Tên lửa không đối đất thử nghiệm tại Pokhran, Ấn Độ. |
Nhằm mở rộng hệ thống phòng không của Ấn Độ, Thủ tướng nước này Narendra Modi đã thông qua một bản thỏa thuận mua hệ thống tên lửa tầm trung đất đối không (MRSAM) do tập đoàn sản xuất hàng đầu Israel Aerospace Industries hợp tác với Tổ chức phát triển và nghiên cứu quốc phòng của Ấn Độ (DRDO) sản xuất.
Bản hợp đồng này đánh dấu 25 năm quan hệ ngoại giao hợp tác giữa hai nước. Theo một quan chức quân đội Ấn Độ, "bản dự thảo cho dự án MRSAM đã được Ủy ban Nội các An ninh, do Thủ tướng đứng đầu, trình lên vào cuối tuần trước. Bản hợp đồng chính thức sẽ được ký kết vào cuối tháng 3".
Hệ thống tên lửa mới này được cho là sẽ bảo vệ vùng không phận Ấn Độ trước các loại máy bay thù địch hoạt động trong phạm vi 48-72 km.
Tuy nhiên do sản phẩm này được hình thành từ sự hợp tác của hai quốc gia, nên vấn đề nước nào sẽ có quyền sở hữu trí tuệ với hệ thống tên lửa này vẫn còn là một ẩn số. Theo tướng nghỉ hưu Ấn Độ Bhupinder Yadav, quyền sở hữu trí tuệ về kỹ thuật tên lửa sẽ thuộc về công ty của Israel, trong khi các hệ thống phụ lại được DRDO phụ trách sản xuất.
Theo thỏa thuận, Ấn Độ sẽ nhận được 40 tên lửa MRSAM. Dự kiến hệ thống vũ khí này sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2023.
Tập đoàn Israel Aerospace Industries và DRDO trước đó cũng đã hoàn thành 3 lần thử nghiệm hệ thống và báo cáo đánh chặn thành công mục tiêu tấn công đang di chuyển trong cả 3 lần.