Ngành khí tượng thủy văn còn lắm nỗi nhọc nhằn

Cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu dự báo, số lượng cán bộ mỏng, đời sống còn nhiều khó khăn, có những nơi không điện, nước sạch… là những thách thức không nhỏ của ngành khí tượng thủy văn.

Làm việc không có ngày nghỉ

Nằm giữa thành phố Thái Nguyên (Thái Nguyên), căn nhà cũ kỹ, mang màu xám với lối kiến trúc từ những năm 1980 dường như nổi bật giữa những căn nhà cao tầng mới xây dựng. Đó là Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên, nơi làm việc của 5 dự báo viên. Hiện nay với 5 người chia thành 2 chuyên môn vừa khí tượng, vừa thủy văn, tuy nhiên mỗi ngày có 3 ca trực, mỗi ca trực cần có ít nhất một dự báo viên khí tượng và một dự báo viên thủy văn. 

"Như vậy, mỗi ngày cần có ít nhất 6 người trực, các nhân viên không có ngày nghỉ cuối tuần hay nghỉ lễ. Thế nhưng thông tin vẫn mang tính cá nhân vì không có người để thảo luận theo đúng Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai là các bản tin trước khi phát hành đều phải qua khâu thảo luận“, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên Trần Quốc Hưng cho biết.

Cơ sở vật chất tại Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên khá khó khăn.

Tương tự, trạm thủy văn Đầu Đẳng (Ba Bể, Bắc Kạn) là trạm đầu nguồn đóng vai trò quan trọng, giám sát lượng nước hồ Ba Bể, phục vụ giám sát lượng nước thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) và phòng chống lũ hạ nguồn sông Lô thế nhưng nhân lực cũng chỉ có 5 người. Với ngày thường thì 4 ca đo đạc, một người truyền số liệu về trung tâm. Thế nhưng đến những ngày bão, cứ 30 phút đến một tiếng phải đo số liệu một lần thì tất cả nhân viên đều phải làm hết sức, đảm bảo 24 ca/ngày. “Nhân lực mỏng nên mỗi khi lũ về, tất cả nhân viên của trạm đều phải căng sức để làm rất vất vả, thậm chí anh em không có thời gian ăn, ngủ”, Trạm trưởng Trạm Thủy văn Đầu Đẳng Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ.

Hay trạm khí tượng Chợ Rã (Bắc Kạn) còn khó khăn hơn nữa, khi trạm chỉ có 2 người, đều là nữ nhưng phải đảm bảo đủ các ca đo khí tượng, dù ngày thường hay mưa bão.

Thế nên, những nhân viên khí tượng thường đùa nhau, đây là nghề không có ngày nghỉ. Kể cả ngày lễ, Tết, khi mọi người quây quần bên gia đình, đi chúc Tết thì những quan trắc viên này vẫn phải leo đồi lên đài khí tượng hay ra sông để đo mực nước, phục vụ công tác dự báo. Vất vả là vậy, thế nhưng những người đứng đầu các trạm cũng... đau đầu vì sợ sai luật. “Bởi nếu theo quy định của Luật lao động thì mỗi năm người lao động không được làm thêm quá 200 giờ. Tuy nhiên, quy định này không thể thực hiện được, nhất là đối với những người làm công tác khí tượng thủy văn ở vùng sâu, vùng xa lại thưa người”, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên Trần Quốc Hưng băn khoăn.

Cơ sở vật chất thiếu thốn

Phó Tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia Lê Thanh Hải cho biết, hệ thống trạm quan trắc hiện rất thưa, một trạm khí tượng chỉ có thể quan trắc được những gì xảy ra xung quanh bầu trời bán kính 10 – 20 km trong khi ở nhiều nơi, các trạm này cách nhau từ 50 – 100 km. Do đó, nhiều hiện tượng thời tiết xảy ra giữa 2 trạm quan trắc không quan sát, theo dõi được nên không thể dự báo chính xác. 
 
Đơn cử như tỉnh Thái Nguyên có 9 huyện, thành thị, địa hình bị chia cắt mạnh, có cả đồng bằng, trung du và miền núi, với 2 con sông chính và hàng trăm hồ đập nhưng cũng chỉ có 2 trạm khí tượng và 2 trạm thủy văn. Đặc biệt, trên sông Công có Hồ Núi Cốc (Diện tích lưu vực 535 km2, dung tích hồ 176 triệu m3 nước) chưa có trạm thủy văn nên rất khó khăn cho công tác cảnh báo dự báo lũ cho Hồ. 

Căn nhà làm việc của các cán bộ nhân viên Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên.

Hay như tại Bắc Kạn, khoảng cách từ trạm khí tượng chợ Rã đến trạm gần nhất là ở thành phố Bắc Kạn cũng là 50 km, còn đối với những vùng sâu, xa hơn thì khoảng cách còn xa hơn. Cùng với đó, đa phần máy móc làm việc tại các trạm hiện nay còn khó khăn, hệ thống máy tính, máy in, fax đa phần cũ kỹ, lạc hậu.

Về vấn đề này, ông Lê Thanh Hải cho biết, Nhà nước đã có quan tâm đặc biệt vùng sâu xa, tăng phụ cấp ngh dự báo viên, quan trắc viên ở vùng núi cũng có ưu tiên nhất định. Đối với vùng sâu xa, nhà trạm xuống cấp, xập xệ thì một số nơi đã được đầu tư xây mới. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn rất khó khăn.

Trạm Khí tượng chợ Rã (Bắc Kạn) cũng xuống cấp.

Chính phủ ban hành Quyết định số 90 về Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia, trong đó tăng trạm khí tượng, đo mưa, phấn đấu 2030 là 10-15km một trạm. Bên cạnh đó, tăng cường các yếu tố tự động, tăng cường công nghệ dự báo hiện đại hơn cũng như mua siêu máy tính để xử lý thông tin dữ liệu, đồng hóa dữ liệu. “Tương lai sẽ thành lập trạm tự động đo các yếu tố cơ bản mưa, độ ẩm, gió... kết hợp radar thời tiết, vệ tinh thì sẽ giảm bớt quan trắc viên, tập trung nhân lực và nguồn lực cho chất lượng dự báo, cảnh báo”, ông Hải cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Hải, giữa đòi hỏi và năng lực có khoảng cách, chúng ta thu hẹp khoảng cách ấy chứ không xóa nhòa khoảng cách ấy. Hồng Kông (Trung Quốc) mất 20 năm để hiện đại hóa hệ thống dự báo khí tượng. Mỹ cần 20 tỷ đô để làm mới lại hệ thống radar thời tiết nên cần có thời gian cũng như từng bước để có thể hoàn thiện. 

Bài và ảnh: Thu Trang
"Đo nắng, đong mưa" nơi thâm sơn cùng cốc
"Đo nắng, đong mưa" nơi thâm sơn cùng cốc

Đằng sau mỗi bản tin thời tiết là vô vàn những khó khăn, cơ cực của những người làm khí tượng, thủy văn. Đó là 5 chàng trai đo thủy văn nơi thâm sơn cùng cốc bốn bề là sông núi, không điện, không nước hay hai mẹ con làm khí tượng trên đỉnh đồi chợ Rã (Bắc Kạn)...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN