới mũi súng của bọn lính áo đen. Thật khó mà cầm lòng khi nhìn những đoàn người lôi thôi, lếch thếch, những bà già, phụ nữ, em nhỏ, mặt hoảng loạn, bị dồn ra các cửa ô. Lại có cả những tấm ảnh nhân dân ùa ra chào đón những tên lính áo đen khi chúng mới vào thành phố dưới danh nghĩa những người giải phóng. Một sự lầm lẫn đáng thương và đau xót biết chừng nào! Nhà tù Tung Sleng còn nguyên khu chứa sọ người và dụng cụ tra tấn. Có khu nhà hoang còn nguyên cả những mâm cơm của hơn 3 năm trước, ngày người dân bị lính Khmer Đỏ buộc phải rời khỏi thành phố.
Các chiễn sĩ đưa cho tôi xem một tập ảnh tới hàng trăm chiếc chụp cảnh người dân rời Phnôm Pênh vào cáì ngày hãi hùng đó. Nhiều người bồng bế con nhỏ, dắt tay các cụ già… ra đi dưới họng súng của những kẻ áo đen nhân danh “giải phóng". Những gương mặt khổ đau tột độ vì hoang mang, vì sợ hãi vì không hiểu điều gì đã xảy ra! Tôi đoán rằng, đây là ảnh của một phóng viên nước ngoài chụp và không kịp mang đi hoặc bị tịch thu vứt lại! Cũng có thể đó là một người Campuchia nào đó chụp và làm ra ảnh nhưng đành bỏ lại. Cất tập ảnh đó vào ba lô, tôi biết mình đang có trong tay một tư liệu quý và tự hỏi, không biết số phận của tác giả bây giờ ra sao? Rất có thể anh hoặc chị ta đã ngã xuống trên những “cánh đồng chết” ở khắp đất nước này!
Một xã hội hoàn toàn thù địch với nền văn minh nhân loại. Người ta có thể thấy điều đó khi những máy thu hình, đồ dùng đắt tiền và cả rượu ngon chất đống trong các nhà kho. Lính Khmer Đỏ dồn những thứ đó thành từng đống. Tất cả đã bị đập phá hoặc mục nát. Mấy anh lính chỉ cho chúng tôi xem một khu nhà chất đầy giàu dép nhưng tất cả đều chỉ của một phía, hoặc chân trái, hoặc chân phải. Không thể kiếm được một đôi hoàn chỉnh.
Nhóm trinh sát đã giúp chúng tôi tìm được một đơn vị thuộc lực lượng Mặt trận ĐKDTCN với trang phục nghiêm chỉnh, đặc biệt là những chiếc mũ vải mềm rất đặc trưng để chụp ảnh. Vào thời điểm đó, đây là vấn đề rất nhạy cảm. Người chỉ huy đơn vị rất nhiệt tình cho cả xe đi theo chúng tôi đến các địa điểm cần thiết để chụp ảnh vì thời gian không có nhiều. Chúng tôi đi ra sân bay Pochentông. Chỉ còn vài chiếc máy bay từ thời trước hư hỏng nằm ở góc đường băng. Ở đây chúng tôi gặp nhà văn Nguyễn Chí Trung. Anh nói cho đi cùng vì cũng muốn có mặt ở các nơi trong thành phố rồi cùng về Sài Gòn! Nhà văn Nguyễn Chí Trung đã quen thuộc với lứa tuổi chúng tôi từ thời cắp sách đi học, khi “ Bức thư làng Mực" của ông được in trong sách giáo khoa. Ngoài đời, ông to béo, thấp lùn nhưng nhanh nhẹn, tính tình thoải mái, dân dã. Có lúc, tôi bực mình vì anh em dẫn đường đi quá chậm vì còn phải lo việc này việc khác, thì anh đã có cách giải quyết rất nhanh và thu xếp mọi việc một cách khéo léo.
