Nhân Ngày Khí tượng Thủy văn Thế giới 23/3:

Những người làm nghề dự báo sự 'đỏng đảnh' của trời đất

Diễn biến thời tiết hôm nay, ngày mai, trong tuần và thậm chí cả tháng ra sao là một trong những nhu cầu thường nhật của từng người trong xã hội hiện nay.

Vậy, ai có trách nhiệm "giải quyết" nhu cầu đó? họ là những người làm nghề khí tượng thủy văn - chuyên dự báo về sự "đỏng đảnh" khó lường của trời đất. Vấn đề là không phải ai cũng thấu hiểu được công sức, trí tuệ, sự hy sinh thầm lặng của họ.


Đi “bên cạnh” cuộc đời


Đây là “phát hiện” của anh bạn đồng nghiệp khi đến thăm Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên đóng tại thành phố Thái Nguyên. Mà theo như anh giãi bày thì quê anh chính là vùng “Thái mãi vẫn còn…Nguyên” này. Không biết bao nhiêu lần anh đi qua trụ sở của Đài nhưng không rõ cơ quan này làm cụ thể những gì? Nhà cửa lại quá cũ kỹ và người vào ra chỉ thấy loáng thoáng.

Nhân viên Phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia) tổng hợp số liệu, theo dõi, theo dõi diễn biến bão. Ảnh: TTXVN

Thanh minh hộ cho anh bạn của tôi, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên Trịnh Quốc Hưng giải thích: "Trụ sở Đài xây dựng từ những năm 1980 và chưa có tu bổ đáng kể nên xuống cấp là dĩ nhiên. Biên chế cả Đài vẻn vẹn có 5 người. Do đặc thù công việc nên cán bộ và quan trắc viên ở đây ít có điều kiện giao lưu với bên ngoài. Hơn nữa, để số liệu quan trắc về diễn biến thời tiết chuẩn xác, vị trí đặt trạm khí tượng phải tương đối biệt lập và cao hơn địa bàn xung quanh. Nên lâu dần, cán bộ nhân viên của trạm sống như thu mình lại. Ngoài công việc "tứ thời bát tiết" đo gió, đó mưa, đo nắng...thời gian còn lại họ tranh thủ "bới đất lật cỏ" trồng rau, chăn nuôi tự cấp tự túc và chăm lo cho cái gia đình bé nhỏ của mình mà thôi".


Chẳng riêng gì nhà cửa cũ kỹ, xuống cấp mà ngay cả những trang thiết bị thiết yếu của Đài như các máy vi tính cấu hình cũng thấp, chưa có bản quyền, có máy tính chỉ cài được WIN XP không chuyển được sang Win 7 do cấu hình không đủ, dẫn đến khó khăn trong việc cài đặt các phần mềm chuyên dụng, khai thác các sản phẩm dự báo trong nước và thế giới… Đặc biệt, nhân lực làm công tác dự báo tại Đài còn quá ít, không đảm bảo tính kế thừa giữa các thế hệ, hiện chỉ có 5 người chia thành 2 chuyên môn, nên khó có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ do cấp trên giao, thậm chí khá mệt mỏi do phải làm thêm giờ nhiều trong điều kiện làm việc chưa được cải thiện như hiện nay.


Để theo dõi sự biến động của thời tiết và kịp thời ra các bản tin theo Quyết định số 46/2014 Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai thì cứ mỗi ngày có 3 ca trực. Mỗi ca trực cần có ít nhất 1 dự báo viên khí tượng và 1 dự báo viên thủy văn, chưa tính đến các ngày nghỉ hàng tuần, như vậy mỗi ngày cần có ít nhất 6 người trực mà thông tin dự báo vẫn mang tính cá nhân. Hơn nữa, để thực hiện các Thông tư 40, 41 Quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo về khí tượng thủy văn thì các bản tin trước khi phát hành đều phải qua khâu thảo luận, mà mỗi thời điểm chỉ bố trí được 1 người cho 1 nghiệp vụ, nên không có người thứ hai cùng chuyên môn để thảo luận. “Thời gian dành cho công việc đã quá nhiều, còn đâu mà giao lưu, học hỏi bên ngoài xã hội nữa!”- Giám đốc Trịnh Quốc Hưng cười buồn nói.


