Những ‘sàn’ lừa đảo kiếm tiền online vừa ‘sập’ lại tái sinh

Ngay sau khi hàng loạt các trang web lừa đảo kiếm tiền online bị sập, lập tức những trang web khác tương tự, thậm chí là chính những trang web vừa sập lại “hồi sinh” bằng những tên miền khác nhau nhưng thực chất là “bình mới rượu cũ”. Vì lòng tham cũng như muốn lấy lại tiền đã mất, người chơi mới lẫn cũ lại tiếp tục tham gia và bị mất tiền chỉ trong vài ngày.

1001 kiểu lừa

“Tranh đơn ảo”, “tăng lượt like”, “dự đoán tiền vàng, tiền ảo”, “nuôi bò ảo”... là những kiểu lừa mới lạ, rộ lên từ đầu năm đến nay khiến nhiều người thấy lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng gấp chục lần đã bất chấp rủi ro, bỏ tiền vào chơi nhằm kiếm lợi. 

Chú thích ảnh
Những 'sàn' lừa đảo tái sinh chỉ sau vài ngày sập trước đó với tên miền khác, nhưng nội dung trang không có gì thay đổi.

Luật sư Vũ Quyết Tiến, văn phòng luật Globalink Law Firm, ví von kiểu lừa này giống như “nuôi dụ heo”. Nghĩa là, kẻ lừa đảo ban đầu sẽ cho heo ăn một ít, tương đương ban đầu người chơi bỏ vốn thấp nhất từ 100.000 đồng để thấy được lợi nhuận. Một số chú heo đầu tiên khi đến ăn sẽ rất cảnh giác xem thức ăn có vấn đề hay không. Nhưng 2 -3 ngày sau thức ăn được kẻ lừa đảo tiếp tục cho ăn vẫn thơm và ngon, lại càng ăn càng béo, những chú heo khác đứng sau quan sát cũng đã mạnh dạn hơn đến ăn. Cứ thế, thức ăn được cho ngày càng tăng lên khi những chú heo đến ngày càng đông.

Khi kẻ cho ăn thấy đã đến lúc cần thu lưới, trước đó 1 - 2 ngày đã tăng thêm lượng thức ăn lên gấp nhiều lần, những đàn heo khác thấy ham đã đến tham gia. Ngày cuối cùng, lưới đã được thả xuống và tất cả những chú heo ăn thức ăn miễn phí này đều bị nhốt vào chuồng. 

Các "sàn"  kiếm tiền online cũng giống như hình thức lừa đảo trên. Đáng lo ngại, những "sàn" lừa đảo này không chỉ  những tên rất lạ như Coolcat, ShopPing mall, PChome, Rich, 1645top, Part time...  mà còn mạo danh những trang thương mại điện tử hay những tên thương hiệu nổi tiếng khác... Tuy nhiên, Coolcat được xem là "sàn" lừa đảo nhiều tiền nhất vì được người chơi tin tưởng. Theo "sàn" này, dù giao dịch thua nhưng người chơi vẫn được bảo hiểm 100% vốn, tức an toàn tuyệt đối khi đầu tư. 

Cụ thể, người chơi Coolcat chỉ cần tải phần mềm vào điện thoại, đăng ký bằng số điện thoại của mình. Công việc của người chơi là bấm dự đoán giá Bitcoin, giá vàng lên hoặc xuống. Nếu đoán thắng thì nhận được 73% tiền thắng, nếu thua 6 lần liên tiếp thì phải dừng lại, báo về hệ thống để được bảo hiểm đền 100%. 

Tuy nhiên, để được đền bảo hiểm, người chơi phải bỏ tiền mua gói báo hiểm với 6 gói có mức phí từ 54 USD - 9.146 USD, tương đương 1,26 triệu đồng đến 210 triệu đồng. Nếu người mua đầu tư gói bảo hiểm cao nhất sẽ được nhận lãi từ 3,3 - 9,7 triệu đồng/ngày. 

Chú thích ảnh
Loạt số tài khoản trên các "sàn" lừa đảo nhận tiền người chơi được các nạn nhân thống kê gửi đơn tố cáo công an.

Ngoài ra, cũng giống như các "sàn" lừa đảo khác, người chơi giới thiệu càng nhiều người tham gia sẽ được thưởng hoa hồng cùng tiền đội nhóm, tuỳ thuộc vào gói bảo hiểm mà người được giới thiệu mua. Với mức hoa hồng giới thiệu lên đến 1,8 triệu đồng, đã có nhiều người mắc bẫy khi tham gia lời mời.  

Đáng chú ý, trước khi các "sàn" lừa đảo biến mất, tất cả đều tổ chức các sự kiện lớn thu hút người chơi nạp càng nhiều tiền, rủ càng nhiều người càng có lợi nhuận cao như “tri ân khách hàng”, “lễ khai trương chi nhánh mới”, “kỷ niệm ngày thành lập”... 

Điển hình như PChome, với sự kiện tri ân những khách hàng VIP, những người muốn được chủ đầu tư "sàn" lừa đảo gặp mặt và lựa chọn làm việc cho hệ thống thì ít nhất trong 3 ngày trong tài khoản của người chơi phải có số dư ít nhất 200 triệu đồng. Theo đó, người chơi nếu chưa đủ tiền phải nạp thêm và càng nạp càng được thưởng chiết khấu hoa hồng cao. 