Chúng tôi về Hoàng cung. Những người lính Campuchia vừa tiếp quản dẫn chúng tôi nhanh qua các khu chính rồi vui vẻ giúp Lê Cương tạo hình những cảnh cần thiết. Tôi nhớ khi nhìn vào trong sân Hoàng Cung, một chiếc cốc bạc nằm lăn lóc. Tôi đã chỉ cho người lính Campuchia đi cùng. Anh nâng niu chiếc cốc đó rồi nói, sẽ đưa lại cho chỉ huy đơn vị. Khi rút chạy, những đồ đạc quý đã bị bọn Pol Pot vét sạch. Chiếc cốc đó chắc là bị rơi trong lúc vội vã. Có một chi tiết tôi nhớ mãi về nhà văn Nguyễn Chí Trung. Khi chúng tôi đi thăm các nơi trong Hoàng cung, ra cả phía ngoài đường để chụp ảnh thì anh ung dung ngồỉ ở một chiếc ghế đá trong vườn ngủ một giấc ngon lành! Nhà văn là một người vô tư, do quá mệt và thiếp đi. Trong khi đó, các chiến sĩ đi cùng luôn nhắc chúng tôi phải bám theo họ vì không loại trừ tàn quân Pol Pot còn ẩn nấp đâu đó.
Chúng tôi nhanh chóng đến các địa điểm chính trong thành phố, ra Đài Độc Lập, lên cầu Shihanouk, ga xe lửa, chợ trung tâm… Khi chạy dọc theo đại lộ Mônivông, tôi bất ngờ khi gặp một toán các chiến sĩ của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước đang xúm quanh một chiếc đàn dương cầm cũ nát. Chiếc đàn đó chắc là bỏ đã lâu, nhưng vẫn còn chơi được. Chúng tôi xuống và hỏi chuyện mọi người. Người đại đội trưởng tên là Cay On, vốn là người Phnôm Pênh. Anh cùng gia đình bị đưa đi khỏi thành phố vào ngày 17/4/1975, rồi anh bị lạc gia đình, sống ở một trang trại miền Đông. Ở đó, anh tham gia lực lượng nổi dậy. Cay On là một trong những người vui nhất khi trở lại Pnôm Pênh ngày giải phóng. Nhưng anh vẫn còn nhiều băn khoăn khắc khoải vì chưa biết cha mẹ mình và các em sống chết ra sao. Cay On giới thiệu cho chúng tôi về những người bạn của mình. Họ là những thanh niên nam nữ không chịu đựng được chế độ Pol Pot, bỏ chạy vào rừng hoặc tìm đường sang Việt Nam lánh nạn. Họ gia nhập lực lượg vũ trang cách mạng và cùng các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trở về giải phóng quê hương. Gương mặt trẻ trung, tràn đầy sức sống của những chiến sĩ trẻ ấy gây ấn tượng mạnh về một lớp người mới sẽ làm chủ đất nước này sau khi chế độ Pol Pot bị lật đổ.
Trong lúc trò chuyện, rất bất ngờ, một chiến sĩ ngồi xuống bên đàn, chơi bản dân ca Campuchia có tên gọi Xari Cakeo và mọi người cùng vỗ tay hát theo. Đấy là một hình ảnh rất đặc biệt in đậm trong trí nhớ của tôi trong ngày Phnôm Pênh giải phóng. Đây là một chi tiết đắt trong bài về Phnôm Pênh trong ngày đầu giải phóng.
Có được các tư liệu chính, chúng tôi cùng nhà văn Nguyễn Chí Trung chia tay các chiến sĩ đi cùng, chạy dọc theo đại lộ Mônivông và qua cầu, trở lại Việt Nam. Lúc ấy cũng đã trưa rồi. Tôi vẫn nhớ anh Trung với chiếc ống nhòm dài ngoẵng trên tay, trông gíống như một chỉ huy hơn là một nhà văn. Bốn anh em cứ thẳng đường về hướng Kon Đan, đến bến phà Niek Lương. Bằng mọi giá phải có mặt ở Sài Gòn càng sớm càng tốt. Đây sẽ là những tư liệu đầu tiên về giải phóng Phnôm Pênh mà ở nhà đang trông đợi!