Nhưng so với Trạm Thủy văn Đầu Đẳng, thì Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên vẫn quá “lý tưởng” đối với những người làm nghề này. Bởi Trạm nằm heo hút trên thượng nguồn sông Năng, tiếp giáp giữa hai tỉnh Bắc Kạn và Tuyên Quang với 5 chàng trai “phơi phới sức xuân” bám trụ. Nói về sự cô quạnh nơi đây, Trạm trưởng Nguyễn Huy Hoàng thừa nhận: “Khi vui ngắm núi mà vui; khi buồn ngắm nước sông trôi đỡ buồn”. Dù máy phát điện chỉ được sử dụng để truyền số liệu, nhưng bù lại là trụ sở của Trạm khá khang trang, việc chăn nuôi tăng gia chẳng khác gì một trang trại thu nhỏ. Quan trắc viên Vi Đức Mạnh sinh năm 1987 dân tộc Tày chia sẻ: “Gia đình cháu cách Trạm 100km, mỗi tháng được về nhà 1 lần. Cháu ở lâu rồi cũng quen. Sợ nhất là ốm đau vì ra thị trấn huyện chỉ có đường sông thôi!”.


Còn “Bản doanh” của Trạm khí tượng Chợ Rã (Bắc Kạn) là căn nhà cũ mốc cấp 4 nằm khuất nẻo trên một ngọn đồi, nơi chị Nguyễn Thị Tính hành nghề khí tượng tròn 25 năm. Giờ đây chị rất hạnh phúc vì có cô con gái xinh xẻo Ma Thị Minh Hảo nối cái nghiệp “bắt mạch ông Trời’ của mình. Ngược lại với sự rụt rè của mẹ, Hảo tự tin và rất cởi mở khi nói về nghề của mình vì vốn dĩ đã có 4 năm học ở Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Hảo khoe có thể phân biệt được 10 loại mây, 9 tính mây và 14 dạng mây. Vì có hiểu rõ được mây thì mới có cơ sở quan trọng để dự báo tình hình thời tiết, mô phỏng các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai và dự đoán nguồn tài nguyên nước. “Hà Nội đông vui thật nhưng Chợ Rã là quê của cháu, gia đình cháu ở đây và cháu được làm đúng công việc của mình nên không buồn đâu!”-Hảo khẳng định.


Âm thầm vượt lên gian khó


Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia Lê Thanh Hải-nguyên là cựu sinh viên Khoa Địa Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) tâm sự: “Người xưa có câu “sinh nghề tử nghiệp”. Nghĩa là nghề nào cũng có sự gian nan vất vả, nhưng cái nghề dự báo sự “đỏng đảnh” của trời đất thì có lẽ là khắc nghiệt hàng đầu”.


Theo ông Hải lý giải thì những người chấp nhận làm nghề này (nhất là ở các trạm khí tượng, trạm thủy văn), là ít được giao hòa với xã hội trên diện rộng dẫn đến “chậm vợ, chậm chồng và muộn con”, trừ khi trạm gặp may có đủ cả nam lẫn nữ. Mặt khác sức ép về công việc rất lớn vì đo mây, đo nắng, đo mưa, đo nước, đo gió…theo định kỳ và phải truyền số liệu đảm bảo thời gian quy định bằng mọi giá. Đặc biệt là khi thời tiết, thủy văn biến đổi bất thường. Cũng do công việc đặc thù nên ít được cộng đồng thấu hiểu và cái sự chê nhiều hơn khen, nhưng cho dù con người có am tường đến đâu và máy móc hiện đại thì việc dự báo cũng vẫn có sai số nhất định nên chỉ là…"Gia Cát Dự”. Đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một gia tăng hiện nay”.


