Theo Đài phát thanh Quốc tế Deutsche Welle của Đức ngày 20/4, hơn hai năm sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, quân đội Ukraine vẫn đang bị bộ binh, pháo binh và không quân Nga tấn công, đặc biệt là ở mặt trận phía Đông và phía Nam.
Ukraine sẽ không thể cầm cự nếu không có viện trợ quân sự từ các đối tác và thường xuyên kêu gọi các đồng minh phương Tây của mình cung cấp thêm đạn dược và hệ thống phòng không.
Trong bối cảnh đó, Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IFW) đã liệt kê và định lượng viện trợ nhân đạo, tài chính và quân sự, bao gồm vũ khí, đạn dược và thiết bị, đã được cam kết và phân bổ cho Ukraine nhiều nhất từ các đối tác phương Tây tính đến thời điểm hiện tại.
Mỹ: Nước này đã cam kết và cung cấp sự hỗ trợ quân sự tối đa cho Ukraine trong cuộc chiến đang diễn ra với Nga. Theo IFW, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết viện trợ quân sự tương đương hơn 42 tỷ euro (44,7 tỷ USD) cho Ukraine kể từ tháng 2/2022.
Nhưng hiện tại, quỹ được Quốc hội Mỹ phê duyệt đã cạn kiệt và đảng Cộng hòa đã chặn gói viện trợ mới cho Ukraine, trị giá tương đương 61 tỷ USD, trong nhiều tháng. Đến ngày 20/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ khổng lồ trị giá 95 tỷ USD cho Ukraine, Israel và Đài Loan cùng dự luật đe dọa cấm TikTok.
Đức: Với khoảng 19 tỷ USD cho đến nay, Đức đứng thứ hai về viện trợ quân sự cho Ukraine. Mới cuối tuần trước, Chính phủ Đức cam kết sẽ cung cấp hệ thống tên lửa Patriot thứ ba để tăng cường khả năng phòng không của nước này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người trước đây đã chỉ trích sự chậm trễ của Đức trong việc cung cấp viện trợ, đã gửi lời cảm ơn tới Berlin.
Anh: Nước này gần đây đã công bố viện trợ quân sự bổ sung trị giá tương đương 3,1 tỷ USD, nâng tổng cam kết quân sự của nước này lên 9,7 tỷ USD. Theo IFW, số tiền tương đương 45,1 tỷ USD đã được cung cấp.
Đan Mạch: Tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Đan Mạch là một trong những nước tài trợ viện trợ quân sự lớn nhất. Quốc gia nhỏ bé này đã cam kết tăng thêm 3,7 tỷ USD kể từ tháng 11/2023. Trong số 9 tỷ euro viện trợ quân sự mà nước này đã cam kết, ít nhất 4,8 tỷ USD đã được phân bổ.
EU: Ngoài sự hỗ trợ song phương từ từng quốc gia thành viên, EU còn có công cụ tài chính ngoài ngân sách riêng để cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine: Quỹ Hòa bình châu Âu (EFF).
Vũ khí, đạn dược và thiết bị trị giá khoảng 6 tỷ USD đã được cung cấp. Vào giữa tháng 3 vừa qua, sau nhiều tháng tranh luận, EU đã đồng ý cung cấp thêm ít nhất 5,3 tỷ USD.
Hà Lan: Viện trợ quân sự mà Hà Lan cam kết dành cho Ukraine lên tới 4,7 tỷ USD. Vào đầu tháng 3 năm nay, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Tổng thống Ukraine Zelensky đã ký một thỏa thuận an ninh, trong đó dành hơn 2 tỷ USD viện trợ quân sự trong năm 2024.
Na Uy: Tương tự như Đan Mạch, Na Uy cũng cam kết viện trợ đáng kể cho Ukraine khi tính theo GDP của nước này. Na Uy đang theo đuổi chiến lược kéo dài nhiều năm như một phần của Chương trình hỗ trợ Nansen cho Ukraine, bao gồm cả viện trợ nhân đạo và quân sự. Quốc gia Bắc Âu trên đã cam kết hỗ trợ tổng cộng 4 tỷ USD, trong đó hơn 1 tỷ USD đã được phân bổ.
Ba Lan: Nước này có chung đường biên giới với cả Nga và Ukraine, là đối tác thân cận của Kiev và nước này đã cam kết viện trợ quân sự hơn 3 tỷ USD cho Ukraine. Ba Lan cũng đã trở thành một trung tâm hậu cần quan trọng để chuyển viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine.
Canada: Nước này cũng có thỏa thuận an ninh với Ukraine và cam kết cung cấp hơn 2 tỷ USD viện trợ quân sự vào cuối năm nay. Hai nước đã ký thỏa thuận hỗ trợ trong năm nay, nhân dịp 2 năm nổ ra xung đột ở Ukraine.
Thụy Điển: Quốc gia Bắc Âu này cam kết viện trợ quân sự trị giá hơn 2 tỷ USD cho Ukraine. Mặc dù ban đầu nước này viện trợ chủ yếu là trang thiết bị bảo vệ cá nhân nhưng giờ đây sự hỗ trợ bao gồm cả xe tăng và hệ thống vũ khí hiện đại.