Phó chủ tịch công ty tư vấn an ninh Global Guardian (Mỹ) - ông Seth Krummrich, nói với Al Jazeera: “Mùa Đông chỉ làm tăng thêm khó khăn… không bên nào sẽ đạt được bước đột phá về chiến thuật hoặc chiến dịch”.
Trong khi đó, giảng viên tại Học viện Quân sự Hellenic (Hy Lạp) - ông Konstantinos Grivas đánh giá cả Nga và Ukraine đều không tìm ra được lợi thế về công nghệ hoặc chiến thuật để tạo ra bước đột phá bởi phòng thủ đang chiếm ưu thế.
Ukraine đã thử chiến lược tấn công của riêng mình. Kiev dùng vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào hậu phương của Nga nhằm làm gián đoạn việc cung cấp vũ khí cho tiền tuyến. Tuy nhiên, Nga đã chuyển kho dự trữ ra khỏi tầm bắn và tìm đường vòng để chuyển vũ khí.
Ukraine đã điều máy bay không người lái tấn công các cơ sở sản xuất tên lửa của Nga và thậm chí là Moskva, nhưng trọng tải của chúng quá nhỏ nên không thể gây ra nhiều thiệt hại.
Ukraine gần đây nhất đã yêu cầu cung cấp tiêm kích F-16 và một số thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chấp thuận. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, khó có khả năng những chiến đấu cơ này có thể phá vỡ thế bế tắc.
Một cựu phó chỉ huy trong quân đội Hy Lạp – ông Andreas Iliopoulos phân tích: “Ngay cả khi Ukraine có được F-16, họ sẽ không thể sử dụng chúng một cách hiệu quả vì phi công phải được huấn luyện hàng nghìn giờ bay để có thể vận hành những tiêm kích này. Chúng sẽ không có ảnh hưởng cho đến năm 2025”.
Khả năng duy trì kho dự trữ và huy động nguồn nhân lực lớn của Nga đã khiến một số nhà quan sát cho rằng thời gian đang ủng hộ Moskva.
Trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không chấp nhận đàm phán khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vẫn tiếp diễn, thì Moskva lại đa dạng hơn. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói hôm 21/11: “Nga chưa bao giờ từ chối các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine. Tất nhiên, chúng ta nên nghĩ cách ngăn chặn thảm kịch này”.
Ông Grivas nói: “Tôi nghĩ mong muốn thầm kín của cả hai nhà lãnh đạo là làm thế nào để thoát ra và ai sẽ đàm phán trước”.