Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có tên Liêu Ninh vốn là hàng không mẫu hạm Varyag lớp Đô Đốc Kuznetsov chưa kịp hoàn thiện. Trung Quốc mua lại tàu Varyag từ Ukraine trong năm 1998 và chỉnh sửa, trang bị lại thành tàu sân bay Liêu Ninh.
Trung Quốc đã phiên chế tàu sân bay thứ hai mang tên Sơn Đông vào tháng 12/2019. Đây là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng hoàn toàn. Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia đánh giá rằng nước này cần hạm đội hơn 6 tàu sân bay.
Nhưng Business Insider đã chỉ ra một số điểm yếu của các hàng không mẫu hạm Trung Quốc.
Cả tàu Liêu Ninh và Sơn Đông đều được dựa trên thiết kế của hàng không mẫu hạm lớp Kuznetsov do Liên Xô sản xuất. Tuy đã có nhiều cải tiến nhưng vẫn còn nhiều nét của thiết kế lỗi thời trên 2 tàu sân bay Trung Quốc, đó là đường băng kiểu “nhảy cầu” với phần mũi dốc lên thuộc hệ thống cất cánh cự ly ngắn và cáp hãm đà hạ cánh (STOBAR).
Những tàu sân bay áp dụng STOBAR có đặc điểm là các chiến đấu cơ trên boong phải “hạng nhẹ” để có thể cất cánh. Điều này đồng nghĩa với việc chiến đấu cơ trên tàu sân bay của Trung Quốc chỉ có thể mang theo lượng vũ khí giới hạn và bình chứa nhiên liệu hạn chế.
Ngược lại, tàu sân bay Mỹ sử dụng máy phóng máy bay năng lượng hơi hoặc năng lượng điện từ trường, tạo điều kiện để chiến đấu cơ nâng cao tải trọng. Các tàu sân bay của Mỹ còn có thể trở thành nơi cất cánh của máy bay ném bom, máy bay trinh sát và máy bay vận tải loại nhỏ. Trong khi đó, hàng không mẫu hạm Trung Quốc chỉ có thể phóng máy bay tiêm kích.
Ngoài ra, tàu sân bay Trung Quốc chỉ có thể mỗi lần phóng 1 chiến đấu cơ nhưng hàng không mẫu hạm Mỹ lại có khả năng phóng 2 chiếc cùng một lúc.
Dưới đây là video về hoạt động của tàu sân bay Sơn Đông (nguồn: Nhân dân Nhật báo):
Tàu sân bay Trung Quốc chỉ sở hữu phi đội nhỏ, ví dụ như tàu Liêu Ninh là 40 phi cơ, tàu Sơn Đông là 44 chiếc. Trong khi đó, tàu sân bay lớp Nimitz và Gerald R. Ford mang theo lần lượt từ 60-75 phi cơ. Hải quân Trung Quốc cũng chỉ có chưa đầy 1 thập niên kinh nghiệm liên quan đến tàu sân bay trong khi Mỹ vốn có gần 1 thế kỷ vận hành chiến hạm này. Và quan trọng nhất, Trung Quốc chưa hề có chút kinh nghiệm thực chiến nào với đội tàu sân bay.
Nhà nghiên cứu Timothy Heath tại tổ chức Rand Corporation (Mỹ) khi đề cập đến việc Trung Quốc chi mạnh tay cho tàu sân bay với phi đội hạn chế đã phân tích rằng Bắc Kinh chủ trương sử dụng hàng không mẫu hạm để đảm bảo tuyến đường thương mại quan trọng Ấn Độ Dương là đối tượng của sáng kiến “Vành đai, Con đường”.
Hầu hết dầu mỏ Trung Quốc nhập khẩu đều được trung chuyển qua Eo biển Malacca và Bắc Kinh chưa có căn cứ quân sự để đảm bảo an ninh và lợi ích ở khu vực này. Hơn nữa, Ấn Độ cũng sở hữu các tàu sân bay riêng, điều này khiến Trung Quốc có thêm động lực để sử dụng hàng không mẫu hạm hỗ trợ hoạt động hải quân ở Ấn Độ Dương.
Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc, Lớp 003, nhiều khả năng không còn sử dụng đường băng kiểu “nhảy cầu” và hệ thống phóng chiến đấu cơ năng lượng hơi hoặc năng lượng điện từ trường.