Một số quốc gia châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, phải đối mặt với số lượng tân binh trẻ ngày càng giảm. Hàn Quốc, quốc gia đang phải vật lộn với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, đã có nhiều tranh cãi về việc có nên áp dụng nghĩa vụ quân sự với cả nữ giới hay không. Giới chức Hàn Quốc đã bác bỏ kế hoạch này, mặc dù nếu áp dụng thì sẽ tăng gấp đôi số tân binh. Australia thậm chí cho phép binh lính nước ngoài có kinh nghiệm gia nhập lực lượng vũ trang của mình.
Trong khi đó, Nhật Bản không có nghĩa vụ quân sự bắt buộc và cũng không có dòng người nhập cư dồi dào. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) ghi nhận số lượng đơn đăng ký giảm. Người dân Nhật Bản trong độ tuổi từ 18 đến 26, nguồn tuyển dụng chính cho các cấp bậc thấp của SDF, đã giảm xuống còn khoảng 10 triệu người từ mức 17 triệu ba thập niên trước và dự báo sẽ còn giảm hơn nữa trong những năm tới.
SDF đã nâng trần độ tuổi cho các tân binh từ 26 lên 32 vào năm 2018 nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút nhân sự mới. Ông Christopher Johnstone tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, đánh giá: “Đây là một vấn đề lớn về mặt cấu trúc. Nó thách thức đáng kể khả năng của Nhật Bản trong thực hiện tất cả những điều mà nước này muốn ở chiến lược phòng thủ quốc gia”.
Một ban cố vấn của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã cảnh báo trong báo cáo vào tháng 7 rằng dù kho vũ khí của nước này có lớn hơn và tiên tiến hơn nhiều thì vẫn sẽ cần người vận hành. Giáo sư chính trị Andrew Oros tại Đại học Washington (Mỹ) nhận định: “Chỉ riêng công nghệ không phải là giải pháp cho lực lượng quân sự thường trực đang bị thu hẹp”.
Không chỉ số lượng thanh niên Nhật Bản giảm mà tỷ lệ chọn theo học đại học ngày càng cao, đồng nghĩa với số thanh niên sẵn sàng gia nhập SDF sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng giảm.
Một số quốc gia đang cố gắng cải thiện sức hấp dẫn của quân đội qua tăng lương và các đãi ngộ khác. Australia năm nay đã công bố khoản thưởng 31.800 USD cho những người cam kết ở lại làm việc thêm ba năm sau thời gian phục vụ quân ngũ ban đầu. Nhà phân tích Euan Graham tại Viện Chính sách Chiến lược Australia cho biết việc tìm kiếm và giữ chân thủy thủ đoàn cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân theo kế hoạch của nước này sẽ “đặc biệt khó khăn”.
Trong khi đó, trong kêu gọi tuyển dụng mới nhất, Nhật Bản nhấn mạnh đến những kỳ nghỉ dài, cân bằng giữa công việc và cuộc sống, thậm chí cả công việc dành cho những người không tự tin rằng họ có đủ sức chịu đựng về thể chất cho lực lượng vũ trang. Bộ Quốc phòng đã tìm cách nâng cấp nhà ở dành cho các thành viên SDF và đề nghị ngân sách năm tới bao gồm hạng mục như chi phí cải thiện khả năng truy cập internet trên chiến hạm và tàu ngầm, giảm bớt sự cô lập cho các thủy thủ. SDF cũng hy vọng sẽ thu hút được nhiều phụ nữ hơn.
Theo ông Christopher Johnstone, trong chiến lược dài hạn tiềm năng, Nhật Bản có thể chuyển trọng tâm lực lượng của mình từ bộ binh sang trên biển và trên không.