Chúng tôi không thể đi nhanh được. Đường quá xấu, lại chờ đợi ở Niec Lương khá lâu. Nhưng lý do chính là xe bị hỏng. Ắc-quy hết sạch điện do trong quá trình chạy trên đường sóc quá, dây nạp điện bị đứt tung ra mà không biết. Không thể “đề” cho nổ mỗi lần chết máy, mấy anh em chỉ còn cách nghiến răng, dốc hết sức để đẩy xe .Có lúc nhờ được bộ đội, có lúc không, mà sức của chúng tôi đã kiệt rồi. Mấy gói mì tôm hòa với nước lõng bõng để húp không thấm vào đâu. Cũng chẳng có thời gian để rẽ vào các đơn vị hoặc nhà dân kiếm cơm nữa. Dù vậy, trên đường,chỗ nào có thể chụp ảnh đựơc, chúng toi đều cố dừng lại. Đây là những tư liệu quý. Tôi nhớ Lê Cương say sưa đặc tả một nhóm các nữ chiến sĩ Khơ Me chúng toi gặp ở Xvây Riêng. Cũng tại đây, Lê Cương còn có một bức ảnh đặc tả một cô gái Campuchia trên đường về quê cũ. Cô gái chừng 16-17 tuổi, gương mặt đẹp một cách kín đáo dưới vành khăn, đôi mắt u hoài và một nụ cười bí ẩn. Đấy chính là tác phẩm “Nụ cười Bayon” rất nổi tiếng sau này của anh... Những hình ảnh đó rất sống động và có sưc thuyết phục.
Đường bị xẻ dọc ngang, một lúc xe lại chết máy. Mỗi lần nhìn thấy đoạn hào xẻ trước mặt là ớn tận xương sống. Khi chúng tôi qua Mộc Bài, vào đất Tây Ninh thì trời đã xâm xẩm. Không có ắc-quy thì cũng chẳng thể có đèn, xe đành chạy không trong bóng tối. Có nhiều phương tiện khác đang lưu hành trên đường, rồi cả người nữa, thành ra rất nguy hiểm. Chẳng có cách nào hơn, chúng tôi đành phải dùng đèn pin. Lê Cương và tôi ngồi hai bên thành xe, cứ hướng đền ra phía trước mà khua báo hiệu cho các xe khác và người đi trên đường. Cũng phải dùng rất tiết kiệm vì sợ hết pin, cứ chỗ nào đông người thi mới bật đèn. Có lúc chúng tôi còn la lớn “Xe đây! Xe đây!" làm hiệu. Đoạn nào vắng thì chạy mò, cứ hướng Sài Gòn mà lao tới.
Khá muộn, chúng tôi mới về tới cơ quan. Anh Trần Hữu Năng đón. Ngay lập tức, phim được mang đi tráng và làm ảnh ngay. Tôi tranh thủ ghi lại những điều đã chúng kiến ở Phnôm Pênh những ngày đầu giải phóng. Anh Năng xem xong, biên tập nhanh lại rồi tất cả tư liệu ấy được chuyển lên Bộ chỉ huy mặt trận. Có lẽ đây là một đặc thù của hoạt động nghiệp vụ trong thời gian này. Chúng tôi không thể tự phát ngay tin, ảnh. Bộ phận giúp việc cho Bộ chỉ huy mặt trận sẽ xem xét và chọn lọc, cân nhắc lại mọi điều. Khuya hôm đó, những tấm ảnh đầu tiên của tổ mới được phát ra Hà Nội.
Sáng ngày 9/1, tất cả các báo ở trong nước và nhiều hãng thông tấn báo chí nước ngoài đều đồng loạt đăng các ảnh giải phóng Phnôm Pênh, Xây Riêng, Prây Veng và nhiều hình ảnh khác về Campuchia dưới danh nghĩa SPK (thực ra, chủ yếu là các ảnh của Lê Cương). Chúng tôi rất vui vì điều này. Ngày hôm sau chúng tôi mới nhận lại được bài viết để chuyển ra Tổng xã, phản ánh không khí thủ đô và đât nước Campuchia giải phóng!
Lê Cương, Thu và tôi rất vui. Chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần vào những thông tin, hình ảnh đầu tiên về một chiến dịch lịch sử. Các báo ở Việt Nam và nhiều cơ quan Thông tấn bên ngoài đã sử dụng những tư liệu, hình ảnh đó. Mấy ngày sau, từ các mũi khác, tin và ảnh của các anh em cũng được chuyển về, phản ánh khá bao quát tình hình trên các hướng chính của chiến trường. Thông tấn xã Việt Nam một lần nữa làm được nhiệm vụ của hãng Thông tấn quốc gia trong những thời điểm quan trọng! Sau này Lê Cương có nói với tôi, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Phượng khi xem lại những tư liệu, hình ảnh của nhóm chúng tôi, đặc biệt là những ảnh các chiến sĩ Campuchia có mũ vải mềm chứ không phải là mũ cối, đã nói theo cách riêng của ông: "Các cậu đã cứu cho TTX bàn thua trông thấy!".