Sau khi thấy đủ tiền, hàng loạt các "sàn" lừa đảo đều “sập” khiến hàng ngàn người mất trắng hàng tỷ đồng. Thống kê sơ bộ ở trang ShopPing mall, có đến hơn 4.000 người tham gia bị lừa, trong đó có người bị mất hơn 7 tỷ đồng. 

Tái sinh những trang web đã sập

Chú thích ảnh
Một nạn nhân của "sàn" lừa đảo PChome vì muốn có tiền cứu con bị ung thư đã tham gia.

Tuy nhiên, khi các "sàn" lừa đảo trên vừa sập thì lập tức 1 - 2 ngày sau lại xuất hiện các "sàn" lừa đảo mới với nội dung tương tự. Điển hình như trang PChome, sau khi sập thì tái sinh bằng "sàn" khác có tên miền goshopingbee-vip; còn ShopPing mall tái sinh có tên miền sendofpt.cc... Ngoài ra, còn có nhiều "sàn" tái sinh bằng những tên miền mới như nhietdoithap, youtu.be, toss, 155.so...

Để thu hút con mồi mới và cũ tham gia, một số "sàn" còn thông báo không cần nạp tiền, chỉ cần tham gia sẽ được tặng ngày 100.000 đồng và có ngay chiết khấu hoa hồng khi thực hiện đủ lượt “tranh đơn ảo”, “tranh like ảo”...; tuy nhiên, sau 7 ngày chơi mới được rút tiền. Còn ai nạp tiền thì sẽ được rút tiền hoa hồng ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Điều kiện hấp dẫn này đã thu hút rất nhiều người mới lẫn người cũ tham gia. 

Chú thích ảnh
Nhiều người dân tập trung đến cơ quan công an để tố cáo các"sàn" lừa đảo.

Thế nhưng, chỉ sau 4 ngày các "sàn" này tiếp tục biến mất không dấu tích. Tất cả người chơi mới đều hụt hẫng khi vừa vào vài ngày chưa rút được tiền đã bị mất trắng; còn người chơi cũ thì cay đắng vì lòng tham, muốn lấy lại số tiền đã mất trước đó mà mất thêm tiền một lần nữa.

Một người chơi trong nhóm shopPing mall cũ than thở: “Tôi nghĩ những "sàn" này ít nhất phải tồn tại 1 tháng rồi sập chứ, tính gỡ lại ít tiền ai ngờ đi quá nhanh, không ai có thể rút được tiền”.

Đáng thương hơn, có người vì muốn có tiền cho con chữa bệnh ung thư đã nạp 10 triệu đồng vào "sàn" lừa đảo. Nhưng một ngày sau, "sàn" đã sập. Những giọt nước mắt này đã cầu xin trưởng nhóm có thể trả lại tiền để cứu con, nhưng ngay lập tức nick zalo nạn nhân bị chặn và không thể liên lạc được. 

Chú thích ảnh
Công an tiếp nhận thông tin người dân đến tố cáo các "sàn" lừa đảo.

Nick name Sỹ Hoàng cho biết: “Tôi đã trà trộn vào những nhóm của các "sàn" lừa đảo mới này để cảnh báo cho người mới chơi biết không nên nạp tiền. Thế nhưng, hầu như tất cả đều muộn màng vì những người mới được thêm vào nhóm đều đã nạp tiền, có người vừa chơi đã nạp đến vài triệu đồng”. 

Còn bạn có nick name Hồng cho biết: “Mình mới cảnh báo trên group Zalo của "sàn" lừa đảo sendofpt được vài lần thì đã bị “kích” ra khỏi nhóm. Thật tội cho những người mới tiếp tục trở thành nạn nhân chỉ vì không đọc và xem thông tin các báo, đài cảnh báo gần đây”.

Trong khi đó, nick name Lưu Ly và Mai Nguyễn đã không ngừng kêu gọi những nạn nhân cùng làm đơn tố cáo và không nên tiếp tục nghe lời dụ dỗ, chia rẽ nội bộ nhóm để bỏ qua tội của các trưởng nhóm lôi kéo, dụ dỗ tham gia các "sàn" lừa đảo khác. 

Chú thích ảnh
Trong khi các nạn nhân vẫn đang làm đơn tố cáo thì những "sàn" lừa đảo khác tiếp tục xuất hiện và dụ dỗ những người chơi mới tham gia.

Đến thời điểm này, công an các tỉnh, thành phố đã nhận hàng trăm đơn thư tố cáo của các nạn nhân về "sàn" lừa đảo, mong sớm nhận được tiền và ngăn chặn những "sàn" lừa đảo tương tự khác xuất hiện. 

Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
 Sập bẫy 'bánh vẽ' kiếm tiền online - Bài cuối: Có thể khởi tố hình sự?
Sập bẫy 'bánh vẽ' kiếm tiền online - Bài cuối: Có thể khởi tố hình sự?

Trao đổi về vấn đề xuất hiện hàng loạt các trang web chiêu dụ người chơi kiếm tiền online bằng hình thức hưởng tiền chiết khấu cao hơn lãi suất ngân hàng, LS Vũ Quyết Tiến - Công ty Luật Globalink Law Firm, cho biết, đây là hình thức có dấu hiệu lừa đảo, có thể khởi tố hình sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN