5 vũ khí Nga khiến NATO khiếp sợ-Kỳ cuối

Các công nghệ chiến tranh đã phát triển kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh (và thực tế là trong thập kỷ cuối của Chiến tranh Lạnh) vẫn chưa được thử nghiệm trong một cuộc xung đột cường độ cao. Liên minh NATO chắc chắn có thể đánh bại các đối thủ có hệ thống phòng không đang lão hóa, lực lượng không quân yếu và khả năng tấn công tầm thường. Tuy nhiên, vẫn chưa thể biết sẽ hiệu quả thế nào nếu NATO phải chiến đấu với một đối thủ được huấn luyện tốt, có quyết tâm với các công nghệ tương đối hiện đại như Nga.

3. Hệ thống phòng không S-400


Cách thức chiến tranh của phương Tây hoàn toàn phụ thuộc vào việc chiếm ưu thế trên không. Lực lượng NATO đã không phải chiến đấu chống lại một hệ thống phòng không hiện đại trong một thời gian rất dài. Trong khi đó, chi phí cho các máy bay ném bom của NATO hiện nay đã tăng lên rất cao, khiến một chiếc máy bay nào đó bị bắn hạ có thể trở thành một thảm họa tài chính đối với mỗi quốc gia trong khối.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.


Một hệ thống phòng không S-400 có 3 loại tên lửa, mỗi loại được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu trên không với tầm bắn khác nhau. Tên lửa có tầm bắn xa nhất có thể tấn công mục tiêu ở cự ly 400km, với những tên lửa tầm ngắn hơn thì vẫn có thể đánh chặn các mục tiêu cơ động, nhanh. S-400 cũng có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo. Các hệ thống cảm biến của S-400 được cho là rất hiệu quả, đặc biệt khi Nga có thể thiết lập tuyến phòng thủ S-400 ở gần các khu vực xung đột. S-400 được triển khai ở Kaliningrad có thể gây nguy hiểm đối với các hoạt động trên không của NATO ở sâu bên trong EU.

Nếu kết hợp với tên lửa Iskander và máy bay chiến đấu Flanker, S-400 sẽ gây khó khăn rất nhiều đối với lực lượng không quân của NATO trong những ngày đầu cuộc xung đột. Các hệ thống cảm biến của Nga (cả trên không lẫn trên bộ) có các khả năng chiếm ưu thế hơn hẳn so với bất kỳ đối thủ nào mà các quốc gia NATO đã giao chiến trong 25 năm qua. Ít nhất trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, S-400 và các hệ thống liên quan của nó có thể vô hiệu hóa sức mạnh trên không của NATO, làm suy yếu một trong những trụ cột quan trọng trong cách thức chiến tranh của phương Tây.

4. Tàu ngầm lớp Akula


Các lực lượng NATO đã phát triển một khả năng chống ngầm tốt trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, bao gồm máy bay chiến đấu, tàu ngầm tấn công, thiết bị cảm biến tĩnh và các tàu chiến mặt nước. Nhưng sự tan rã của Liên Xô đã làm giảm đáng kể mối đe dọa từ tàu ngầm của Nga, dẫn tới sự suy giảm về các khả năng tác chiến chống ngầm (ASW) của NATO. Trong khi các lực lượng NATO (đặc biệt là quân đội Mỹ) tiếp tục theo đuổi ASW, thì họ lại không nhận được những nguồn lực hỗ trợ như thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tàu ngầm lớp Akula của Nga.


Tuy nhiên, Nga vẫn duy trì và phát triển các tàu ngầm. Trong những năm 1980 và 1990, Liên Xô và Nga đã chế tạo 15 chiếc tàu ngầm lớp Akula (Shchuka-B), 9 chiếc trong số này vẫn đang hoạt động trong lực lượng hải quân của Moskva. Hải quân Nga sau đó đã nâng cấp các tàu ngầm lớp Akula với công nghệ giảm độ ồn hiện đại. Có lẽ quan trọng nhất, tàu ngầm lớp Akula có thể mang theo một lượng lớn vũ khí, bao gồm các ngư lôi và tên lửa hành trình. Các tên lửa hành trình có thể tấn công các mục tiêu cả trên bộ và biển, đặt ra mối đe dọa lớn đối với bờ biển của các nước thuộc khối NATO.

