Còn hơn tuần nữa là đến Tết Nhâm Tý năm 1972, tối hôm đó, chị Lương Thị Nhiễu vợ anh dự họp hợp tác xã tại sân đình, thì được người nhà gọi về để chia tay anh ra mặt trận. Thật bất ngờ. Chị hớt hải bước thấp bước cao về nhà. Đến cửa, đã thấy đại úy Trần Dũng, thủ trưởng của chồng, anh lên tiếng chào trước.
Chị đáp lại trong hơi thở hổn hển:
- Anh đấy à, muộn thế này mà các anh còn đi đâu nữa?
Trần Dũng đến gần chị nói khẽ:
- Sắp mở chiến dịch lớn, gấp quá, phải xuống đây đón Dũng lên đường.
- Thế thì nhà em không được ăn Tết à?
- Có chứ, nhưng ở mặt trận! Chị Nhiễu thừ người ra.
Chị hiểu chồng mình một phóng viên thời chiến, đã nhiều lần chia tay chị và các con đều bất ngờ và gấp gáp. Nhưng chưa có lần nào thủ trưởng của anh lại đến tận nhà đón vào lúc đêm hôm như lần này.
Nghĩa Dũng lấy khăn mặt khô, luồn vào vào bụng, lau ngực và áo may ô cổ vuông (loại áo lót của bộ đội). Chị nhìn thấy ngực áo anh ướt sũng, thảng thốt hỏi:
- Sao thế?
Anh nhoẻn miệng cười:
- Thằng Trường đái dầm.
- Thay ra, để em giặt.
- Không sao, khô ngay mà…
Rồi anh kéo tấm chăn bộ đội đắp lại cho 4 đứa con đang ngon giấc và nói với mọi người:
- Thôi, ta đi.
Thế là anh dắt khẩu súng lục vào bụng và khoác balo con cóc lên vai. Chị Nhiễu như muốn ứa nước mắt, nhưng cố nén không dám khóc. Anh khép cửa lại, rồi cả ba người lặng lẽ ra đầu ngõ.
Từ nhà anh chị ở thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) ra đến quốc lộ 1A khoảng gần 2 km. Hai anh sải bước đi trước, chị lẽo đẽo theo sau. Đến đường cái, đại úy Trần Dũng lên xe. Vợ chồng Lương Nghĩa Dũng sau xe chia tay nhau.
Thấy vợ tần ngần đứng lặng im, anh vỗ nhẹ vào vai vợ và nói:
- Ở nhà cố gắng nuôi dạy các con, thắng trận anh sẽ về ăn Tết bù...
Vậy là anh mở cửa xe, bước lên ghế ngồi.
Người tài xế nổ máy. Xe ngược về Hà Nội để hôm sau lên đường ra trận.
Chị Nhiễu đứng lặng trên đường cái, thoáng nhẩm lại lời chồng. Sao lại phải dặn mình cố gắng nuôi dạy con, chẳng nuôi mà chúng nó cứ lộc ngộc đứa lớn kéo đứa bé lớn lên như vậy? Đầu óc chị chông chênh, vô định, chỉ còn đôi mắt chớp chớp, nhìn theo ánh đèn gầm ô tô xa dần. Một cơn gió lạnh xiết vào mặt làm chị chợt tỉnh, rồi như nhớ ra điều gì hệ trọng, vội vàng quay trở lại nhà. Bụng bảo dạ, về mau kẻo con út thức giấc, không thấy bố mẹ đâu lại khóc, nó mà bò lồm cồm tìm mẹ, tụt ngã xuống đất thì nguy to. Chị đi mà như chạy, như bay giữa cánh đồng tối om. Người nhẹ tênh như mộng du, chị mơ hồ cảm thấy, phía trước là con kéo, phía sau là chồng kéo, chồng con đều như vừa chạy, vừa đu chị lên, nhấc bổng chị khỏi mặt đất, rồi cả chồng và con đều đủn chị về phía trước, đều chui tọt vào căn nhà tre... Căn nhà vẫn yên tĩnh, bốn đứa con chị đang thở đều đều. Ngồi một mình bên giường nhìn lũ trẻ ngủ ngon, bỗng nhiên chị bật khóc, khóc tức tưởi không thành tiếng, thương con quá, sợ con thức dậy...
Ngày ấy, Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam - TTXVN) điều một đội ngũ phóng viên tin, ảnh ra mặt trận khá hùng hậu, lần đầu tiên, có cả xe kỹ thuật chuyển phát tin ảnh vô tuyến đi cùng. Số phóng viên, biên tập viên chia làm hai tốp, tốp đi theo bộ đội chủ lực được gọi tắt là “Mũi tấn công”, và tốp đi theo bộ đội địa phương, du kích là “Mũi nổi dậy”. Họ cùng lên đường một ngày, đến Quảng Bình thì chia tay. “Mũi tấn công” và xe kỹ thuật rẽ lên đường 20, giáp Lào, rồi chạy dọc tuyến Trường Sơn đến sở chỉ huy mặt trận tiền phương đóng ở Tây Quảng Trị. Còn phóng viên “Mũi nổi dậy” đi theo quốc lộ 1A vào phân xã Vĩnh Linh, đóng ở xã Vĩnh Nam, cách thị trấn Hồ Xá 5 km. Vừa đào hầm, dựng lán xong, là Tết ập đến.
