Trong thông cáo báo chí ngày 7/9, Lockheed Martin cho biết thành phần trên là một khối nam châm nằm trong máy tua-bin của F-35, do công ty Honeywell chế tạo. Khối nam châm này được cho là chế tạo từ coban và hợp kim samari của Trung Quốc và được từ hóa tại Mỹ.
Máy tua-bin là một bộ phận quan trọng trong máy bay, chịu trách nhiệm tích hợp bộ phận năng lượng với máy tuần hoàn không khí để cung cấp năng lượng điện để khởi động động cơ và bảo trì trên mặt đất.
Lockheed khẳng định: “Chúng tôi đang làm việc với các đối tác và Bộ Quốc phòng Mỹ để đảm bảo tuân thủ hợp đồng trong chuỗi cung ứng”. Người phát ngôn của Lầu Năm Góc đã xác nhận với Bloomberg về việc tạm dừng tiếp nhận máy bay F-35 mới để đảm bảo tuân thủ các quy định liên quan đến kim loại đặc biệt.
Người phát ngôn đảm bảo rằng quyết định tạm dừng sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động của những chiếc F-35 đã được bàn giao cho quân đội Mỹ hoặc nước ngoài. Bởi lẽ, khối nam châm này không thể truyền thông tin hay gây rủi ro về hiệu suất, chất lượng, hoặc tính an toàn.
Để chế tạo F-35, Lockheed sử dụng 300.000 linh kiện riêng lẻ từ hơn 1.700 nhà cung cấp. Theo Lầu Năm Góc, Lockheed đã tìm thấy một nhà cung cấp hợp kim khác.
Mặc dù đã trải qua 20 năm phát triển và tổng chi phí trọn đời dự kiến là 1,7 nghìn tỷ USD, F-35 (tên đầy đủ là F-35 Lightning II) đã gặp phải nhiều trục trặc kỹ thuật, từ ghế phóng bị lỗi cho đến lỗi bộ xử lý, công suất động cơ, rỉ sét và dễ bị sét đánh.