Đất công "bốc hơi"... theo công thức
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều trường hợp vi phạm đất đai chưa được chính quyền phường, xã, thị trấn và quận, huyện, thị xã ngăn chặn kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân. Trước thực tế này, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 04/CT - UBND năm 2014 về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong sử dụng, quản lý đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn thành phố cùng Kế hoạch xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp, đất công.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hà Nội, nhiều địa phương, trong đó có quận Long Biên đã để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý đất công, đất nông nghiệp, đất bãi bồi ven sông, dẫn tới hệ lụy trước mắt cũng như lâu dài, chưa biết đến bao giờ mới giải quyết được.
Long Biên là đô thị trẻ ở phía Đông thành phố Hà Nội với nguồn lực đất đai dồi dào, vị trí đắc địa, giá cả ngày càng đắt đỏ. Cụm từ "đất Long Biên" là từ khóa được nhiều người truy cập tìm kiếm trên Google trong nhiều năm trở lại đây, cho thấy sức hấp dẫn của đất đai ở khu vực này. Do giá trị của đất cao, cùng với năng lực quản lý hạn chế, một số cán bộ địa phương quận Long Biên đã bỏ qua quy định của pháp luật, buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm đất đai.
Chạy dọc bờ đê, các phường Long Biên, Bồ Đề, Cự Khối đến Ngọc Thụy, Giang Biên… có thể thấy bạt ngàn diện tích đất bãi bồi ven sông. Đây chính là dư địa cho các phường làm "kinh tế", với việc cho thuê đất để mở trang trại, bãi chứa vật liệu xây dựng, mô hình sinh thái...
Theo tìm hiểu, từ trước những năm 2014, chính quyền một số phường như Bồ Đề, Long Biên, Giang Biên, Ngọc Lâm, Gia Thụy cho một số hộ cá nhân thuê đất làm mô hình sinh thái với giá rẻ giật mình, chỉ khoảng 500 đồng/năm/m2 đất bãi bồi ven sông. Đơn cử, phường Gia Thụy đã cho một công ty thuê 15 ha, với giá 500 kg thóc tẻ loại thường/sào/năm, thời hạn thuê khoảng 5 năm/lần hợp đồng.
Nhìn chung, các hợp đồng thuê đất tại các địa phương kể trên đều đăng ký ban đầu là sử dụng vào mục đích sản xuất, trồng cây ăn quả kết hợp với kinh tế trang trại hộ gia đình. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, tất cả những ô đất thuê này đều sử dụng không đúng mục đích. Nhiều chủ đầu tư, sau khi thuê đất đã lập hàng rào quây kín. Phía bên trong cải tạo, xây dựng hạ tầng, tạo cảnh quan rất đẹp gồm sân vườn, đường dạo, tiểu cảnh.
Một "cò" chuyên môi giới làm các thủ tục hợp thức hóa đất công bật mí, công thức chung là: Sau một thời gian, người thuê sẽ có đơn trình bày với chính quyền sở tại cho phép được quây tường rào, nhà tạm để trông nom bảo quản tài sản cây trồng, vật nuôi trên đất. Dần dà qua vài năm, cộng với sự thay đổi lãnh đạo địa phương, những mảnh đất công này có thể biến tướng, xây dựng những công trình kiên cố.
Theo quy trình như vậy, nhiều chủ đầu tư đã gom được hàng nghìn mét vuông đất công, đất nông nghiệp, đất bãi bồi ven sông "bờ xôi ruộng mật" ở Long Biên với giá rẻ bèo, chờ thời chuyển đổi sang các loại đất khác có giá trị cao hơn để thu lời, nguy cơ gây thất thu ngân sách Nhà nước. Bởi lẽ, nếu đất đó đem ra đấu giá công khai, Nhà nước sẽ thu được giá cao gấp hàng trăm lần và nhiều người có nhu cầu đấu giá chứ không bị bó hẹp đối tượng như thời gian qua.
Biến tướng khó kiểm soát
Do buông lỏng quản lý, những vi phạm đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn Long Biên diễn biến phức tạp, tồn tại dưới dạng: Xây dựng công trình trái phép, cho thuê đất trái thẩm quyền, sử dụng đất không đúng mục đích. Đáng chú ý, tại thời điểm thanh tra (tháng 7/2018), số vi phạm tăng so với năm 2017 là 134 trường hợp, so với năm 2016 tăng 187 trường hợp.
Công ty Phúc Long từ nhiều năm nay đã gom đất nông nghiệp, bãi bồi ven sông Đuống của hàng chục hộ dân quận Long Biên với diện tích vài nghìn mét vuông để làm bãi trung chuyển, tập kết vật liệu. Chính quyền đã liên tiếp xử phạt hành chính, yêu cầu Công ty Phúc Long dừng hoạt động, vận chuyển toàn bộ vật liệu xây dựng ra khỏi bãi tập kết do vi phạm lĩnh vực đất đai, quản lý đê điều.
Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên ngày 22/8/2019, bãi chứa, trung chuyển vật liệu này vẫn có hàng vài trăm mét khối cát đen, cát vàng, đá, sỏi được tập kết thành những đống lớn, cao như núi, bất chấp các quy định cấm của cơ quan chức năng. Cùng với đó là hàng chục chiếc máy xúc, xe ô tô tải cỡ lớn đỗ, dừng trong bãi phục vụ việc bốc xếp, vận chuyển vật liệu. Ngay phía mép nước dưới sông Đuống, một chiếc sà lan cỡ lớn chở đầy cát đen đang tìm cách neo đậu, múc cát lên bãi chứa không phép Phúc Long.
Người dân sống cạnh bãi chứa, trung chuyển vật liệu cho biết, bãi này hoạt động ngoài việc gây xáo trộn cuộc sống của khu dân cư, do tiếng ồn và ô nhiễm môi trường còn làm thay đổi hiện trạng đất. Một người dân bức xúc phản ánh: "Họ (Công ty Phúc Long - PV) thuê đất nông nghiệp của người dân, rồi tiến hành đào múc đất “thịt” đem đi nơi khác bán. Sau đó, công ty đổ phế thải vào lấp lên để làm mặt bằng tập kết vật liệu xây dựng. Giờ người dân có lấy lại đất cũng không thể làm nông nghiệp được. Chúng tôi mong muốn công ty phải trả lại hiện trạng ban đầu mới trồng cây được, khi đấy người dân mới nhận lại đất".
Từ nội thành vượt qua cầu Vĩnh Tuy, nhìn xuống là bãi ngô, rau xanh mướt bạt ngàn. Thế nhưng, đi sâu vào địa bàn phường Long Biên, Bồ Đề, Ngọc Thụy..., xuất hiện khá nhiều khu vực đất bãi bồi ven sông bị biến thành bãi đổ phế thải, sát mép sông Hồng. Người dân ở đây cho biết, mỗi khi bãi thải đầy lên lại có xe đến ủi phẳng, dồn phế thải xuống để lấn ra sông Hồng. Nhiều khu đất ở cạnh sông Hồng được hình thành như thế và đến nay đã có người thuê thầu, xây tường bao, trồng cây, thực hiện các mô hình sản xuất khác.
Nhiều khu vực trước đây là bãi bồi ven sông với bạt ngàn ngô, đậu tương người dân trồng ra sát mép nước sông Hồng. Tại một số vị trí đất bãi bồi, đất nông nghiệp lại xuất hiện mô hình, lán ở với kết cấu đơn giản, theo kiểu khung sắt thép, mái tôn hoặc quây tường rào, sử dụng mục đích phi nông nghiệp.
Tình trạng sử dụng đất sai mục đích, làm thay đổi hiện trạng đất công, đất nông nghiệp, đất bãi bồi ven sông diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn quận Long Biên. Câu hỏi đặt ra là vi phạm đất đai ở Long Biên từ thời điểm nào, công việc xử lý vi phạm được thực hiện ra sao và trách nhiệm thuộc về ai?
Bài 2: Đùn đẩy trách nhiệm