Ở Vĩnh Linh, Tết năm đó cũng rôm rả, đủ các mỹ vị như mứt Thủ đô, bánh chưng, thịt hộp, rượu chanh, chè gói Hồng Đào, bánh bích qui, kẹo mềm Hải Châu, thuốc lá Tam Đảo...
Sự “phong phú” đó là do một phần hàng Tết mà anh em phóng viên trong đoàn mang theo, phần khác do phân xã được cung cấp tại chỗ. Chỉ thiếu một thứ rất Hà Nội là hoa. Ở một nhà dân đổ nát gần phân xã còn mỗi cây mận sắp nở hoa, nhưng anh em không nỡ chặt cành, nhằm Tết đến, xuân sang để nó ra hoa, làm đẹp cho cả vùng. Cái cây mận khẳng khiu ấy sống được qua hàng chục trận bom B52 và pháo kích, thật quý hơn vàng. Thế là mấy phóng viên thường trú Vĩnh Linh quen địa hình đi kiếm ngay một cây gai dại còn xanh, cài vào cành lá của nó các cánh hoa giấy ngũ sắc xanh, đỏ, trắng, tím, vàng, trông rất vui mắt. Anh em đặt cành hoa đó vào miệng một cát-tút pháo mặt đất 100mm vàng chóe, dựng cạnh bàn thờ Tổ quốc, có ảnh Bác Hồ, rồi ngắm nghía, vẻ mãn nguyện tự khen: Đẹp! Đẹp đấy! Đây là nhà hầm, nơi hội họp, tiếp khách của phân xã. Gọi nó là nhà hầm bởi nền nhà được đào sâu xuống đất hơn 1 mét, có đường hào ra các hầm cá nhân và hầm máy thu phát tin tức.
Ở phân xã, anh em không nấu ăn riêng, mà ăn chung bếp với cánh tuyên giáo, báo, đài của đặc khu Vĩnh Linh. Chiều 30 Tết, lĩnh cơm, canh về, bổ sung thêm các món hàng Tết tiêu chuẩn, xem ra khá thịnh soạn. Mở chai rượu chanh mầu vàng nhạt, toàn những tay không biết uống rượu, nhưng cũng cụng ly cho khí thế. Rượu không nặng, lại hơi ngọt dễ uống, thế là mấy anh em cũng nhâm nhi gần hết một chai. Mặt đỏ phừng, họ ngồi quây quần bên nhau, hò hát vài bài ca quen thuộc. “Ta đan lưới lửa trên trời, ta đan lưới thép ngoài khơi, chắc tay súng, bộ đội và dân quân sẵn sàng... Không cho chúng nó thoát, không cho chúng nó thoát, chúng bay vào sẽ không có đường ra...”. Hát hết một bài, đoạn quên, đoạn nhớ, bất kể, cứ vỗ tay cười ran.
Hồi tưởng về cái Tết này, nhà báo Trần Mai Hưởng viết: “Một nỗi nhớ nhà, nhớ Hà Nội quay quắt trong tôi. Đêm giao thừa ầm ì tiếng súng dọc vùng giới tuyến với bầu không khí trực chiến căng thẳng. Tôi ra sườn đồi sim đứng nhìn về phía Bắc và nhớ về những người thân yêu của mình...”.
Còn ở phía Tây Quảng Trị, tốp phóng viên theo quân chủ lực được bố trí gần sở chỉ huy mặt trận, ém vào sườn núi rậm rạp, cách điểm đóng quân của phía Sài Gòn không xa. Bí mật, bình tĩnh, đợi lệnh xuất phát. Đó là mệnh lệnh của những ngày chờ nổ súng.
30 Tết, các đơn vị được “ăn tươi”, có rau bắp cải, xu hào chở từ Hà Nội vào và có cả thịt lợn, thịt bò chạy qua các món rau xào, nấu. Nhưng không có rượu và bánh chưng như dưới phân xã, còn trà gói Hồng Đào, thuốc lá Tam Thanh, Tam Đảo, bánh mứt kẹo Hải Châu được phân phối đủ. Các suất ăn được chia vào khay, nồi nhôm, hộp nhôm quân dụng theo danh sách của anh nuôi. Khoảng 5 giờ chiều các đơn vị đã đến nhà bếp lấy cơm về. Mấy anh em Thông tấn cả quân sự lẫn dân sự biệt phái đều trụ lại bên nhau trong một căn hầm. Ăn xong là uống trà, trà vừa hãm trong bi đông đổ ra bát sắt uống. Không hát hò huyên náo, chỉ chuyện trò tào lao đợi đến giao thừa nghe Bác Tôn chúc Tết. Anh em được trang bị một radio theo dõi tin tức, nghe ca nhạc. Mọi người ngồi tựa lưng vào vách hầm, lim dim mắt, nghe các chương trình phát thanh qua làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam. Lúc này những trái tim xa nhà càng thấm thía tiếng nói từ Thủ đô, một hương vị Tết vô cùng quý giá.