Chị Nguyễn Thanh Bình, dự báo viên của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia xúc động kể lại: Năm 2012, cơn bão số 10 tràn qua đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Để dự báo được tốc độ và hướng đi của bão, Trạm khí tượng Thủy văn ở trên đảo phải cập nhật diễn biến của bão liên tục và phải nửa giờ một lần truyền số liệu về cho Trung tâm. Nhưng máy điện thoại bàn cũng như mạng điện tử của Trạm bị gián đoạn, nên bắt buộc dự báo viên phải trèo lên cây cao mới có mạng di động để truyền về. Sau 4 giờ liên tục như vậy các điện báo viên đều kiệt sức và không thể thực hiện truyền số liệu được nữa.


Riêng Trạm quan trắc đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đặt trên quả đồi cao 60m so với mực nước biển. Do trơ trụi giữa biển khơi hứng gió mưa quanh năm nên mọi cây cối trên đảo đều mọc vặn vẹo một cách kỳ quái. Những lần bão tố xảy ra những người làm việc ở đây dù là thanh niên trai tráng đều lăn ra ốm, do họ liên tục phải trèo lên đồi đo đạc số lieu rồi lại bò xuống truyền về Trung tâm nên không còn quần áo khô để thay nữa.


Gian khổ của những người hành nghề khí tượng thủy văn không thể đo đếm được, song những dự báo về thời tiết thiếu “chuẩn” xác thì ai cũng biết. Nhưng nó lại phụ thuộc vào toàn bộ hệ thống đặt từ biển đến đồng bằng và rừng núi trong khi còn quá mỏng so với yêu cầu. Phụ thuộc vào kinh nghiệm, trình độ của từng quan trắc viên, dự báo viên nhưng đang rất thiếu về số lượng cũng như về chất và phụ thuộc cả vào máy móc, công nghệ vẫn chưa ngang tầm với khu vực.


Có những chuyện trong ngành "cười ra nước mắt". Chẳng hạn như mọi cơn bão đổ bộ vào đất liền nước ta đều xuất phát từ Biển Đông, trong khi Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia chỉ đặt được các trạm khí tượng gần bờ. Vì thế năm 1997, Chính phủ Na Uy viện trợ cho Việt Nam 2 trạm phao khí tượng trên biển đặt xa bờ rất hiện đại, để có thể dự báo sớm và tăng độ chính xác về cường độ cũng như hướng di chuyển của bão. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn 2 trạm này đã bị vô hiệu hóa. Nguyên nhân chỉ vì ông ngư dân nào đấy đã chặt đứt xích neo trạm để mang bán sắt vụn, dẫn đến cả 2 trạm trôi tự do trên biển va vào đá hư hỏng nặng.


Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia Lê Thanh Hải khẳng định: Những bản tin dự báo khí tượng thủy văn mà ngành đưa ra hàng ngày, thậm chí hàng giờ là minh chứng sống động nhất, chứng tỏ đội ngũ cán bộ, viên chức trong ngành luôn biết cách vượt lên mọi trở ngại gian khó trong cuộc sống và công tác, thực hiện các hoạt động dự báo, thông tin khí tượng thủy văn, quan trắc, giám sát biến đổi khí hậu phục vụ phòng, chống thiên tai ngày một cách chính xác và hiệu quả hơn, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.


Văn Hào (TTXVN/Tin Tức)
Ngành khí tượng thủy văn còn lắm nỗi nhọc nhằn
Ngành khí tượng thủy văn còn lắm nỗi nhọc nhằn

Cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu dự báo, số lượng cán bộ mỏng, đời sống còn nhiều khó khăn, có những nơi không điện, nước sạch… là những thách thức không nhỏ của ngành khí tượng thủy văn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN