Tri ân người nằm xuống nơi biển đảo
Mỗi năm qua đi, những trang giấy trong quyển lưu bút trên các đảo ở quần đảo Trường Sa lại dày thêm với hàng vạn lời gửi gắm của các đoàn công tác trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài khi đến với Trường Sa. Từng trang lưu bút là những dòng tri ân, hay có thể là một bài thơ viết vội.
Trong chuyến công tác ra Trường Sa tháng 5/2022 mới đây, lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 ở Trường Sa và tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đã được tổ chức trong niềm xúc động tuôn trào, nhiều người trong đoàn công tác không cầm được nước mắt.
Giữa biển, trời Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, Thượng tá Vũ Trọng Lưu - Cục Chính trị Quân chủng Hải quân xúc động: “Trong giờ phút thiêng liêng, chúng tôi có mặt trên vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma; nơi mà cách đây hơn 30 năm về trước, ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam chống lại kẻ thù xâm lược để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc, thành kính tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ - những người con trung kiên, dũng cảm của đất mẹ Việt Nam đã chiến đấu hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta, vì sự trường tồn vững chắc chủ quyển biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng”.
Có mặt trên tàu KN290 trong buổi lễ tưởng niệm hôm ấy, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, xúc động chia sẻ: “Chúng tôi bày tỏ lòng kính trọng, đồng cảm và biết ơn sâu sắc tới thân nhân các Anh hùng liệt sĩ, tới những người cha, người mẹ, người vợ, người em, người con đã hiến dâng tất cả phần ruột thịt của mình cho Tổ quốc”.
Ngày 14/3/1988, các lực lượng tàu chiến hùng hậu có trang bị vũ khí hiện đại Trung Quốc đã ngang nhiên, bất chấp công lý và lẽ phải, bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta. Với ý chí quyết tâm “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, các lực lượng Hải quân là cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh, nhưng đã mưu trí sáng tạo, anh dũng chủ động, thực hiện nghiêm đối sách, bình tĩnh khôn khéo trong xử lý các tình huống để giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ, thủy thủ các Tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125, Vùng 2; của cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 146, Vùng 4; Trung đoàn Công binh 83 Hải quân. Dù biết rằng có thể sẽ hy sinh, nhưng các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng.
“Chúng tôi vô cùng cảm phục tấm gương anh dũng hy sinh của Anh hùng liệt sỹ, Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sỹ Đại úy Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng Tàu HQ 604, trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo; càng cảm phục hơn Anh hùng liệt sỹ Thiếu uý Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước lúc hy sinh anh đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”.
Cảm phục Anh hùng, thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy Tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm...”, Thượng tá Vũ Trọng Lưu – Cục Chính trị Quân chủng Hải quân phát biểu.
Cống hiến trọn đời cho Tổ quốc
Trong cái nắng hè oi ả, chúng tôi lên điểm đảo Thuyền Chài B. Trong phòng hội trường của đảo, tôi nhận ra một góc phòng trang trọng là nơi đặt ban thờ cúng liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trên tấm di ảnh có ghi: Liệt sĩ Đại úy Nguyễn Quốc Huy - Chỉ huy trưởng điểm đảo Thuyền Chài B, sinh ngày 19/8/1965, nhập ngũ tháng 9/1985, đội 4, xã Cẩm Hà, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, hy sinh ngày 18/8/1997.
Theo Đại tá Nguyễn Thiên Quân, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, tháng 8/1997, khi đang là Chỉ huy trưởng điểm đảo Thuyền Chài B, đơn vị tổ chức neo bia để bắn đạn thật, nhưng trời bất ngờ nổi giông bão khiến chiếc bia neo bị đứt dây trôi dạt. Với quyết tâm không để mất bia neo, một đồng chí chỉ huy đã cố bơi ra cứu bia neo nhưng do sóng to, gió lớn, bị hụt hơi. Không một chút suy tính, anh Nguyễn Quốc Huy đã lao mình bơi đến để cứu đồng đội. Nhưng khi cứu được đồng đội thì chính anh lại bị sóng gió cuốn đi và không thể tìm được thi thể.
Cũng vì thế, cứ vào ngày 18/8 hàng năm, cán bộ chiến sĩ trên điểm đảo Thuyền Chài B lại sửa soạn mâm cơm, thắp nén nhang thơm tưởng nhớ người chỉ huy hết lòng vì đồng đội. Vẫn biết sự hy sinh nào cho Tổ quốc cũng cao cả, nhưng với các chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển, đó là nỗi mất mát quá lớn đối với đơn vị, gia đình.
Ngày đó, các đảo của ta chưa kiên cố; phương tiện, thiết bị còn hạn chế nên không thể làm gì hơn. Các anh đã hy sinh nằm lại Trường Sa, nhưng sự hy sinh anh dũng ấy đã thắp lên truyền thống kiên cường, bất khuất cho lớp lớp thế hệ trẻ giữ đảo sau này, nguyện quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc dù phải hy sinh tính mạng.
Clip lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên quần đảo Trường Sa và các Anh hùng liệt sĩ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc
Quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam XHCN. Mỗi rạn san hô, từng hạt cát, nhành cây, ngọn cỏ nơi đây đều mang hình hài của hồn thiêng sông núi, thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ người con đất Việt. Những người dân nước Việt đời đời trân trọng ghi lòng, tạc dạ những công lao và sự hy sinh vô bờ bến vì sự toàn vẹn của giang sơn gấm vóc của Tổ quốc, vì thế đứng kiêu hãnh nơi tuyến đầu của Trường Sa hôm nay.