Ở đây không có thuốc lào, Nghĩa Dũng “nghiền” thuốc lá rê của bà con Quảng Trị. Đêm se lạnh, khói thuốc lá khen khét quẩn quanh trong hầm, hình như nó làm cho căn hầm ấm lên. Vũ Tín là một phóng viên lâu năm của Phân xã Nhiếp ảnh, trong chuyến công tác này được giao nhiệm vụ biên tập ảnh gửi qua máy vô tuyến, biết Nghĩa Dũng cuốn chiếc áo may ô cổ vuông thấm nước đái dầm của thằng con ấn vào balo, anh dí dỏm khơi mào:
- Thuốc lá bố Dũng khét quá, hình như vẫn còn mùi nước đái thằng cu.
Anh em cả hầm ồ lên đồng thanh:
- Đúng rồi! Đúng rồi! Thuốc lá gì mà hắc như vậy?
- Cha này liều thật, cho anh em ăn Tết kiểu này à!
Nghĩa Dũng khoái chí, cười hả hê, rồi nói:
- Bậy nào, hôm nọ, sau khi đào hầm xong, tớ với các cậu chả đi tắm giặt rồi còn gì...
Cùng cảnh với nhau, Vũ Tín cũng có vợ con ở Hà Nội nên rất hiểu Nghĩa Dũng. Chuyện Nghĩa Dũng lên đường vội vã, muốn giữ hơi ấm của con, kỷ niệm của con như vậy cũng giống tâm trạng anh lắm.
Được đà, Vũ Tín bồi tiếp:
- Cảm ơn bố con ông Dũng nhá. Tết này ta có nước hoa đặc biệt đón xuân.
Nghe vậy, Nghĩa Dũng vui lắm, vừa nói, vừa cười:
- Xin các thầy thông cảm, lính mà. Mời các thầy ngủ đi để sáng ra có sức còn xuống các đơn vị chúc Tết...
Đón Tết xong, họ nôn nao chờ ngày nổ súng. Trận mở màn ngày 30/3/1971, Nghĩa Dũng theo mũi tấn công chính, đã chụp được một bức ảnh bất hủ “Đánh chiếm điểm cao 365”. Đây là bức ảnh chốt của bộ ảnh “Những khoảnh khắc để lại” được giải thưởng Hồ Chí Minh. Anh còn đi theo các đơn vị xe tăng, bộ binh vào giải phóng thị xã Quảng Trị. Chiến thắng đang phơi phới, ống kính anh đang đầy ắp những tấm ảnh hào hùng, thì ngày 1/5/1972, anh bị trọng thương, đã phải nằm xuống vùng Cồn Trâu, huyện Hải Lăng. Còn Vũ Tín tuy ở tuyến sau làm biên tập cũng bị bom xuyên nát cả bàn chân, không may vết thương nhiễm trùng, phải đưa ra Hà Nội mổ, cắt khớp gối.
Vậy là lời hứa của Nghĩa Dũng về ăn Tết bù với vợ con không bao giờ thực hiện được nữa. Từ bấy trở đi, Tết đến chị Nhiễu đều bận rộn với 4 đứa con, chẳng những nuôi chúng lớn lộc ngộc, mà còn học hành tử tế. Các cháu đều tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Công chị lớn lắm, nhưng chị nghĩ đó là công của chồng. Gặp ai chị cũng nói: “Chúng nó chịu khó, thông minh giống bố”. Còn Vũ Tín trở về nhà với cái chân gỗ tập tễnh đi làm, đôi khi trở trời, mỏm cụt đau nhói, phải tháo chân giả ra tự xoa bóp. Những lúc ấy anh tự an ủi trước đồng nghiệp: “Mình còn may mắn hơn Nghĩa Dũng nhiều”.
Cứ nhắc đến Nghĩa Dũng là anh không quên được cái Tết có mùi thuốc lá rê hăng hắc trong hầm. Cái mùi đặc biệt mà đồng nghiệp đổ diệt là mùi nước tiểu thằng cu. Tưởng đấy là chuyện tào lao, vậy mà nó cứ ám ảnh, đeo đuổi anh suốt cuộc đời, và nó cũng lúc ẩn lúc hiện trong tâm trí những nhà báo bạn các anh cho tới già.
Hà Nội, những ngày giáp Tết Canh Tý năm 2020.