Liều lĩnh “kết bạn với tử thần”
Cách đây hơn 20 năm, anh Nguyễn Văn Hường (sinh năm 1981), ở xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, là một thanh niên cường tráng, chăm chỉ. Nhưng giữa vùng núi cao đầy gian khó này..., công việc duy nhất anh có thể kiếm được tiền là lên núi mót vỏ đạn, mìn, lấy sắt vụn bán đổi gạo. Biết là nguy hiểm tính mạng, nhưng anh Hường đành tặc lưỡi theo chân những người đi trước, mong kiếm tiền nuôi vợ con.
Nhiều năm trước, những vỏ đạn đã hết thuốc còn vương vãi rất nhiều trên sườn núi. Anh Hường cùng nhiều người trong xã không cần tốn công, chả phải đề phòng, cứ việc lên nhặt mang về. "Mỗi kg sắt vụn bán được 3.000 đồng, nếu đi từ sáng sớm đến tối mịt, có thể kiếm được 60.000 - 70.000 đồng. Số tiền đó đủ để nuôi vợ và hai đứa con nhỏ sống qua ngày", anh Hường cho biết.
Vỏ đạn vơi dần, kiếm cả ngày cũng không được bao nhiêu, anh Hường cùng những "đồng nghiệp" bảo nhau mua máy dò kim loại rẻ tiền để kiếm những viên đạn pháo nằm ẩn trong lòng đất. Do không nhìn thấy từ xa, nhiều trường hợp vừa bới được lớp đất lên, tay chạm vào kíp, mìn phát nổ....
Đoàn quân “sắt vụn” của xã Phương Tiến, huyện Thanh Thủy, ngày càng ít thành viên do gặp phải tai nạn, nặng thì mất mạng, nhẹ thì mất chân, mất tay, mù mắt... Dù tận mắt chứng kiến người khác nằm xuống do bom, mìn phát nổ, nhưng chẳng ai bỏ cuộc. "Lúc đầu thấy người khác bị nổ mìn mà chết cũng sợ hãi, nhưng lâu dần thành quen", anh Hường chia sẻ.
Không liều lĩnh như anh Hường và những thanh niên trong xã Phương Tiến, anh Nguyễn Đức Dân ở thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, lại đến với "nghề mót mìn” bằng kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn.
Vốn là chiến sỹ từng tham gia nhiều trận đánh trong cuộc chiến tranh biên giới, anh Dân có thể sử dụng súng thành thạo cũng như phân biệt và am hiểu các loại bom, mìn, đạn pháo... Kinh nghiệm đó giúp anh tháo thành công rất nhiều loại mìn, biến chúng thành sắt vụn. Anh Dân còn được mọi người tin cậy, mỗi khi phát hiện ra quả mìn lạ, đều mang đến nhờ anh kiểm tra...
Chủ tịch UBND xã Phương Tiến Phan Văn Hạc cho biết, những nạn nhân đi “mót mìn” kiếm sống đều thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên mới liều mình như vậy.
"Chúng tôi đã phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Bộ đội Biên phòng thường xuyên đến từng gia đình để tuyên truyền cho người dân tránh xa những khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi đã có biển cảnh báo của quân đội. Nhưng vì điều kiện kinh tế, thi thoảng vẫn xảy ra những tai nạn đáng tiếc", ông Phan Văn Hạc cho biết.
Hậu quả khôn lường
Trong cuộc thăm hỏi, động viên của Hội Hỗ trợ nạn nhân bom mìn Việt Nam diễn ra đầu năm 2015, một trong những người được xác định thương tật nặng nhất lại là anh Nguyễn Đức Dân.
Anh bị mất hẳn hai bàn tay, mắt bị tổn thương nặng và cơ thể có nhiều di chứng. Đó là hậu quả trong một lần anh Dân tham gia đào mương cho hợp tác xã, một nhóm người truyền tay nhau quả mìn màu xanh rất nhỏ đưa đến cho anh.
Từng đi chiến đấu, anh biết đây là loại mìn 652A có tính sát thương rất cao bằng uy lực của thuốc nổ trong bán kính một mét. Khi có lực khoảng 5 - 7 kg đè lên mặt, mìn sẽ giải phóng kim hỏa và gây nổ. Loại mìn nhỏ màu xanh này lẫn với lá cây nên khó phát hiện, gây tổn thất nặng nề cho bộ đội Việt Nam khi hành quân qua những cánh rừng.
Đang cầm trên tay để phân tích cho mọi người biết độ nguy hiểm, quả mìn bỗng dưng phát nổ cướp đi đôi bàn tay của anh chỉ trong tích tắc. Do khoảng cách quá gần, đôi mắt anh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không còn nhìn rõ mọi vật xung quanh...
Người trong làng bảo anh kém may mắn, bao năm làm lính chiến đấu không bị thương, đến khi hòa bình lại trở thành tàn phế. Giờ đây, mỗi khi tiếp xúc với bất kỳ ai, anh Dân đều thừa nhận, đó là sai lầm rất lớn, dù đã trải qua quân ngũ nhưng nhận thức không đúng đắn gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Dẫu có ân hận đến mấy, đôi tay của anh cũng không thể lành trở lại và cuộc sống của một cựu chiến binh vẫn phải trải qua những tháng ngày khó khăn vì "giàu hai con mắt, khó hai bàn tay", trong khi tay anh không còn, mắt cũng rất kém.
Cũng giống anh Dân, việc làm liều lĩnh của anh Nguyễn Văn Hường ở xã Phương Tiến cũng phải trả một giá quá đắt. Anh Hường là người cuối cùng bị tai nạn do mìn gây ra trên địa bàn huyện Vị Xuyên tính đến thời điểm này.
Đó là vào ngày 29/3/2017, sau tiếng nổ xé trời, quả mìn mà anh Hường nhặt được đã phá nát một bên chân, một cánh tay và đôi mắt của anh. Theo các bác sỹ điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, thị lực của anh chỉ còn lại 5%, tỷ lệ thương tật lên tới gần 90%.
Với tình trạng sức khỏe quá yếu như hiện nay, cuộc sống của anh Hường gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, anh là lao động chính trong gia đình, bây giờ anh không còn khả năng làm việc. Gia đình bốn miệng ăn, chỉ biết trông chờ vào gánh rau ngoài chợ làng của vợ với thu nhập bình quân chỉ 1,5 triệu đồng/tháng.
Mọi công việc trong nhà giao lại cho đứa con đầu chưa đầy tám tuổi. "Ngày trước, cứ thấy ở đâu có mìn, đạn là tôi đến nhặt, chả nghĩ ngợi gì. Đến nay, rơi vào hoàn cảnh sống dở, chết dở mới thấy thực sự nguy hiểm", anh Hường chia sẻ.
Chỉ vì cuộc sống khó khăn và thiếu hiểu biết, anh Hường, anh Dân và nhiều người dân trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã trở nên liều lĩnh. Cái giá mà các anh phải trả cho việc “kết bạn với tử thần” là quá đắt. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, khi phải ngồi một chỗ, trở thành gánh nặng cho gia đình, điều mà những nạn nhân này mong muốn, là con cái họ sẽ không vướng phải sai lầm mà mình đã từng mắc phải.
Bài cuối: Chung sức 'hồi sinh' vùng đất chết