Các tàu ngầm tốt nhất của NATO vẫn có thể truy tìm và đánh bại tàu ngầm lớp Akula. Nhưng cho dù NATO có thể đánh chìm các tàu ngầm này của Nga, chúng vẫn có thể giáng trả một đòn nặng nề cho đối phương trước khi bị tiêu diệt. Điều này có nghĩa là nó có thể phá hủy một tàu sân bay hoặc các cơ sở hạ tầng quan trọng ở trên bờ của bất kỳ một đối thủ nào.

Trong 5 năm qua, khi công nghệ tàu ngầm điện – diesel tiếp tục phát triển, tàu ngầm lớp Lada có thể sẽ thay thế tàu lớp Akula. Tuy nhiên, cho đến nay, khả năng tàng hình và mang nhiều vũ khí của tàu ngầm lớp Akula vẫn còn là mối đe dọa không chỉ với các tàu chiến mà còn với cả các cơ sở hạ tầng trên bờ của NATO.

5. Spetsnaz

Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã xây dựng các lực lượng tác chiến đặc biệt, chủ yếu nhằm hỗ trợ các hoạt động tác chiến truyền thống. Tuy nhiên, ngay cả vào thời điểm đó, Liên Xô đã phát triển nhiệm vụ này một cách rộng rãi hơn so với NATO. Spetsnaz là một thuật ngữ chung để chỉ các lực lượng hoạt động đặc biệt của Liên Xô thực hiện các nhiệm vụ tấn công như phá hủy hệ thống thông tin liên lạc của đối phương…
 

Lực lượng đặc biệt Nga luyện tập vượt vật cản.


Giống như tất cả các đơn vị khác trong quân đội Nga, các lực lượng đặc biệt này cũng đã yếu đi sau sự sụp đổ của Liên Xô. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng ở Chechnya, Nga đã khôi phục và phát triển lại lực lượng đặc biệt của riêng mình. Lực lượng này có một sức mạnh ghê gớm, có khả năng tác động đến mọi khía cạnh của một cuộc chiến tranh. Sự phát triển lực lượng này diễn ra song song với việc mở rộng của lực lượng đặc biệt phương Tây dưới sự “bảo trợ” của cuộc chiến tranh chống khủng bố. Trên thực tế, lực lượng đặc biệt của Nga và NATO đã vài lần tiến hành các cuộc diễn tập chung để nâng cao hiệu quả chiến đấu.
 
Mặc dù không phải là một "vũ khí" theo ý nghĩa công nghệ, lực lượng đặc biệt Nga đại diện cho một trong những công cụ hiệu quả nhất trong “kho vũ khí” của Moskva. Đơn vị này sẽ có một vai trò và sự ảnh hưởng rất lớn trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm năng nào với NATO, có thể ngay cả trước khi NATO nhận ra cuộc xung đột đã bắt đầu.
 
Có một nghi vấn nho nhỏ rằng liệu kho vũ khí của NATO hiện nay có duy trì được ưu thế công nghệ trước Nga? Dù thế nào đi nữa thì quân đội Nga vẫn có thể huy động đủ nguồn lực và có đủ sự sáng tạo để làm tổn thương NATO nếu xung đột ở châu Âu bùng phát.

Xem kỳ 1 tại đây

CT (Theo N.I)
5 vũ khí Nga khiến NATO khiếp sợ-Kỳ 1
5 vũ khí Nga khiến NATO khiếp sợ-Kỳ 1

Các sự kiện gần đây ở Ukraine, lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, đặt ra nỗi ám ảnh về một cuộc xung đột trực tiếp giữa NATO với Nga. Nếu ngoại giao thất bại và giới chính trị đẩy NATO vào cuộc chiến với Moskva, thì đây là những loại vũ khí sẽ khiến NATO phải lo ngại nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN